Theo Báo Đồng Nai, hiện tại, cơ quan chức năng thuộc các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc đã phong tỏa các thửa đất có liên quan đến các dự án “ma” của Alibaba.
Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết 29 dự án “ma” mà Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (TP.HCM) tự vẽ ra để lừa khách hàng, hầu hết là đất nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông...
Tất cả do các cá nhân gồm Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba; Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thái Lực, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Long Thành Ali và Trương Thị Hồng Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp đứng tên.
|
Cơ quan điều tra làm việc với Nguyễn Thái Luyện. Ảnh: Công an cung cấp. |
Ngăn chặn mọi giao dịch, tiến hành tháo dỡ các công trình của Alibaba
Sau khi Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lực bị bắt, huyện Long Thành đã ngăn chặn mọi giao dịch ở những thửa đất nông nghiệp do các cá nhân trên đứng tên. Mục đích để tránh những đối tượng trên sang nhượng và tẩu tán tài sản.
Trong 29 dự án “ma” của Alibaba tại Đồng Nai thì huyện Long Thành có đến 27 dự án, nằm ở địa bàn 5 xã Long Phước, Phước Bình, Bàu Cạn, Tân Hiệp, An Phước. Địa bàn xã Long Phước là nơi có nhiều dự án “ma” nhất của Alibaba.
27 dự án “ma” của Alibaba được xác định thực chất là 14 khu đất do 4 cá nhân Lĩnh, Luyện, Lực và Ngọc đứng tên. Trong đó, Ngọc và Lực mỗi người chỉ đứng tên 1 khu đất, còn lại là Lĩnh và Luyện đứng tên quyền sử dụng đất. Tổng diện đất nông nghiệp do 4 người trên đứng tên là hơn 40 ha.
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết ngay khi Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh bị bắt giữ, UBND huyện đã yêu cầu các xã ngăn chặn toàn bộ giao dịch các thửa đất có liên quan đến dự án ma của Alibaba, đồng thời giữ nguyên hiện trạng đất, đợi cơ quan chức năng xử lý tiếp.
|
Biển cảnh cáo về tình trạng phân lô bán nền trái phép trên địa bàn xã Long Phước. Ảnh: Lan Anh. |
Tại huyện Xuân Lộc, Alibaba cũng thực hiện 1 dự án khống tại xã Xuân Hưng, nhưng huyện này đã ngăn chặn mọi giao dịch liên quan đến thửa đất đó trước khi 3 anh em Lĩnh, Luyện, Lực bị bắt hơn 4 tháng.
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, cho biết nhận thấy Alibaba có dấu hiệu lừa đảo người dân mua đất nền dự án ảo, huyện đã ngăn chặn giao dịch của thửa đất, tiến hành tháo dỡ các công trình trên đất và trả lại nguyên trạng ban đầu là đất nông nghiệp.
Tương tự, tại huyện Nhơn Trạch, Alibaba cũng tự vẽ quy hoạch, phân lô bán nền 1 dự án “ma” tại xã Long Thọ. UBND huyện đã cử lực lượng xuống tận nơi tháo dỡ tất cả biển hiệu quảng cáo, cử lực lượng trực ngày đêm để ngăn chặn xây dựng trái phép, khuyến cáo người dân không đến xem và mua đất.
Người mua làm lơ trước cảnh báo, bỏ tiền tỷ ra mua dự án của Alibaba
Khi nhận thấy Alibaba không được cấp phép bất cứ dự án nào tại Đồng Nai, chính quyền địa phương các huyện đã cắm các biển cảnh báo, cấm mọi hình thức phân lô bán nền, xây dựng và rao bán đất trái phép nhưng nhiều khách hàng vẫn bỏ ra từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mua các lô đất ảo.
Trong khi đó, Alibaba vẫn ngang nhiên tổ chức các sự kiện rầm rộ trên những khu đất nông nghiệp, lâm nghiệp trên và đưa người đến tham quan.
Ông Trần Ngọc Khải, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Long Thành, nói: “Từ cuối năm 2018, khi phát hiện Alibaba rao bán đất nền nhiều dự án không có thật trên địa bàn, huyện đã cử lực lượng phối hợp với các xã nơi có dự án ma trực suốt cả tuần để kịp thời giải tán, cảnh báo người dân được Alibaba đưa đến xem đất. Nhưng vẫn có nhiều người dân cả tin bỏ tiền mua đất của Alibaba”.
Đầu tháng 3, UBND tỉnh Đồng Nai đã họp báo, đề nghị thông tin rộng rãi Đồng Nai chưa cấp phép dự án khu dân cư nào cho Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Những dự án Alibaba rao bán chỉ là dự án “ma” và yêu cầu người dân không nên bỏ tiền ra mua đất.
|
Các nạn nhân đến công an tố cáo Địa ốc Alibaba lừa đảo. Ảnh: Lê Trai. |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cũng từng nhấn mạnh: “Quy hoạch về đất đai của Đồng Nai được công khai, người dân trước khi mua đất nên đến trực tiếp các xã, huyện để xem quy hoạch, thủ tục pháp lý của thửa đất. Như vậy sẽ không bị lừa mua phải đất của những dự án ảo”.
Alibaba đã lừa hơn 6.700 khách hàng ở nhiều tỉnh, thành với tổng số tiền lên đến 2.500 tỷ đồng. Những ngày qua, nhiều nạn nhân của Alibaba đã đến công an tỉnh tố cáo Địa ốc Alibaba lừa đảo với số tiền trung bình từ 300 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/hợp đồng.
Trong đó, có những hợp đồng mới ký với Alibaba cách đây 5-6 tháng. Nội dung nhiều hợp đồng cho thấy Alibaba đưa ra mức lãi suất khá cao (22-30%/năm).