Văn hóa cây tre
Theo PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó TBT Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, “cây tre Việt Nam” là khái niệm được nhiều nhà ngoại giao nhắc đến khi đề cập chính sách đối ngoại của Việt Nam. Khái niệm này không phải là mới, mà là sự đúc kết, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện. Ngoại giao “cây tre Việt Nam” là biết nhu, biết cương, biết thời, biết thế, biết mình, biết người, biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”. Ngoại giao cây tre thể hiện sự đoàn kết, nhân ái, linh hoạt, sáng tạo, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn, kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
|
Cây tre. Ảnh minh họa |
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (tháng 8-2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Tiếp đó, đến Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (tháng 12-2021), Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định và bổ sung, phân tích, làm sâu sắc thêm về trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”: “Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn văn hóa và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, can trường trước mọi khó khăn, thử thách, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc”.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã làm sâu sắc thêm tình cảm quý trọng, ngưỡng mộ và sự tin cậy của bạn bè quốc tế đối với Đảng ta và đất nước ta. Thực hiện “ngoại giao cây tre” bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, Việt Nam đã là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Theo chuyên gia phong thủy Quách Tuấn, cây tre gắn liền với tinh thần yêu nước của dân tộc Việt. Đây là loài cây thường được sử dụng làm vũ khí kháng quân thù trong các cuộc chiến tranh diệt giặc ngoại xâm. Cây tre như “ngôi nhà” che nắng che mưa cho đồng bào ta trong những năm kháng chiến ác liệt. Tre không chỉ là vũ khí, còn là nông cụ, dụng cụ, thực phẩm, vật dụng… trong đời sống hàng ngày. Cây tre mọc thành bụi thể hiện sự đoàn kết đùm bọc lẫn nhau. Từ xa xưa, tre đã được ông cha ta sử dụng để làm cây nêu đặt trước nhà trong ngày Tết với mục đích xua đuổi quỷ thần, đem lại may mắn…
Xua đuổi tà khí, mang lại may mắn
Theo chuyên gia phong thủy Quách Tuấn, không phải ngẫu nhiên mà trong văn phòng, nhà ở, bàn trà,… của các trí thức, đại gia thường bài trí và trồng tre, trúc. Cây tre luôn được xem là cây phong thủy đem lại may mắn và xua đuổi tà khí, gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc cứu nước. Từ xa xưa, cây tre và cây trúc là biểu tượng của sức sống mạnh mẽ trường tồn, tượng trưng cho sự đoàn kết, vững bền.
Thời xưa, các nhà Nho xem cây tre là biểu tượng của người quân tử. Cây tre có đặc tính "Tiết Trực, Tâm Hư", đốt thẳng, trong ruột thì trống không. Người quân tử ra làm việc công thì làm với thái độ ngay thẳng, trong bụng thì trống rỗng, không có lòng tham, không mưu tính riêng cho mình. Nho giáo cũng quan niệm trúc còn gọi trúc quân tử là biểu tượng của quân tử, tượng trưng cho lòng chính nghĩa, thẳng thắn vì dáng đứng ngay thẳng của chúng. Trúc quân tử tượng trưng cho ý chí mạnh mẽ, không chùn bước trong khó khăn, đại diện sự tinh thông, may mắn trong thi cử, may mắn trong làm ăn, phát tài. Cây trúc quân tử nằm trong bộ tứ “tùng, cúc, trúc, mai” được xem là biểu tượng của cái đẹp nên đây là một món quà tặng tân gia, khai trương ý nghĩa được nhiều người lựa chọn.
Đúng như cái tên của “quân tử”, trúc quân tử đại diện cho chính nghĩa, tượng trưng cho trí tuệ, sự uyên bác, thông minh. Đây là lý do nhiều trí thức, đại gia, doanh nhân lựa chọn trúc quân tử dạng bon sai đặt bàn trà hay đặt chậu tre, trúc trong phòng làm việc. Trong phong thủy, tre trúc tượng trưng cho tài lộc, xua đuổi tà khí. Trước cửa nhà hay trong văn phòng nếu bài trí tre, trúc đều có thể gia tăng vượng khí, mang tới cảm giác an toàn và thoải mái.
Đáng chú ý, cây tre và trúc quân tử phù hợp với tất cả tuổi và mệnh bởi loài cây này tượng trưng cho sự thẳng thắn, chính nghĩa và sẽ mang nhiều tài lộc. Nếu kinh doanh, buôn bán nên đặt trước cửa hoặc cổng ra vào, chọn hướng Đông Nam để ra tăng tài lộc. Trong gia đình đặt chậu cây ở phía Đông của ngôi nhà giúp đem lại hạnh phúc, trường thọ.
Trong công việc, các chuyên gia phong thủy cho rằng đặt một chậu tre, trúc nhỏ trên bàn làm việc, hoặc dưới đất cạnh bàn làm việc đều tốt. Có thể đặt ở hành lang văn phòng, cửa hàng hay hàng rào quanh nhà cũng rất phù hợp. Khi trồng chọn khóm tre, trúc khỏe, không sâu bệnh, chia nhỏ từng khóm có số lượng gốc theo phong thủy để cầu công danh, sức khỏe, tài lộc, may mắn, hạnh phúc, chiêu mộ tiền tài. Nếu cầu hạnh phúc thì trồng khóm 3 gốc tre hoặc trúc. Cầu sức khỏe trồng 5 gốc; Cầu tình yêu: 2 gốc; Cầu tài lộc: 8 gốc; Cầu sống thọ: 9 gốc; Cầu tiền bạc: 6 gốc…