|
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ đầu năm đến nay đã ban hành hơn 100 quyết định xử phạt với tổng số tiền khoảng 10 tỷ đồng, tuy nhiên chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự. Ảnh minh họa. |
Không ít doanh nghiệp niêm yết gặp khó khăn đẩy giá cổ phiếu về dưới mệnh giá, thậm chí xuống dưới 5.000 đồng và được ví von như cổ phiếu trà đá. Thế nhưng, từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều cổ phiếu từng ví là “cổ phiếu trà đá” lại đột ngột tăng trưởng tính bằng lần.
Bên cạnh sự đổi thay căn bản trong quá trình tái cấu trúc giúp doanh nghiệp tốt dần lên, thì cũng còn nhiều “cổ phiếu trà đá” tăng trưởng mạnh mà không ít nhà đầu tư vẫn không hiểu tại sao.
Thống kê sơ bộ trên sàn chứng cho thấy có khoảng hơn 10 cổ phiếu đã tăng vài trăm phần trăm, từ “cổ phiếu trà đá” lên trên mệnh giá, thậm chí gần gấp đôi mệnh giá.
ALV, HAR, LCG, LDG, KAC, KST, MIM, NDH, QCG, SHS là những ví dụ điển hình cho mức tăng trưởng mạnh hàng đầu sàn chứng khoán.
Mức tăng trưởng mạnh này đã giúp nhiều nhà đầu tư lãi bằng lần, nhưng trong hành trình tăng giá đó cũng khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng.
Ví dụ như cổ phiếu QCG của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã lập đỉnh ở mức 29.300 đồng ngày 22/6 nhưng sau đó hình thành xu thế giảm và đóng cửa ngày 1/9 ở mức 17.100 đồng - tương ứng giảm 71% so với đỉnh.
Tương tự là trường hợp cổ phiếu HAR của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền, so với mức đỉnh 17.500 thiết lập hôm 9/8, giá cổ phiếu HAR đã giảm 69% xuống 10.350 đồng/cổ phiếu hôm 1/9.
Cổ phiếu HAR gây “sốc” trên thị trường khi phiên lập đỉnh giá 9/8 có tới trên 62 tỷ đồng giao dịch, sau đó cổ phiếu này nhiều phiên giảm sàn dẫn tới nhiều nhà đầu tư cắt lỗ. Đặc biệt, những nhà đầu tư nào cắt lỗ sớm trong phiên thì có thể thoát được, bởi cứ tới cuối phiên chiều là gần như không còn cơ hội ra do lệnh sàn đã “bịt cửa”, thậm chí còn bị “đánh úp” ở phiên đóng cửa (ATC).
Một trường hợp khác cũng cho thấy sự tăng giảm “kinh hoàng” khi cổ phiếu KAC của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Khang An từ dưới 5.000 đồng có lúc đã lên tới 34.000 đồng/cổ phiếu, trước khi về…16.950 đồng/cổ phiếu phiên 1/9.
Không chỉ là biến động giá mạnh, bên cạnh những doanh nghiệp tái cấu trúc thành công, lợi nhuận đột biến, thì có những cổ phiếu tăng mà nhà đầu tư không thể lý giải nổi vì sao.
Ví như cổ phiếu KAC tăng vọt như vậy, tuy nhiên cả quý 1 và quý 2 Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Khang An kinh doanh đều thua lỗ. Công ty này hiện có vốn điều lệ gần 240 tỷ đồng, vận hành khối tài sản hơn 439 tỷ đồng. Với mức giá gần 17.000 đồng đóng cửa phiên 1/9, vốn hóa thị trường của KAC đã gần bằng tổng nguồn vốn của Công ty.
Hay như trường hợp của HAR, báo cáo tài chính quý 2/2017 của Công ty này cho thấy doanh thu thuần chưa tới 5 tỷ đồng, dù vốn của công ty này gần 1.000 tỷ đồng. Nhờ lãi tiền gửi và chuyển nhượng dự án giúp HAR lãi gần 9 tỷ đồng trong quý 2 và khoảng 4,6 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2017 (quý 1 thua lỗ).
Với mức lợi nhuận này - so với vốn điều lệ gần 1.000 tỷ đồng (gần 100 triệu cổ phiếu lưu hành), thu nhập trên mỗi cổ phiếu EPS 6 tháng của HAR mới đạt 48 đồng.
Những diễn biến của thị trường chứng khoán cho thấy những tín hiệu lạc quan, trong đó có nhiều nhà đầu tư đã lãi tính bằng lần. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu vẫn tăng bằng lần nhưng kết quả kinh doanh thì vẫn thua lỗ hoặc không cho thấy một nền tảng vững chắc cho đà tăng giá, khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi.
Đó cũng là những cảnh báo cho nhà đầu tư khi “chơi” cổ phiếu đã tăng bằng lần mà không tìm hiểu kỹ nền tảng của doanh nghiệp.
Theo thống kê của VnEconomy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ đầu năm đến nay đã ban hành hơn 100 quyết định xử phạt với tổng số tiền khoảng 10 tỷ đồng.
Trong số các quyết định xử phạt trên thì có hai quyết định gây chú ý tới nhà đầu tư. Cụ thể, ngày 10/8, Ủy ban Chứng khoán xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trần Thị Minh Phượng với lý do bà này từ 20/7/2015 - 1/4/2016 đã sử dụng 42 tài khoản chứng khoán để giao dịch cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phiếu Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu HNG.
Bà Trần Thị Minh Phượng bị phạt số tiền 600 triệu đồng. Đây là mức phạt lớn nhất được Ủy ban Chứng khoán ban hành kể từ đầu năm đến nay.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 550 triệu đồng đối với ông Phan Sỹ Hải (Hà Nội). Ông Phan Sỹ Hải đã sử dụng 28 tài khoản, trong đó 3 tài khoản đứng tên mình và 25 tài khoản đứng tên người khác để mua, bán, tạo cung cầu giả tạo đối với cổ phiếu của Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex (mã VMD-HOSE).
Số tiền vài trăm triệu đồng có thể là lớn, nhưng với hành vi làm giá cổ phiếu, vài trăm triệu không thấm vào đâu so với mức tăng giá của cổ phiếu, bởi nó đẩy vốn hóa thị trường của công ty lên thậm chí là cả trăm, cả nghìn tỷ đồng.
Với những nhà đầu tư dùng tới vài chục tài khoản để mua bán tạo cung cầu giả nhưng mức phạt nêu trên khiến nhiều nhà đầu tư cũng hoang mang, bởi không biết phải thế nào thì hành vi làm giá cổ phiếu mới bước qua “cửa” xử phạt của Thanh tra Ủy ban Chứng khoán, để tới xem xét xử lý hình sự.