Đại gia Hồ Xuân Năng: Cú thâu tóm hiếm có, túi tiền 600 triệu USD

Google News

Cú thâu tóm kinh điển cách đây 3 năm đã khiến cái tên Hồ Xuân Năng từ không mấy ai biết trở thành người giàu top 5 trên thị trường chứng khoán.

Tỷ phú từ tay trắng
Thị trường chứng khoán 9 tháng đầu năm 2017 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô, giá cổ phiếu và thanh khoản. Hàng loạt đại gia giàu bật lên nhờ cổ phiếu tăng giá kỷ lục.
Hồ Xuân Năng là một cái tên nổi bật trong số đó, kể cả những thời điểm thị trường điều chỉnh đi xuống.
Với biệt hiệu gây tò mò “Năng Do Thái”, ông Hồ Xuân Năng trở nên nổi tiếng trên thị trường chứng khoán nhờ vào khối tài sản phình nở một cách nhanh chóng. Chỉ trong thời gian ngắn, khoảng 6 tháng, túi tiền của ông Năng đã tăng gấp đôi, lên khoảng 13 ngàn tỷ đồng (tương đương 570 triệu USD).
Hiện ông Năng lọt vào top 5 người giàu nhất trên sàn chứng khoán và là người có thể cạnh tranh trực tiếp vị trí thứ 4 của ông trùm ngành thép Việt Trần Đình Long, với thương hiệu Hòa Phát nổi tiếng.
Dai gia Ho Xuan Nang: Cu thau tom hiem co, tui tien 600 trieu USD
 Ông Hồ Xuân Năng.
Xuất thân từ một gia đình bình thường, ông Năng tốt nghiệp Đại học Bách khoa, bảo vệ luận án Tiến sĩ thành công và trở thành cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện Cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản thuộc Bộ NN-PTNT.
Ông Năng bước chân sang kinh doanh vào thời điểm chuyển giao sang thiên niên kỷ mới, với vị trí là thư ký chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex trước khi trở thành giám đốc một công ty con nhỏ bé của TCT này.
Tuy nhiên, chỉ hơn thập kỷ sau, từ những vị trí rất thấp, ông Năng đã trở thành ông chủ một công ty con - Vicostone - hiện có quy mô lớn gấp đôi công ty mẹ. Từ một nhà máy nhỏ thuộc một tổng công ty lớn, Vicostone đã vượt và có quy mô vốn hóa gần gấp đôi Vinaconex. Vốn hóa của Vicostone giờ lên tới gần 16,3 ngàn tỷ đồng, trong khi đó vốn hóa của Vinaconex vẫn quanh ngưỡng 9 ngàn tỷ đồng.
Từ vị thế làm thuê, làm công ăn lương, ông Hồ Xuân Năng trở thành ông chủ của một trong những doanh nghiệp có quy mô hàng đầu trên thị trường chứng khoán.
Với doanh thu vài chục tỷ đồng, Vicostone hiện là một trong những công ty lớn nhất thế giới về đá ốp nhân tạo cao cấp với doanh thu đạt hàng ngàn tỷ đồng. Dự kiến lợi nhuận 2017 đạt 1 ngàn tỷ đồng.
Cú thâu tóm kinh điển
Sự giàu có của ông Hồ Xuân Năng có thể một phần nhờ may mắn, nhưng không thể phủ nhận được sự thông minh, nhạy bén và tài quản lý của ông Hồ Xuân Năng. Vực dậy thành công một doanh nghiệp bên bờ phá sản và mâu thuẫn nội bộ, ông được coi là linh hồn của doanh nghiệp hàng đầu về kinh doanh đá ốp lát nhân tạo này.
Vicostone được thành lập từ cuối 2002 theo quyết định của Chủ tịch HĐQT Vinaconex để thực hiện đầu tư dự án dây chuyền sản xuất đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính hữu cơ (Bretonstone) và dây chuyền đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính xi măng (Terastone).
Lĩnh vực hoạt động chính của Vicostone là sản xuất, kinh doanh đá ốp lát nhân tạo gốc thạch anh theo công nghệ được chuyển giao từ hãng Breton S.P.A (Ý).
