Phố cổ Hà Nội nổi danh cả nước với danh xưng 36 phố phường cách đây vài trăm năm. Cho tới nay, nó vẫn Trung tâm của mảnh đất Hà Thành – ngàn năm văn hiến.
Với diện tích 81 ha, nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, nhưng ở đây lại là nơi sinh sống của gần 80 ngàn người, thuộc nơi có dân số cao nhất thế giới. Ngoài ra, phố cổ Hà Nội đang là nơi sinh sống của hơn 1.600 hộ dân và họ phải sống trong các căn hộ đã có tuổi đời hơn trăm năm đang xuống cấp trầm trọng.
|
Một con ngõ ở phố Hàng Chiếu. |
Theo Bác Hoàng Hùng (78 tuổi, Hàng Buồm) cho biết, bản thân bác là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Trong con mắt đã mờ đục của của một người đã đi quá nửa đời người này thì phố cổ Hà Nội bây giờ chẳng khác gì một nồi lẩu thập cẩm: “Chỉ cách đây khoảng 20 năm thôi chứ đừng nói đâu xa, phố cổ lúc đó khác xa bây giờ”.
Ông Hùng giải thích: “Ngày đó, nhà trong khu vực này cứ đều tăm tắp, còn bây giờ thì, nhà cổ thì đập đi gần hết để xây mới. Còn những nhà cổ còn giữ lại được thì cơi nới, sửa chữa lem nhem mất hết giá trị của 36 phố phường. Có một giai đoạn mà Phố cổ Hà Nội oằn mình ra đón người dân tứ xứ đến khiến nó đã chật nay còn chật chội hơn”.
Tại khu phố cổ, có lẽ không thể đếm xuể có bao nhiêu con ngõ nhỏ, tối tăm, ẩm thấp và sâu hun hút, chỉ vừa đủ cho một người len vào.
Chúng tôi đã phải mất một buổi sáng để đi “du lịch” qua những con ngõ be bé, xinh xinh ấy để tìm hiểu.
Giải thích về sự tồn tại của những con ngõ nhỏ không thể tưởng tượng được, ông Hùng chia sẻ: "Do người dân xây dựng bừa bãi, rồi cơi nới ra nên hình thành những con ngõ nhỏ như thế chứ có gì đâu. Những căn nhà mặt đường tận dụng từng mét đất để ăn gian diện tích, khiến những hộ dân sống bên trong phải chật vật di chuyển".
|
Chúng như một đường hầm tối tăm dẫn tới mặt trái của sự hào nhoáng nơi phố cổ. |
Khi vừa bước vào một con ngõ nhỏ ở phố Hàng Ngang, cho dù buổi sáng hay tối tuyệt nhiên những con ngõ ấy vẫn mù mịt đen như mực. Và để được mục sở thị, PV buộc phải bật điện thoại soi lối đi.
Vừa bước vào một đoạn, một phụ nữ trung tuổi có vẻ cau có khi có người lạ chắn đường. Người phụ nữ càu nhàu: “Tắt điện thoại đi, chói mắt quá”.
Có lẽ họ đã quá quen đi lại trong đây nên kể cả không có ánh sáng, người dân vẫn thoăn thoát di chuyển mà không hề va vấp. PV buộc phải ra ngoài để nhường đường cho người phụ nữ đó. Xét cho cùng, con ngõ nhỏ ấy 1 người đi còn khó, chứ đừng nói 2 làn người đi.
Chúng tôi tiếp tục đi thám hiểm tại một con ngõ khác nằm trên phố Hàng Chiếu và hỏi thăm nhà bà Dĩnh - một đại gia đình 3 thế hệ “đệ nhất có một không hai”. Bởi vì, căn nhà bé nhỏ của bà Dĩnh vẻn vẹt 9m2 nhưng lại là nơi sinh sống của 10 người, già trẻ lớn bé đủ cả.
Vừa thấy có người hỏi thăm, bà Dĩnh bực bội: “Nhà không có chỗ ngồi đâu, hỏi thăm làm gì”.
Con ngõ nhỏ của nhà bà Dĩnh cũng chẳng khá hơn con ngõ trước là mấy. Thậm chí nó còn hơn nữa chỉ vừa khít một chiếc xe máy loại nhỏ. Để di chuyển, người dân phải lách người từ bên này sang bên khác để khỏi vướng vào tường.
Xe máy muốn đi vào, phải có người ngồi lên trên từ từ di chuyển cho khỏi mắc kẹt hai bên đường. Cô Xuân (con dâu bà Dĩnh) than thở: “Xe nhà nào cũng bị xước hai bên vì ngõ nhỏ quá đấy”.
Có một điều kì lạ, khi PV thăm quan một vài gia đình ở đây, họ đều có những món đồ quá khổ để có thể đưa vào con ngõ nhỏ như thế như chiếc tủ lạnh, đệm gỗ, tủ 1 mảnh.
Cô Xuân giải thích: “Những món đồ như tủ, ghế, giường,... có thể tháo rời được thì mang vào bình thường thôi. Còn những thứ như tủ lạnh, đồ dụng sinh hoạt lớn,... thì phải nhờ những nhà mặt đường sau đó mang lên tầng thượng chuyển từ nhà này sang nhà khác rất vất vả. Được cái nhà sát vách không có kẽ hở nên đưa vào được”.
Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân đang xưng hô về con ngõ đệ nhất nhỏ ở 13 ngõ Gạch. Ngõ rộng chưa đến 50 cm, cao khoảng 2m và dài khoảng 50m. Tại 13 ngõ Gạch đến xe máy còn không vào được, người dân có xe máy buộc phải gửi xe bên ngoài.
Một người dân sống tại đây cho biết: “Trong đây, muốn chết cũng không được vì không thể đưa quan tài vào trong ngõ. Nên nếu có ai chẳng may qua đời, người nhà phải lập tức đưa sang bên Phùng Hưng làm ma chay. Còn đám cưới, thì phải căng bạt ra ngoài đường vì không có chỗ để làm”.
Cô Xuân hóm hỉnh cho biết thêm: “Nhiều khi nhà có đám cưới, cứ ra đường để làm khiến nhiều khi lực lượng chức năng đến nhắc nhở. Nhưng rồi họ cũng thông cảm cho người dân cái cảnh sống không lối thoát như vậy”.
Mời quý độc giả xem video Những chung cư cũ ở Hà Nội (nguồn VTC):