Cuộc chiến nội - ngoại
Câu chuyện Bibica, Lotte và PAN như ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và cũng là chủ tịch PAN - vừa chia sẻ là một ví dụ về một cuộc chiến khá căng thẳng kéo dài nhiều năm giữa đại gia ngoại và doanh nghiệp trong nước.
“Cuộc chiến” giữa các đại gia ngành bánh kẹo như Lotte - Bibica xôn xao dư luận một thời trên thị trường chứng khoán Việt Nam cuối cùng đã có hồi kết. CTCP Thực phẩm PAN - PAN Food, một công ty con của CTCP Tập đoàn PAN của ông Nguyễn Duy Hưng - vừa mua thành công gần 1 triệu cổ phiếu BBC để nâng sở hữu tại Bibica lên hơn 50%.
|
Nhiều thương hiệu Việt bị thâu tóm. |
Như vậy, PAN Food đã trở thành cổ đông lớn nhất của BBC, vượt khá xa so với cổ đông thứ lớn thứ hai của BBC chính là Lotte Confectionery Co.Ltd (hiện sở hữu số cổ phần tương ứng với hơn 44%).
Nhiều người không thể ngờ rằng, thương hiệu Bibica có thể trụ vững và phát triển mạnh mẽ hơn một năm qua. Cuộc chiến giữa ông lớn Lotte đến từ Hàn Quốc và một doanh nghiệp bánh kẹo Việt nổi tiếng nhưng nhỏ bé tưởng chừng cũng sẽ có kết cục như câu chuyện Kem đánh răng Dạ Lan, nước giải khát Tribeco,...
Sự xuất hiện của SSI của đại gia Việt ông Nguyễn Duy Hưng đã khiến âm mưu thâu tóm Bibica của Lotte đổ vỡ. Tỷ lệ sở hữu của DN của ông Hưng tại Bibica đã áp đảo với tỷ lệ quá bán. Trước đó, đại diện Bibica thừa nhận đã mắc sai lầm “cõng rắn cắn gà nhà” khi mời tập đoàn Hàn Quốc này vào hợp tác. Sự hợp tác đã không diễn ra như ý muốn bởi Lotte muốn biến Bibica thành công ty con của họ, muốn Bibica làm các sản phẩm của Lotte thay vì đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới.
Cuối tháng 3/2016, công ty Anco thuộc CTCP Tập đoàn Masan (MSN) cũng bất ngờ vượt qua CJ CheilJedang của Hàn Quốc để giành được quyền mua 14% cổ phần của Vissan, với tổng số tiền khoảng hơn 1,4 ngàn tỷ đồng.
Tập đoàn CJ của Hàn Quốc và là “người anh em” của tập đoàn nổi tiếng Samsung buộc phải chấp nhận một thất bại sát sao, để tuột một thị trường đầy tiềm năng cho dù trước đó đã chi ra hàng trăm tỷ đồng để mua gần 4,2% cổ phần Vissan trong đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trước đó.
Trong năm 2011, vụ Masan thâu tóm Vinacafé Biên Hòa - thương hiệu cà phê hòa tan có thị phần lớn nhất Việt Nam - diễn ra một cách đầy bí mật và bất ngờ. Sự nhanh chân cũng đã giúp Masan đi trước và nắm giữ cổ phần áp đảo tại Vinacafé Biên Hòa so với các quỹ đầu tư nước ngoài: Hongkong GaoLing Fund, Templeton Frontier Markets Fund và Barca Global Master Fund, L.P.
Giữ vững thương hiệu Việt
Chia sẻ trên trang cá nhân về câu chuyện Bibica, Lotte và PAN, ông Nguyễn Duy Hưng tiếp tục khẳng định mục tiêu đã đặt ra từ năm 2013 là: xây dựng Bibica vững mạnh và giữ gìn một thương hiệu bánh kẹo Việt Nam.
Theo ông Hưng, tới thời điểm này, PAN đã chính thức sở hữu chi phối Bibica, đưa Bibica, Lafooco, Aquatex Bến Tre về chung một mái nhà PAN Food. Trong 5 năm kể từ khi đầu tư và gắn bó với Bibica, công ty đã tăng trưởng đáng kể về doanh thu, lợi nhuận và cả giá cổ phiếu, lợi nhuận năm 2016 đạt 81,3 tỷ đồng gấp 3,14 lần năm 2012. Điều quan trọng hơn cả là giữ thêm được một thương hiệu nữa của Việt Nam.
|
Thương hiệu Việt nổi tiếng. |
Ngoài ra, sự thắng lợi đó cũng góp phần giúp các DN bánh kẹo nội địa giữ lại được một mảnh nhỏ trong miếng bánh thị phần - vốn đang quá lép vế trên thị trường bánh kẹo có quy mô hơn tỷ USD của Việt Nam.
Hay, cùng với Trung Nguyên, việc Masan thâu tóm thành công VCF đã giúp tập đoàn này trở thành đại diện DN Việt cạnh tranh với các đối thủ ngoại như Nescafé, Dao Heuang Group (DHG),... tránh thảm cảnh công ty FDI sống, mở rộng sản xuất còn DN cà phê nội lao đao phá sản hàng loạt.
Việc Anco đã trở thành NĐT chiến lược của Vissan cũng giúp Masan tiếp cận vị thế dẫn đầu, sức mạnh thương hiệu và mô hình kênh phân phối hiện đại hàng đầu của DN trong ngành hàng thịt trị giá cả chục tỷ USD của Việt Nam.
Làn sóng tập đoàn nước ngoài tung tiền làm mưa làm gió trên thị trường Việt Nam, mua đứt nhiều thương hiệu hàng đầu như: Prime, Kim, FiviMart,... vẫn đang tiếp diễn nhưng không còn quá áp đảo.
Bức tranh thị trường mua bán sáp nhập tại Việt Nam đang có sự chuyển biến khá rõ rệt: đó là sự nổi lên khá mạnh mẽ của các DN lớn trong nước và sự hợp tác liên kết nội ngoại cùng kinh doanh. Ở nhiều lĩnh vực, doanh nhân Việt không ngại đối thủ là các đại gia Mỹ, Nhật, Hàn,... và nỗ lực chứng tỏ vị thế của DN Việt ngày càng lớn mạnh.
Giới đầu tư chứng kiến nhiều thương vụ doanh nghiệp nội thâu tóm, M&A doanh nghiệp FDI như: BRG của bà Nguyễn Thị Nga mua Hilton, Thiên Minh của ông Trần Trọng Kiên mua Victoria, Sovico Holdings của ông Nguyễn Thanh Hùng mua Furama Resort Đà Nẵng,...
Sự thật đằng sau những cú thâu tóm của đại gia Việt còn nhiều điều để bàn. Tuy nhiên, với ý thức bảo vệ thương hiệu Việt, đặc biệt là tầm quan trọng của các DN đầu ngành, nhiều doanh nhân đã nỗ lực đấu trí, quyết tâm giành thắng lợi. Hơn tất cả, đó chính là niềm tự hào về thương hiệu quốc gia.
Mới đây khi Vingruop khởi động dự án làm ô tô thương hiệu Việt với tổng mức đầu tư đến 3,5 tỷ USD đã nhận càng làm cho khát vọng làm nên những thương hiệu Việt tầm cỡ khu vực trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính tại lễ khởi công này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cho rằng, ôtô không chỉ là ôtô, mà còn là thương hiệu của quốc gia. Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước có chủ trương xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong môi trường bất trắc, việc có thương hiệu quốc gia là rất quan trọng