Cienco, HANHUD, Abipha làm ăn kiểu gì... dẫn top DN chây ỳ nợ BHXH?

Google News

(Kiến Thức) - Tình hình kinh doanh nghiệp Cienco, HANHUD, Abipha dẫn top chây ỳ nợ bảo hiểm xã hội cũng không mấy khả quan. Riêng HANHUD vượt trội hơn khi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2018 chỉ đạt 96 tỷ đồng, nhưng lại tăng vượt bậc lên 567 tỷ đồng vào năm 2019.

Từ ngày 23/11 đến hết ngày 25/12/2020, đoàn Thanh tra liên ngành của thành phố Hà Nội sẽ tiến hành thanh tra 75 doanh nghiệp nợ lớn, nợ kéo dài bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Trong số các doanh nghiệp chây ỳ nợ BHXH được thanh tra lần này gồm: Xí nghiệp Xây dựng công trình Cienco nợ 4,3 tỷ đồng, kéo dài 48 tháng; Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà ở và đô thị Hà Nội (HANHUD) nợ 2,3 tỷ đồng, kéo dài 20 tháng; Công ty cổ phần Dược phẩm công nghệ cao Abipha nợ 2,4 tỷ đồng, kéo dài 11 tháng…
Cienco, HANHUD, Abipha lam an kieu gi... dan top DN chay y no BHXH?
 Cienco, HANHUD, Abipha dẫn top doanh nghiệp chây ỳ nợ BHXH. (Ảnh minh họa).
Cienco, HANHUD, Abipha làm ăn lỗ lãi thế nào?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP (Cienco1), doanh thu toàn Tổng Công ty gồm Công ty mẹ, 7 đơn vị phụ thuộc, 1 Công ty con, 10 Công ty liên kết chỉ đạt vỏn vẹn 543 tỷ đồng, giảm gần 1/3 so với năm 2018.
Tại thời điểm chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần (năm 2014) - dù đã bước qua giai đoạn hoàng kim, doanh thu hợp nhất của Cienco1 vẫn đạt hơn 8.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, dù đạt lợi nhuận trước thuế 19 tỷ đồng nhưng hầu hết các chỉ tiêu tài chính khác đều đang đi xuống, đặc biệt là tổng tài sản giảm từ 2.879 tỷ đồng (năm 2018) xuống còn 2.641 tỷ đồng (năm 2019).
Trong khi đó, đối với HANHUD, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2018 chỉ đạt hơn 96 tỷ đồng nhưng đến năm 2019 doanh thu này đã tăng vượt bậc lên tới 567 tỷ đồng.
Năm 2018, hàng tồn kho của HANHUD từ 1.150 tỷ đồng giảm xuống còn 781 tỷ đồng sang năm 2019.
Khi cổ phần hóa vốn chủ sở hữu của Công ty là 21 tỷ đồng, đến 31/12/2019, vốn chủ sở hữu của Công ty này hơn 59 tỷ đồng và tổng tài sản vẫn đứng vững ở con số khá ấn tượng là 1.665 tỷ đồng.
Riêng tình hình kinh doanh, tài chính của Công ty cổ phần Dược phẩm công nghệ cao Abipha ít thấy giới truyền thông nhắc đến. Nếu có cũng chỉ là những thông tin về hoạt động như: Quý 2 năm 2019, nhà máy công nghệ cao Abipha xây dựng trên nền diện tích 30.000m2, tổng mức đầu tư khoảng hơn 20 triệu USD đi vào hoạt động.
Hoặc nhà máy công nghệ cao Abipha có các dây chuyền và bào chế: Chiết xuất dược liệu, dây chuyền sản xuất thuốc phiến, dây chuyền sản xuất thuốc đông dược (đầy đủ các dạng bào chế: viên nén, viên nén bao phim, viên nén bao đường, viên nang cứng, viên nang mềm, viên hoàn cứng, viên hoàn mềm, gói cốm bột, siro), thuốc dùng ngoài (cao xoa, dầu gió, kem, gel, mỡ), dây chuyền sản xuất thực phẩm chức năng…
Hà Nội xử lý các doanh nghiệp nợ bảo hiểm ra sao?
Liên quan đến hoạt động thanh tra các doanh nghiệp nợ bảo hiểm, ông Phạm Văn Giáp - Trưởng phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo (Thanh tra TP Hà Nội), Trưởng đoàn Thanh tra liên ngành cho biết: Đoàn Thanh tra liên ngành sẽ chia làm 4 tổ công tác với sự tham gia của đại diện các ngành Thanh tra thành phố, Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động và Bảo hiểm xã hội thành phố sẽ tiến hành thanh tra 75 doanh nghiệp nợ lớn, nợ kéo dài về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền hơn 80,217 tỷ đồng, đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của 2.462 người lao động trong khoảng thời gian từ 1/1/2019 cho đến thời điểm thanh tra.
Căn cứ vào kế hoạch làm việc đã thông báo, Tổ công tác sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra các hồ sơ, sổ sách, tài liệu, chứng từ có liên quan đến việc thực hiện chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
“Trường hợp các đơn vị được thanh tra, kiểm tra chủ động, tự giác chấp hành nộp đầy đủ số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì Tổ trưởng Tổ công tác sẽ tiếp nhận hồ sơ, báo cáo trưởng đoàn thanh tra, xem xét, quyết định dừng thanh tra tại đơn vị”, - ông Giáp khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cũng đề nghị các Tổ công tác tiến hành thanh tra đúng trình tự, quy trình, thủ tục. Những doanh nghiệp chủ động tự giác đóng nộp hết số nợ sẽ xem xét, dừng thanh tra, còn những đơn vị cố tình chây ì, nợ đọng, đề nghị kiên quyết xử lý nghiêm, nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động và giữ vững an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Khánh Hoài (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)