Chuyện "con ông cháu cha" ở những tập đoàn nghìn tỷ của Việt Nam

Google News

Không được nâng đỡ, những “con ông cháu cha” sau đây đã luôn nỗ lực thoát khỏi cái bóng của cha mình, thay vì tận dụng lợi thế “cậu ấm”, “cô chiêu”...

Con nhà giàu thì cũng phải bắt đầu từ học việc
Thiếu gia Phạm Nhật Minh Hoàng - con trai lớn của Chủ tịch tập đoàn Vingroup, tỷ phú Phạm Nhật Vượng - được công chúng biết đến lần đầu tiên qua bài phỏng vấn ông Vượng trên báo Tuổi trẻ vào năm 2019.
"Cậu cả" được ông Vượng đưa đến gặp cùng trong buổi phỏng vấn nhằm mục đích "để cho anh ấy học hỏi. Nghe xem các chú, các bác, rồi bố làm việc như thế nào".
Chuyen
 Hình ảnh được cho là Phạm Nhật Minh Hoàng xuất hiện trên mạng hồi năm 2014.
Ông Vượng cho biết, khi còn ở Ukraine, vào mùa hè, cậu con trai và bạn bè chở gạch để sắp xếp trong sân nhà rất rộng trong suốt mùa hè. Mỗi lần làm xong thì cả đội được ông Vượng trả 100 USD. Khi học xong, thiếu gia này vào làm công ty của bố nhưng cũng phải lao động cật lực "đi làm hùng hục, đi công tác suốt ngày, đi xuống cơ sở ngồi làm, không thể khệnh khạng được".
"Quan điểm của tôi là không bắt sau này các con phải ôm công việc của bố. Các con yêu thích và có năng lực đến đâu thì làm đến đấy, không thì thôi, không thể hủy hoại sự nghiệp mà bao nhiêu người tâm huyết xúm lại làm mới ra được", ông Vượng nói.
Trong khi đó, thiếu gia Trần Vũ Minh (SN 1996) – con trai Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long – xuất hiện lần đầu trước công chúng vào tháng 1/2019, sau khi mua thành công 20 triệu cổ phiếu HPG của Hòa Phát thông qua công ty riêng là công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đại Phong.
Chuyen
 Hai con gái Trần Uyên Phương - Trần Ngọc Bích của ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát
Không giống như những "rich kid" (tạm dịch: con nhà giàu) khác, con trai ông Trần Đình Long ít xuất hiện trước công chúng, chăm chỉ, thân thiện (theo lời nhiều đồng nghiệp). Anh này đi làm ở công ty của bố với xuất phát điểm là một nhân viên vật tư, sau đó tham gia dự án về chuyển đổi số...
Cặp đôi chị em Trần Uyên Phương - Trần Ngọc Bích cũng là những người thừa kế đặc biệt khi luôn nỗ lực bước ra khỏi cái bóng của cha mình – ông Trần Quý Thanh (Dr Thanh) của tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Tốt nghiệp đại học ở Singapore, Uyên Phương bắt đầu với vị trí thư ký giám đốc marketing, rồi phiên dịch cho giám đốc dự án ERP, nhân viên marketing, nhân viên dịch vụ marketing, giám đốc quản lý nhãn hàng, giám đốc quản lý phòng marketing, giám đốc quản lý bộ phận mua quảng cáo, ... rồi mới được ngồi vào vị trí Phó Tổng giám đốc.
Chuyen
Ông Trần Hùng Huy làm Chủ tịch ngân hàng ACB khi 34 tuổi
Sau nhiều năm nỗ lực, Trần Uyên Phương khẳng định được năng lực độc lập của mình qua việc giải quyết khủng hoảng "con ruồi trong chai Number 1" năm 2015. Kết quả, doanh thu của Tân Hiệp Phát không suy giảm quá mạnh trong năm 2016 và đã phục hồi từ năm 2017.
Sau thành công này, Uyên Phương còn nổi tiếng với việc cho xuất bản 2 cuốn sách Chuyện nhà Dr Thanh và Competing with Giants (tạm dịch: Vượt lên người khổng lồ). Đặc biệt, Competing with Giants được tạp chí Forbes xuất bản tại Mỹ, và Phương trở thành doanh nhân đầu tiên của Việt Nam thực hiện điều này.
Nói về kế nghiệp sự nghiệp gia đình, ông Trần Quý Thanh quan niệm "thương cho roi cho vọt", "muốn con biết bơi thì phải thả cho xuống nước" và "có uống vài ngụm cũng chẳng sao"... Thậm chí, người cha này chỉ đạo cấp dưới: "Người ngoài sai thì được xử lý chừng mực, riêng mấy đứa nhỏ (2 con gái ông Thanh – PV) sai phải phạt gấp 5 lần".
Những người sinh ra đã ở vạch đích
Tuy vậy, vẫn có những thiếu gia tuy được sinh ra ở vạch đích, song họ cũng luôn nỗ lực “vượt sướng” để tự khẳng định.
Ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) - là con trai của nhà sáng lập ACB Trần Mộng Hùng. Năm 2012, sau sự cố ở ACB khiến bầu Kiên vướng vòng lao lý, ông Huy trở thành người duy nhất sẵn sàng đảm nhận "ghế nóng" khi một thành viên HĐQT khác được mời nhưng đã từ chối. Lúc này ông Huy 34 tuổi, là Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất thời điểm đó.
Bây giờ, sau hơn 8 năm ngồi ghế Chủ tịch, ông Huy đã chứng tỏ được năng lực của mình, cùng đội ngũ trẻ ở ACB đưa ngân hàng này trở lại đường đua. Năm 2019, ACB đạt lợi nhuận hơn 7.500 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,54%; trong khi con số này của năm 2012 là 1.000 tỷ đồng và 2,46%. 9 tháng đầu năm 2020, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, ACB đạt lợi nhuận hơn 6.400 tỷ đồng (tăng 15,3% so với cùng kỳ).
 
