VTC Online dưới thời Phan Sào Nam
Phan Sào Nam được biết là cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty VTC Online.
Phan Sào Nam từng tốt nghiệp Cử nhân quản trị kinh doanh của Trường đại học Kinh tế TP HCM và Thạc sỹ quản trị kinh doanh công nghệ của Trường đại học Thông tin liên lạc Hàn Quốc. Sau khi hoàn thành chương trình học, Phan Sào Nam về Việt Nam và đầu quân cho Công ty phần mềm và truyền thông VASC.
|
Phan Sào Nam nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ khi điều hành VTC Online. Ảnh: VTC Online. |
Năm 2006, Phan Sào Nam được bổ nhiệm làm Phó giám đốc VTC Intecom. Hai năm sau VTC Online khi mới thành lập, Nam lần lượt được đảm nhiệm vị trí Giám đốc (2008-2009), Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc VTC Online (2009-2011) và Chủ tịch HĐQT VTC Online, Chủ tịch kiêm Giám đốc VTC HCM.
Trong giai đoạn 2008 - 2013, dưới thời điều hành của Phan Sào Nam, VTC Online trở thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến.
Giai đoạn trước 2012, VTC Online ghi nhận mức tăng ổn định, xấp xỉ 40 tỷ đồng. Giữa năm 2012, Phan Sào Nam đàm phán với Quỹ đầu tư DWS Việt Nam rót 10 triệu USD, giúp VTC Online trở thành một trong những công ty công nghệ đa phương tiện lớn.
Tuy nhiên, đến năm 2014 doanh thu thuần của công ty đạt mức 836 tỷ đồng. Giá vốn vượt cả doanh thu 844 tỷ đồng, khiến VTC Online lỗ gộp 7,4 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, chốt sổ năm 2014, VTC Online lỗ tới 102 tỷ đồng.
Sang năm 2015, mặc dù công ty có lãi trở lại nhưng cũng chỉ ghi nhận con số lợi nhuận khiêm tốn 7,7 tỷ đồng.
Năm 2016, doanh thu của VTC Online tăng gấp 2,2 lần, lên 1.828 tỷ. Dù vậy, do giá vốn cao cùng các khoản chi phí, VTC Online chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế dưới 10 tỷ đồng.
Cuối năm 2017, VTC thông báo bán đấu giá toàn bộ cổ phần tại VTC Online với giá khởi điểm 107.388 đồng/cổ phần, giảm 5 lần so với cách đó 5 năm. Tuy nhiên phiên đấu giá này đã bị hủy bỏ do chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia.
Đến đầu 2018, VTC Online thay đổi tên người đại diện pháp luật. Trên trang web của công ty ghi nhận 3 thành viên Ban điều hành và không có thông tin về Phan Sào Nam.
Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch HĐQT CNC và UDIC
Theo cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Dương là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển An ninh Công nghệ cao (CNC) - một công ty được thành lập vào năm 2011 tại Hà Nội với số vốn 20 tỷ đồng. Trong đó, Nguyễn Văn Dương góp 18 tỷ đồng.
Công ty CNC được Ngân hàng Nhà nước trao giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho sản phẩm hệ thống thanh toán PAY365 tháng 4/2017.
|
Nguyễn Văn Dương (cà vạt đỏ) là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển An ninh Công nghệ cao (CNC). Ảnh: Ictnews. |
Theo đó, CNC được cung cấp 3 nhóm dịch vụ gồm cổng thanh toán điện tử, dịch vụ ví điện tử, dịch vụ thu hộ, chi hộ trong thời hạn 10 năm.
Ngoài CNC, Ông Nguyễn Văn Dương còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư UDIC.
Vốn điều lệ ban đầu của Công ty UDIC là 500 tỷ đồng. Trong đó ông Nguyễn Văn Dương góp 524,6 tỷ đồng, tương đương 85,05% vốn điều lệ.
Mời độc giả xem video: Ông trùm Nguyễn Văn Dương CNC bị bắt là ai? Nguồn: Doisongvietnam.
Thành lập tháng 1/2010 nhưng UDIC chỉ thực sự được biết đến khi trở thành đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với tổng vốn lên tới 12.188,66 tỷ đồng. Dự án khởi công ngày 05/07/2015, tiến độ dự kiến hoàn thành trước 31/12/2018. Trong dự án này, UDIC của ông Nguyễn Văn Dương góp 491,72 tỷ tương đương 38% vốn nhà đầu tư.
Tháng 2/2016, UDIC tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 528,373 tỷ đồng. Khi đó, ông Nguyễn Văn Dương nâng tỷ lệ sở hữu từ 85,05% lên 99,29%, tương đương giá trị vốn góp 524,6 tỷ đồng.
Mới đây, Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cầu đường Sài Gòn (SBRC) cho biết, SBRC đã nắm 51% vốn cổ phần của Công ty cổ phần đầu tư UDIC (tổng vốn điều lệ 781,73 tỷ đồng). Với việc SBRC sở hưu cổ phần của UDIC, rất có thể Nguyễn Văn Dương đã thoái một nửa cổ phần tại doanh nghiệp này.
Tháng 7/2017, người đại diện của Công ty cổ phần Đầu tư UDIC đã thay đổi thông tin. Người đại diện công ty hiện tại là ông Nguyễn Hữu Hùng (SN 1975).