Triển vọng của Vicostone khá tốt, nhưng doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn khi nhà máy mới đi vào hoạt động. Vinaconex liên tục “thay tướng” nhằm đổi vận cho danh nghiệp nhưng tình hình không được cải thiện, doanh thu vẫn giậm chân ở mức vài chục tỷ đồng năm 2004.
Sau 4 lần thay đổi lãnh đạo, ông Hồ Xuân Năng khi đó là Thư ký chủ tịch HĐQT Vinaconex được chọn làm giám đốc nhà máy. Ông chính là người đã nhận ra sai lầm cơ bản trong việc định hướng thị trường nên chuyển sang làm hàng xuất khẩu.
Chỉ thời gian ngắn sau, Vicostone đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Úc và năm 2005, công ty đã vươn lên vị thế số 1 tại Úc về đá ốp lát nhân tạo. Vicostone cũng hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ 2005 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, trong đó Vinaconex nắm 60%. Ông Hồ Xuân Năng trở thành Giám đốc công ty và đến năm 2007, ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Tuy nhiên, bước ngoặt đến với ông Hồ Xuân Năng chính ở vào thời điểm mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông trong nước và nhóm cổ đông nước ngoài (nắm giữ khoảng 45% cổ phần) cách đây 4-5 năm. Mâu thuẫn đã kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.
Sự việc trở nên rối loạn hơn sau khi Vicostone bị công ty đối thủ CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) thâu tóm hồi tháng 8/2014. Phenikaa chính là doanh nghiệp đã ký hợp đồng độc quyền 6 năm với hãng Breton về công nghệ sản xuất đá tấm thạch anh. Nó cũng đồng nghĩa với việc Vicostone sẽ không còn quyền đầu tư mua thiết bị từ Breton.
Thương hiệu Vicostone có thể sẽ vĩnh viễn biến mất nếu không hợp tác với Phenikaa. Cuộc chiến cổ đông tại Vicostone chấm dứt với việc 3 cổ đông ngoại sở hữu hơn 46% cổ phần thoái vốn trong tháng 6 và tháng 7/2014, tạo cơ hội cho Phenikaa mua lại và nắm quyền kiểm soát Vicostone.
ĐHCĐ của Vicostone đã chấp thuận cho Công ty Phenikaa được mua từ 51-58% cổ phần của Vicostone mà không phải thông qua chào mua công khai. Mức giá (đã điều chỉnh) của Vicostone vào thời điểm tháng 8/2014 chỉ khoảng hơn 10 ngàn đồng/cp).
Đến cuối tháng 9/2014, Vicostone đã mua lại 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, qua đó làm tăng tỷ lệ biểu quyết của Phenikaa lên 72,5%.
Sự bất ngờ đến vào cuối ván cờ. Ông Hồ Xuân Năng, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Vicostone, chính là người sau đó đã thâu tóm tới 99% cổ phần công ty đi thâu tóm và trở thành ông chủ của Phenikaa.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, thông qua Phenikaa, vợ chồng ông Hồ Xuân Năng nắm cổ phần chi phối tại Vicostone - DN sản xuất đá ốp lát cao cấp hàng đầu trên thế giới. Vicostone ổn định trở lại và cổ phiếu tăng khoảng 20 lần trong 3 năm vừa qua.
Cú thâu tóm mà ông Hồ Xuân Năng là đạo diễn đến nay vẫn được xem là ví dụ kinh điển trên TTCK Việt Nam. Đây là bước ngoặt giúp ông Năng trở thành một trong những người giàu nhất trên TTCK.
Theo H. Tú/VNN

>> xem thêm

Bình luận(0)