Sáng nay, mặc dù trời mưa to nhưng rất nhiều người dân Hà Nội đã đến hai điểm bán thịt lợn đồng giá 39.000 đồng/kg để mua thịt lợn sạch theo tiêu chuẩn Vietgap, ủng hộ người chăn nuôi trong thời điểm giá thịt lợn hơi đang bị giảm mạnh. Đây là hoạt động tiếp nối chiến dịch “Giải cứu thịt heo” do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm nhằm hỗ trợ người chăn nuôi và hỗ trợ giá cho người tiêu dùng.
Từ sáng sớm điểm bán thịt lợn sạch tại khuôn viên chung cư VOV (Mễ Trì, Lương Thế Vinh, Q. Nam Từ Liêm) đã tấp nập người đến mua. Thịt lợn được người đứng quầy bán với giá 39.000 đồng/kg (khi mua từ 3-5kg), riêng gói mua từ ¼ con (gần 20kg) thì giá bán rẻ hơn, ở mức 37.000 đồng/kg. Thịt lợn bán được giết mổ theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, chuyển từ nơi giết mổ đến nơi tiêu thụ bằng xe đông lạnh.
|
Rất đông người dân tập trung mua thịt lợn đồng giá 39.000 đồng/kg tại sân khu chung cư VOV (Hà Nội). |
|
Thịt lợn sạch được giết mổ theo quy trình khép kín, chuyển đến nơi bán bằng xe đông lạnh. |
Khá vui vẻ khi mua được thực phẩm ngon, cô Hải Anh (một người dân ở khu chung cư VOV) cho biết: “Thịt rất ngon và tươi, sờ vào thit mềm, có độ dính kết nhất định. Sáng nay, tôi đã mua 5kg. Chẳng mấy khi có cơ hội mua được thịt sạch, rõ nguồn gốc mà giá lại chỉ bằng một nửa ngoài chợ. Chưa kể, mình mua thịt thế này cũng ủng hộ người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Anh Trương Thanh Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết đã mua ủng hộ chương trình 10kg thịt, trong đó gia đình anh là 3kg, còn lại anh tặng lại cho hàng xóm gần nhà. Anh Bình cho biết: “5h chiều hôm qua, tôi đã ra điểm bán ở Nguyễn Chí Thanh nhưng không mua được thịt. Không ngờ, thịt lợn sạch đồng giá bán nhanh đến vậy. Vì thế, từ 7h sáng nay tôi đã ra khu chung cư VOV. Giờ đó đã rất đông người xếp hàng chờ mua thịt. Việc tổ chức điểm bán thịt giá rẻ này rất có ý nghĩa với người chăn nuôi và cả người tiêu dùng. Cá nhân tôi rất ủng hộ và mong có nhiều chương trình thiết thực hơn nữa”.
Theo anh Nguyễn Duy Hưng (cán bộ Trung ương hội TN Việt Nam): "Đến khoảng 10h sáng nay, tại điểm bán khu chung cư VOV, ban tổ chức ước tính đã bán hết 20 con, tương đương với hơn 2 tấn thịt hơi. Trước đó, tại điểm bán trước cổng Học viện Thanh thiếu niên VN (Hà Nội), ban tổ chức đã bán được 32 con, hơn 3 tấn thịt hơi. Do nhu cầu mua của người dân rất lớn nên tiếc nhất là hôm qua lượng thịt đã không đủ bán. Nhiều người dân khá nuối tiếc khi đến mua thì đã hết hàng”.
“Chương trình bán thịt lợn đồng giá này đã được tổ chức thành công tại TP Hồ Chí Minh từ hồi tháng 5. Hôm qua là ngày đầu tiên chúng tôi thí điểm ở miền Bắc. Sau khi thí điểm sẽ đưa ra tổng hợp, nghiên cứu xem thị trường miền Bắc có phù hợp với mô hình này không để tiếp tục nhân rộng. Ban đầu nhận thấy người dân rất ủng hộ, đông người đến mua và thịt hết rất nhanh. Ngoài ra, qua chương trình chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng chung tay hỗ trợ người dân chăn nuôi lợn để họ vượt qua đợt khủng hoảng giá thành lần này. Thịt lợn được bán với giá khá thấp nên người tiêu dùng cũng được hưởng lợi” - anh Nguyễn Duy Hưng chia sẻ.
|
Người dân lựa chọn các miếng thịt tươi ngon. |
|
Thịt lợn đều có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo vệ sinh an toàn TP. |
|
Chỉ vài tiếng đồng hồ, gần 20kg đã gần hết. |
Khá vui vẻ vì mua được thịt ngon và sạch, xong cô Nguyễn Thị Hương (nhà ở khu Đại học Hà Nội, Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Những chương trình như thế này là ý nghĩa, phát triển nhân rộng cũng tốt. Nhưng nhìn kỹ ra thì Nhà nước nên có chính sách như thế nào để hỗ trợ người nông dân. Làm sao để không còn tình cảnh người nông dân ế hàng, giảm giá, như vậy người khổ nhất vẫn là người nông dân”.
Trước đó, trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV (ngày 13/6), vấn đề “giải cứu thịt lợn” được nhiều đại biểu quốc hội quan tâm. Bộ trưởng Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã phân tích và chỉ ra nguyên nhân của cuộc khủng hoảng thịt lợn do việc chế biến tách lìa với sản xuất. Khâu liên kết giữa sản xuất và chế biến thịt heo chỉ có hơn 20%, còn chế biến sâu (giống, chăn nuôi, giết mổ) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy 90% việc tiêu thụ vẫn theo kiểu truyền thống. Khâu tổ chức trong chăn nuôi vẫn là khâu yếu nhất. Về ngoại thương chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc, các thị trường khác chưa mở cửa được.