Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM), việc cấm doanh nghiệp (DN) bia quảng cáo, tài trợ sẽ ảnh hưởng đến các DN trong ngành quảng cáo rất lớn chứ không chỉ người tiêu dùng hay DN sản xuất.
|
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM. |
Ông Phan Đức Hiếu dẫn nghiên cứu của Viện cho thấy, khoảng 4 – 5% doanh thu của các DN bia dành cho quảng cáo. Với số doanh thu ước tính hơn 10.000 tỷ đồng của Habeco, 34.000 tỷ đồng của Sabeco, 21.000 tỷ đồng của Heniken thì tính ra chi phí cho quảng cáo là rất lớn.
"Nếu cấm quảng cáo sẽ tác động ghê gớm đến các DN quảng cáo", ông Phan Đức Hiếu nhận định.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Trường Sơn, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng, nếu quy định cấm quảng cáo trong dự luật này thì sẽ phải sửa đổi cả Luật Quảng cáo.
Ông Vũ Trường Sơn đặt tình huống, nếu Việt Nam cấm quảng cáo nhưng người dân xem các sự kiện nước ngoài, chẳng hạn giải bóng đá cúp C1, vẫn có hình ảnh quảng cáo bia Heineken thì sẽ xử lý thế nào? “Ta cấm quảng cáo trong nước như vậy thì doanh thu quảng cáo sẽ đẩy hết ra nước ngoài, rơi vào tay các hãng như Youtube, Facebook trong khi ta không thu được”, ông Vũ Trường Sơn phân tích.
Đại diện cho các DN chịu tác động mạnh mẽ nếu dự luật được thông qua, PGS. TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho biết, các nước không cấm quảng cáo bia rượu, nhưng quy định cụ thể quảng cáo theo khung giờ, và không được quảng cáo trong các chương trình, sự kiện dành cho trẻ em…
Ông Phan Đức Hiếu cho biết hoàn toàn ủng hộ sự cần thiết phải có các biện pháp hạn chế sử dụng rượu bia, nhưng giải pháp đó phải khả thi. Vì nếu giải pháp không khả thi thì không đạt được mục tiêu.
“Với những biện pháp trong dự thảo luật như hiện nay, những sản phẩm đạt chuẩn của DN làm ăn chân chính lại chịu ảnh hưởng rất nhiều. Người tiêu dùng có thể quay sang dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc. Việc cấm quảng cáo sẽ tạo ra những tác động không mong muốn như hạn chế cạnh tranh giữa các DN, hạn chế khả năng tiếp cận thông tin của người tiêu dùng”, ông Phan Đức Hiếu cho hay.
Cũng theo chuyên gia kinh tế này, việc cấm tuyệt đối quảng cáo bia rượu nên thay bằng quy định hạn chế với các hoạt động có trẻ em dưới 18 tuổi tham gia, ví dụ bóng đá, ca nhạc cho thiếu nhi. Không nên cấm tuyệt đối mà phải có tiêu chí rõ ràng.
Đồng thời ông cũng đề nghị bổ sung quy định cấm tuyệt đối bán rượu bia tại các trạm dừng nghỉ trên cao tốc vì chỉ nửa lon bia cũng có thể nguy hiểm.
“Hiện các quy định chủ yếu nhằm vào “cung”, còn "cầu" thì chưa có chính sách, chẳng hạn tăng phí bảo hiểm y tế với những người thường xuyên uống rượu bia, có nhiều khả năng bệnh tật, đánh vào kinh tế sẽ hạn chế việc tiêu thụ rượu bia”, chuyên gia kiến nghị.
Trong khi đó, đại diện cho cơ quan soạn thảo luật, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) không đồng tình với quan điểm cho rằng việc quảng cáo, tài trợ không làm gia tăng lượng tiêu thụ rượu bia.
Bà Trang phân tích: “Từ việc quảng cáo, người tiêu dùng có thể tăng lượng tiêu thụ, từ 1 ly lên 2 ly, đồng thời mở rộng những đối tượng sử dụng mới”. Do đó, bà Trần Thị Trang cho rằng cần kiểm soát việc quảng cáo bia rượu.
Tại hành lang Quốc hội, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng), TSKH - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, cho biết: Một số nước đã cấm quảng cáo trực tiếp rượu, bia. Các nhà sản xuất phải tìm cách quảng cáo rất khéo. Ta phải lựa chọn giữa các lợi ích, được – mất chứ không thể thỏa mãn được tất cả mọi người.