Tranh cãi vẫn chưa đi đến hồi kết
Cuộc chiến giữa các hãng taxi truyền thống và taxi công nghệ vẫn chưa đi đến hồi kết, đỉnh điểm là vụ kiện giữa taxi Vinasun và Grab. Sức “nóng” của vụ việc không chỉ gói gọn trong phiên tòa mà đã lan ra hầu hết các ngõ ngách, phố phường và trên những cung đường gần xa. Nhiều tài xế taxi công nghệ lẫn truyền thống đang “căng hết ăng-ten” để nghe ngóng về vụ việc. Vụ kiện không đơn thuần là “cuộc chiến” của 2 đơn vị kinh doanh mà nó
|
Nhiều lái xe công nghệ đang tỏ ra hết sức lo lắng với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 của Bộ GTVT. Ảnh: N.Hiếu |
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, anh Nguyễn Hoàng Mạnh - một lái xe của hãng taxi Mai Linh ở Hà Nội cho rằng: “Việc Vinasun khởi kiện Grab, cá nhân tôi ủng hộ. Theo tìm hiểu của tôi, Grab hoạt động đúng như một doanh nghiệp kinh doanh taxi với các phần việc kết nối tài xế, điều xe, đưa ra mức giá cước, phí sử dụng phần mềm, thu tiền, đón khách và thực hiện các chương trình khuyến mãi, tăng giảm giá, cả việc thưởng phạt với tài xế và khách hàng… Theo tôi, đây là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi chứ không phải công ty kinh doanh phần mềm kết nối hành khách”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Phượng - một lái xe công nghệ Grab Car ở KĐT Nam Trung Yên (Cầu Giấy, HN) tỏ ra không đồng tình với ý kiến trên. Bởi theo anh Phượng, Grab có giá rẻ hơn là tốt cho thị trường, khách hàng sẽ có thêm lựa chọn.
Hiện nay các hãng taxi truyền thống nói chung và hãng Vinasun nói riêng bị mất một số lượng khách hàng, lợi nhuận giảm không phải lỗi từ phía Grab mà là trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh công bằng như hiện nay thì khách hàng có nhiều quyền lựa chọn hơn. Đơn vị nào có xe sạch đẹp, tài xế chuyên nghiệp, giá cả cạnh tranh, tiếp cận dịch vụ công nghệ hiện đại hơn… thì đơn vị đó chiếm ưu thế.
Theo anh Phượng, nếu muốn cạnh tranh được với các hãng taxi công nghệ thì phía taxi truyền thống cần phải đầu tư cho công nghệ nhiều hơn. Chỉ có nâng cao chất lượng dịch vụ thì mới chinh phục và thu hút được khách hàng quay lại.
Khi được hỏi về vụ kiện nêu trên, chị Chu Thị Thảo - một khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ của cả taxi truyền thống và Grab cho hay: “Tôi thường di chuyển trong thành phố bằng hai loại dịch vụ trên. Cá nhân tôi cho rằng, việc phân xử ai đúng, ai sai thuộc thẩm quyền của tòa án.
Theo tôi, việc cạnh tranh sẽ có lợi cho người dân, cho khách hàng, bởi vì từ đó thì chất lượng xe cũng như chất lượng phục vụ sẽ được nâng lên và về lâu dài khách hàng sử dụng dịch vụ mới là người quyết định thành bại, số phận của mỗi hãng. Tôi thấy, hãng taxi Vinasun thay vì đi kiện tụng thì nên học hỏi những ưu điểm của các hãng khác, đầu tư cải tiến công nghệ và nâng cao chất lượng dịch vụ”.
Vừa ngóng kiện, vừa lo chế tài mới
Những lo lắng quanh vụ kiện tụng nêu trên chưa có hồi kết thì hiện nay, nhiều lái xe công nghệ lại tỏ ra hoang mang và lo lắng với các thông tin liên quan đến chế tài mà Bộ GTVT đang soạn thảo. Theo đó, ngày 15/10 vừa qua, Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, trong đó có nội dung quản lý xe hợp đồng điện tử.
Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ GTVT cho biết đã nhận được ý kiến từ nhiều cơ quan theo 2 nhóm. Thứ nhất, tổ công tác của Chính phủ, các Hiệp hội taxi yêu cầu hoạt động của Grab cần có các quy định chặt chẽ, chịu sự quản lý như taxi. Không định danh là "hợp đồng điện tử" vì không có trong quy định của Luật Giao thông đường bộ. Toàn bộ ôtô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử thì phải quy định lộ trình thực hiện cấp đổi phù hiệu taxi và thực hiện các quy định kinh doanh của taxi.
Luồng ý kiến thứ hai do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và một số chuyên gia kinh tế đề nghị, xe dưới 9 chỗ hoạt động vận tải khách có ứng dụng phần mềm sẽ được quản lý theo hợp đồng vận tải điện tử và bổ sung quy định taxi điện tử.
Anh Đặng Thanh Quang - một lái xe công nghệ của hãng Grab tại khu vực Đống Đa (Hà Nội) cho hay: “Tôi và nhiều anh em lái xe công nghệ hết sức lo lắng và quan tâm đến các thay đổi trong chính sách. Nếu sắp tới Nghị định thay thế Nghị định 86 của Bộ GTVT được ban hành thì có lẽ tôi và nhiều anh em lái xe khác chắc cũng sẽ bán xe và chuyển sang công việc khác chứ không thể nào cạnh tranh được.
Theo quy định, Grab lại trở về thành một hãng xe taxi truyền thống và sẽ mất đi những điểm ưu việt trước đó. Chất lượng phục vụ tất yếu sẽ đi xuống”.
Cùng đó, anh Nguyễn Đức Kiên - một tài xế Grab ở khu vực Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) cũng “đứng ngồi không yên” khi biết được thông tin trên. Theo anh Kiên, anh xuất thân là một tài xế của một hãng taxi truyền thống nhưng thu nhập không đáng kể, tháng 6 vừa qua, anh đã quyết định vay mượn số tiền không nhỏ từ gia đình và bạn bè để đầu tư một chiếc ô tô để gia nhập Grab car.
Anh Kiên nói: “Nếu Nghị định thay thế Nghị định 86 được thông qua thì không những tôi và nhiều anh em lái xe khác sẽ hết sức lao đao. Trong đó, hiện nay không ít tài xế công nghệ đang còn nợ tiền mua xe từ ngân hàng, hệ quả sẽ khôn lường”.