Cô chủ 35 tuổi vực dậy sự nghiệp nhờ 1 tuần... lang thang

Google News

Từng đối mặt nguy cơ trắng tay, nhưng nhờ một tuần... đóng cửa hàng đi lang thang tìm hiểu thị hiếu khách hàng đã giúp chị vượt qua khó khăn, thách thức để gặt hái thành công trong con đường khởi nghiệp của mình.
 
 

Cô chủ 35 tuổi cho biết nếu không qua cái bài học đó, chị khó mà trưởng thành như ngày hôm nay.
Chị Bùi Thị Dung (sinh năm 1985 tại Xuân Trường, Nam Định) chia sẻ trước khi xây dựng được một sự nghiệp thành công như hiện tại, bản thân chị đã vượt qua những giai đoạn đầy khó khăn. Thậm chí có thời điểm đối mặt với nguy cơ trắng tay do sản phẩm làm ra không xuất đi được, hàng tồn kho cả đống.
Bà mẹ 2 con cho biết chị xuất thân thua bạn bè ngay từ vạch xuất phát khi tuổi thơ chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn, tưởng chừng phải bỏ cuộc khi những người xung quanh nhìn chị em chị bằng ánh mắt thương hại. Đói khổ đến cùng cực khiến chị sớm bị chai lỳ với mọi cảm xúc. Họ hàng, làng xóm không ai dám cho 3 chị em chị vay tiền sinh hoạt tối thiểu huống chi là tiền đóng học vì cho rằng không có tương lai. Trong hoàn cảnh khó khăn, chị và em gái chị đã nghỉ học sớm đi làm để có tiền nuôi chị học hết cấp 3.
Khi đỗ Cao đẳng năm 2003, chị xin đi làm thêm để có tiền tự nuôi mình ăn học. Cô chủ 35 tuổi vẫn nhớ như in chuỗi ngày gian khổ đó khi tiền công chỉ được 150.000đ/tháng. Suốt 2 tháng trời chỉ ăn mì gói và đồ thừa của quán cà phê chỗ làm để sống qua ngày. Chị thừa nhận phải trường kỳ lắm, cố gắng lắm mới tự học để rồi ra trường. Sau khi tốt nghiệp, chị xin làm giáo viên ở một trường học trong tỉnh. Và từ đây cuộc đời chị lại bước sang trang khác, lấy chồng năm 2014 và sinh con cuộc sống gọi là tạm ổn.
Nhưng niềm đam mê kinh doanh luôn thôi thúc chị. Quãng thời gian giúp các cô giáo dạy may công nghiệp soạn giáo án trên máy tính, giúp chị ngấm các công thức, bài giảng và bắt đầu tìm tòi tự học về thiết kế thời trang. Sau những thử nghiệm rồi chị yêu thích lĩnh vực này lúc nào không hay.
Nắm bắt ngay cơ hội tiềm năng, từ tháng 1/2017 chị vừa làm việc của nhà trường vừa âm thầm tìm công nhân có tay nghề vững do vướng bận con cái không theo được cường độ làm việc của công ty để lập nhóm làm hàng gia công. Bước đầu, chị nhận gia công hàng thời trang từ xưởng cắt của cô bạn học cùng thời phổ thông. Sau đó trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân của mình làm. Trải qua một thời gian, nhờ có chút tiếng tăm làm hàng chất lượng, trách nhiệm nên chị được nhiều chủ hàng tìm đến đặt gia công sản phẩm thiết kế.
Chị Dung cho biết làm hàng gia công hàng thiết kế tưởng dễ mà lại rất khó bởi mẫu mới ra thường xuyên. Công nhân của chị nhiều lúc chưa quen việc đã phải đổi mã hàng khác nên nhiều người sinh ra chán nản. Để tạo động lực cho các công nhân, chị phải đến tận nhà bất kể ngày hay đêm, sáng hay tối để động viên, hướng dẫn tỉ mỉ các chi tiết. Trời không phụ sự cố gắng của cô chủ trẻ và các công nhân, đến nay mọi người làm việc rất ăn ý, nói đâu hiểu đó, hoàn thiện được tất cả các sản phẩm do khách đặt mà lại chuẩn phom.
Luôn bận rộn với công việc, thời gian dành cho gia đình của chị ít đi dần, do đó thời gian đầu chồng chị không hài lòng. Tuy nhiên, thấy quyết tâm và máu kinh doanh của chị sau đó anh cũng chuyển qua ủng hộ về tinh thần để chị tự xoay sở với công việc của mình. Sau hơn 2 năm làm gia công cho các đơn vị, tháng 10/2019 chị quyết định đầu tư gần 2 tỷ đồng tiết kiệm được và xin nghỉ việc ở trường để lên Hà Nội thuê quầy bán buôn hàng thời trang thiết kế, lập thêm xưởng cắt và trực tiếp sản xuất tại Ninh Hiệp (Gia Lâm – Hà Nội), một trong những khu chợ thời trang nhộn nhịp nhất khu vực miền Bắc.
Nhiều người thân của chị phải ngỡ ngàng và cho rằng quyết định này là quá liều lĩnh. Vì từ bé đến lớn, chị chỉ biết ăn học, sau đó về quê làm việc chưa va chạm buôn bán gì. Ở nơi đất khách quê người toàn dân buôn bán sành sỏi mà không có người thân thích chỉ bảo. Giá thuê quầy hàng lại đắt đỏ, khách hàng chẳng có nổi một khách quen liệu có làm nổi không? Làm việc quần quật mấy năm trời đem vét sạch đi buôn... nhưng chị đã quyết nên không ai thay đổi được.
Thời gian đầu “khởi nghiệp”, chị gặp nhiều khó khăn do chưa có khách, chẳng dám thuê nhân viên bán hàng một phần vì sợ cuối tháng không có tiền trả lương. Một phần chị muốn tự mình gặp gỡ giao lưu cùng khách, hỏi thăm việc buôn bán của họ, xem gu thời trang của từng cư sở kinh doanh ra sao để có thể bắt nhịp. Mặc dù vậy, tháng đầu mở cửa hàng lượng khách rất ít, sản phẩm làm ra chưa hợp "gu" thị trường, nhóm công nhân mới làm việc chưa bắt nhịp được với yêu cầu nên hàng tồn kho cả đống... chi phí bỏ ra quá nhiều, khiến chị lo lắng mất ăn mất ngủ. Nhiều đêm thức trắng suy nghĩ có lẽ nào mình đi sai đường? mình chưa đủ tầm?.
Nhưng chị xác định, tự làm tự chịu, đã đâm lao giờ phải theo lao, đang cưỡi trên lưng hổ rồi nếu từ bỏ giờ biết làm gì khi chỉ còn hai bàn tay trắng. Trong khi đó, còn biết bao người đang trông vào mình nữa. Trở về quê biết ăn nói làm sao với mọi người? Trước ngưỡng cửa “phá sản”, chị quyết định đóng cửa hàng 1 tuần nhằm sốc lại tinh thần. Trong thời gian này, chị đi lang thang khắp chợ vải, chợ quần áo ở Hà Nội để xem người ta mua cái gì và bán cái gì? Chính quãng thời gian này giúp chị vỡ ra nhiều thứ, điều mà chị đã phải trả mức “học phí” vô cùng đắt đỏ trước đó. Nếu biết sớm hơn, có lẽ chị sẽ không phải trả một cái giá đắt như thế, nhưng không qua bài học đó thì chị khó mà trưởng thành được như hiện nay.
Mở lại cửa hàng, chị thay đổi phong cánh và gu thời gian của mình, các sản phẩm làm ra bắt trend, chất lượng và giá thành hợp lý nên khách cứ tự tìm đến lấy hàng về bán lẻ. Chị Dung chia sẻ mức giá bán buôn của mình hiện dao động từ 200.000đ đến 400.000đ tùy theo độ khó dễ. Mức giá này là hướng tới khách hàng tầm trung bởi thu nhập của dân văn phòng hiện nay khá ổn định, việc bỏ ra từ 300.000đ đến 1 triệu đồng để mua lẻ một sản phẩm thiết kế không còn phải đắn đo quá nhiều.
Dù không tiết lộ mức thu nhập mỗi tháng của mình, nhưng chị Dung cho biết mỗi ngày nhận được vài chục đơn hàng bán sỉ. Đến nay thu nhập của các công nhân trực tiếp tại xưởng của chị khá ổn định từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, chị còn nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác từ các xưởng gia công ở nhiều tỉnh thành khác.
Co chu 35 tuoi vuc day su nghiep nho 1 tuan... lang thang
Sản phẩm bán lẻ ra thị trường của chị Dung dao động từ 300.000đ đến 1 triệu đồng. 

