VPB FC đã "giúp" VPBank nợ xấu khủng thế nào?
Theo báo cáo mới đây của ngân hàng VPBank ngày 31/3/2017, VPBank có 3.361 tỷ đồng nợ xấu, tăng 47,3% so với đầu năm và chiếm 2,86% tổng dư nợ (so với mức 2,03% đầu năm). Tuy nhiên, báo cáo hợp nhất lại cho thấy, nợ xấu của VPBank đã lên tới 5.326 tỷ đồng, tăng tới 26,6% so với đầu năm.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 29% lên 3.013 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 22,3% lên 1.192 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 24,9%, lên 1.120 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng VPBank tính đến cuối quý I đang ở mức 3,5% trên tổng dư nợ, so với mức 2,91% hồi đầu năm.
|
Ảnh minh họa: Internet. |
Trước đó, theo thông tin đăng tải vào ngày 3/01/2017 trên báo Đầu tư Chứng khoán, tính đến ngày 30/9/2016, cho vay khách hàng của VPBank đạt gần 130 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm trước đó, trong số này, cho vay qua VPB FC chiếm 22%.
Nợ xấu riêng ngân hàng VPBank ở mức 2.383 tỷ đồng, chiếm 2,35% tổng dư nợ cho vay. Đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu tại công ty con của VPBank là VPB FC chiếm tới 5,69%, với 1.629 tỷ đồng nợ xấu.
Sự thật về VPB FC
Được biết, VPB FC được thành lập ngày 2/11/2010, là Dịch vụ Tín dụng tiêu dùng của Khối Tín dụng tiêu dùng trực thuộc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). VPB FC ra đời với mục tiêu cung cấp các giải pháp tài chính đơn giản mà hiệu quả đến khách hàng trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Đầu năm 2015, VPBank đã tách mảng tín dụng tiêu dùng ra. Đây cũng là lần đầu tiên hoạt động này của VPBank được điều hành bởi bộ máy độc lập do ngân hàng sở hữu 100%.
Sau khi mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF) của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (Vinacomin), VPBank chính thức chuyển toàn bộ hoạt động tín dụng tiêu dùng sang một pháp nhân độc lập mới là VPB FC vào tháng 2/2015.
Mảng hoạt động này đã mang lại 40,8% lợi nhuận cho VPBank trong năm 2015, tương đương 976 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.