Trước đó, HoSE cho biết cổ phiếu HAG bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 28/4, theo đó sẽ chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 âm 1.256 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 âm 6.032 tỷ đồng.
Đồng thời, công ty thực hiện điều chỉnh hồi tố số liệu năm 2018 và năm 2019 dẫn tới lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2019 âm 4.766 tỷ đồng.
Theo giải trình của HAG, trong năm 2020 công ty ghi nhận lỗ khủng do Ban TGĐ quyết định ghi nhận dự phòng các khoản công nợ tồn động và dự phòng đầu tư vào CTCP Chăn nuôi Gia Lai theo nguyên tắc thận trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp.
Theo phương án khắc phục lỗ của HAG, trong năm 2021, Công ty đang tiến hành lập kế hoạch và cam kết lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động tài chính.
Cụ thể, theo kế hoạch, mảng kinh doanh trái cây sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận vì HAG đã có lượng khách ổn định và đang tiếp tục mở rộng thị trường.
Ngoài ra, HAG dự kiến nghiệp vụ thoái vốn khoản đầu tư vào CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) sẽ tạo ra lợi nhuận khá nhiều và đủ khả năng bù đắp chi phí lãi vay (chi phí lãi vay trong năm 2020 ghi nhận gần 1,254 tỷ đồng). Bên cạnh đó, chi phí lãi vay cũng giảm do số dư nợ vay giảm nhiều so với các năm trước.
Sau thông tin bị hạn chế giao dịch, cổ phiếu HAG đã giảm sàn 2 phiên liên tiếp vào ngày 22/4 và 23/4, tuy nhiên thanh khoản vẫn duy trì trên 13 triệu đơn vị khớp lệnh mỗi phiên.
Chốt phiên giao dịch 28/4, thị giá HAG đã khởi sắc trở lại, tăng 1,9% lên 5.400 đồng/cp.