Hay ông Đặng Hồng Anh - Phó Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thành Thành Công - cũng là một “hậu duệ” tỷ phú chọn cách bước qua cái bóng của cha mẹ (ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch tập đoàn và bà Huỳnh Bích Ngọc – Phó Chủ tịch thường trực) để tự khẳng định bản thân.
Thành lập công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal, sau này đổi tên là TTC Land) rồi đưa công ty vốn 11 tỷ lên hơn 1.000 tỷ đồng, con trai cả nhà họ Đặng chưa tới tuổi 40 đã trải qua "2 lần đứng bên lằn ranh sinh tử" khi Sacomreal bị tác động mạnh bởi khủng hoảng bất động sản và biến cố tại ngân hàng Sacombank (cuối năm 2012, nội bộ Sacombank rối ren, ông Đặng Văn Thành phải thôi chức Chủ tịch tại ngân hàng do chính ông sáng lập và giữ vị trí lãnh đạo cao nhất từ năm 1995 – PV).
Giờ đây, người ta không nói Đặng Hồng Anh con ông Đặng Văn Thành mà đơn giản là Shark Đặng Hồng Anh của chương trình truyền hình thực tế Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ hay là Chủ tịch hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.
Hay như chuyện “con ông cháu cha” ở tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI và ngân hàng Tiên Phong (TPBank) của ông Đỗ Văn Phú, hiện con gái lớn của ông là Đỗ Vũ Phương Anh làm Phó Chủ tịch HĐQT và con trai Đỗ Minh Đức làm Tổng giám đốc. Song họ đều tuân thủ: "Công ty gia đình nhưng không “gia đình trị”.
Ông Phú luôn dạy các con: “Nếu không có tự lực, tự trọng, tự tôn, thì những người kế nghiệp sẽ rất khó để có một vị trí trong tập thể này, không thể góp phần cho sự phát triển tiếp theo của DOJI hay của TP Bank được, bởi rất dễ hài lòng với những gì đã có. Thành công của ngày hôm nay không có nghĩa là thành công của ngày mai nếu bạn không cố gắng và phấn đấu".
Theo Người Đưa Tin

>> xem thêm

Bình luận(0)