Công việc kinh doanh đang thuận lợi thì ngành thời trang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chị vẫn giữ lập trường kiên định, thậm chí còn bỏ hàng trăm triệu đồng để mua vải làm 20.000 khẩu trang đem phát từ thiện giúp các công nhân có việc làm và thu nhập trong lúc khó khăn nhất để họ không bỏ mình. Nhiều người nghĩ chị khùng và điên khi vẫn còn nghèo khó lại làm từ thiện nhiều đến thế trong khi người ta còn lợi dụng để kiếm chác tăng giá, chặt chém mặt hàng này. Họ cho rằng công nhân xưởng nào mà chẳng cho nghỉ lo gì họ bỏ chỗ mình chạy chỗ kia, sức đâu mà theo nếu dịch kéo dài...
Trước những lời khuyên, chị chỉ im lặng và vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu của mình. Chị cho biết rất vui vì đã giúp đỡ được một chút ít cho những người khó khăn hơn mình trong khi những công nhân cũ vẫn luôn đồng hành cùng chị. Nhóm công nhân mới giờ lại tiếp sức giúp chị bằng việc chấp nhận gia công với mức giá rẻ hơn, làm việc với trách nhiệm hơn hẳn. Đây chính là tiền đề giúp chị cạnh tranh về giá trên thị trường hàng thiết kế.
Sau những thành công trong mảng thiết kế thời trang công sở dành cho nữ, chị Dung cho biết đang có kế hoạch lấn sân sang mảng thời trang thiết kế dành riêng cho trẻ em do đã chủ động được khâu nguyên liệu cũng như sản xuất. Bà mẹ 2 con cho biết trong quãng thời gian làm kinh doanh thời trang của mình đã từng cho nợ nhiều và mất cũng nhiều. Bản thân có những thời điểm cũng không lường hết được mọi thứ. Nhưng tất cả giờ đã khác, sau những trải nghiệm “đắt giá”, chị vỡ lòng ra rất nhiều thứ. Giờ chị đã không còn sợ hãi bất cứ điều gì, không khó khăn nào có thể quật ngã quyết tâm đi lên của chị cùng những công nhân của mình. Chị cũng không muốn ai đi vào vết xe đổ của mình trong con đường khởi nghiệp. Nên có lời khuyên muốn các bạn trẻ nên định hình phong cách trước khi quyết định bước vào con đường khởi nghiệp của bản thân.
Theo Trung Kiên/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)