VGC (Khuyến nghị Mua): Khu công nghiệp làm điểm tựa
Chứng khoán Mirae Asset: Doanh thu thuần quý 1.2023 của VGC đạt 2,778 tỷ (-27,6% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng (-80%YoY): 1) Doanh thu các mảng đều giảm, nhưng doanh thu bất động sản giảm mạnh nhất từ mức 569 tỷ xuống 43 tỷ trong cùng kỳ, còn mảng gạch ốp lát tăng nhẹ từ mức 590 lên mức 613 tỷ; 2) Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ mức 36,4% xuống còn 24% YOY, nguyên nhân đến từ giá bán có phần giảm nhẹ; 3) Chi phí lãi vay tăng mạnh hơn 46% YoY, ở mức 83 tỷ.
Mảng kính: VGC dự kiến sẽ xây dựng giai đoạn 2 nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ nhằm nâng công suất lên 1,500 tấn/ ngày (hiện tại đang ở mức 600 tấn/ ngày điều này sẽ phần nào bổ sung vào năng lực sản xuất và cung cấp ra thị trường ngày khi ngành BĐS nhộn nhịp trở lại.
Mảng gạch ốp lát: Sau khi mua lại nhà máy gạch men Bạch Mã vào cuối năm 2021, VGC đã cải tạo, đầu tư bổ sung dây chuyền sản xuất, giúp VGC tiếp tục giữ vị thế đầu ngành như hiện nay.
Mảng Khu công nghiệp (KCN): VGC hiện đang phát triển 11 khu công nghiệp và tiếp tục phát triển thêm nhiều quỹ đất trong giai đoạn tiếp theo. Hiện tại, quỹ đất sẵn sàng cho thuê của VGC tính tới cuối năm 2022 đạt hơn 823 ha, trong đó tại KCN Yên Phong và Thuận Thành có diện tích sẵn sàng cho thuê hơn 265 ha. Đây cũng là khu vực có giá thuê cao của VGC với 125-150 USD/m2.
Chúng tôi đánh giá mảng KCN là mảng mũi nhọn nhằm giúp VGC duy trì đà tăng doanh thu và lợi nhuận bù đắp cho sự thiếu hụt từ mảng vật liệu xây dựng do tác động chững lại của ngành BĐS trong thời gian vừa qua.
Chúng tôi dự phóng doanh thu thuần của VGC trong năm 2023 đạt 15,338 tỷ đồng (+5,1% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 1,627 tỷ (-15% YoY): 1) Kỳ vọng giá bán VLXD sẽ phục hồi trong nửa cuối năm phần nào đó sẽ giúp biên lợi nhuận gộp cả năm giảm nhẹ về mức 26% so với mức 29% trong năm 2022; 2) Chi phí lãi vay tăng 30% với hơn 327 tỷ đồng; 3) Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tiếp tục giảm nhẹ lần lượt 8% và 5% trong năm.
EPS dự phóng đạt 3,302 đồng/ cổ phiếu tương ứng với mức P/E dự phóng đạt 12,2x. Đây cũng là mức P/E thấp so với trung bình 5 năm của doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi đánh giá KHẢ QUAN cho VGC: 1) Việt Nam tiếp tục thu hút vốn FDI của các nước và KCN kỳ vọng sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong những thời gian tới; 2) Vị thế và năng lực nội tại mạnh mẽ của doanh nghiệp.
TPB (Khuyến nghị Khả quan): Đi qua những ngày mưa
Chứng khoán VNDirect: TPB ghi nhận tài sản sinh lời tăng 13% svck (+5,3% kể từ đầu năm), trong đó cho vay tăng trưởng 15% svck (+7,3% kể từ đầu năm). Tăng trưởng cho vay của TPB cao hơn trung bình ngành nhờ tỷ trọng cho vay doanh nghiệp cao (+11,6% so với đầu năm, bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 43,4% tổng cho vay) do tình trạng thiếu thanh khoản trước đó đã thúc đẩy nhu cầu vay vốn.
Tuy nhiên, NIM giảm 33 điểm cơ bản svck do (1) mảng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gặp khó khăn (hình 6) và (2) tỷ lệ CASA giảm. Do đó, thu nhập hoạt động của TPB đã giảm 3,3% svck. Chi phí dự phòng giảm mạnh 58% svck, giúp LN ròng tăng 8,8% svck (1.413 tỷ đồng – hoàn thành 21% dự phóng cả năm 2023 của chúng tôi).
Chất lượng tài sản có sự suy yếu do những khó khăn vĩ mô
Môi trường lãi suất cao đã làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và khả năng trả nợ, từ đó làm giảm nhu cầu vay vốn. Mặt khác, các NH vẫn sẽ thận trọng hơn khi cho nhóm này vay để giảm thiểu nợ xấu trong hoàn cảnh hiện tại. Do có dư nợ cho vay bán lẻ cao (chiếm 56,7% dư nợ), chất lượng tài sản của TPB đã suy giảm: tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên 1,5% (so với 0,8% cuối năm 2022) và tỷ lệ LLR giảm xuống 84% cuối Q1/23 (so với 135% cuối năm 2022). Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng tình hình sẽ cải thiện từ nửa cuối 2023, do (1) tác động của các chính sách hỗ trợ (xem báo cáo của chúng tôi tại đây) và (2) NHNN đã ba lần hạ lãi suất điều hành, đánh dấu sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Căng thẳng trên thị trường TPDN phần nào được giải tỏa
Lưu ý rằng TPB là một trong các ngân hàng có dư nợ TPDN lớn, hiện chiếm ~11% cơ cấu tín dụng. Do những sóng gió trên thị trường TPDN, dư nợ TPDN của TPB đã giảm 5,1% kể từ đầu năm (-26% svck). Tuy vậy những khó khăn trên có thể được giải quyết phần nhờ Thông tư 03/2023. Đây là một trong những cách để thúc đẩy cho vay trong bối cảnh tín dụng hệ thống tăng trưởng yếu (+3% so với đầu năm vào cuối tháng 5) và thanh khoản tương đối dồi dào. Điều này cũng giúp thúc đẩy nhu cầu TPDN và tác động tích cực đến các ngân hàng có dư nợ TPDN cao như TPB (tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng).
Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu không đổi 31.000đ/cp
Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng LN ròng của TPB sẽ chậm lại còn 9%/18% svck trong giai đoạn 2023-24 (tốc độ tăng trưởng kép 2020-22 là 33,6%). Nhìn vào mặt tích cực, những rủi ro đã phần nào được phản ánh vào giá khi hiện tại TPB đang giao dịch tại P/B năm 2023 là 0,96 lần (trung bình ngành là 1,2 lần) – chỉ cao hơn một chút so với mức -2 độ lệch chuẩn P/B trung bình 3 năm, cho thấy một mức định giá hấp dẫn. Giá mục tiêu của chúng tôi dựa trên phương pháp P/B 2023 mục tiêu là 1,2 lần và định giá thu nhập thặng dư (COE: 14,1%, LTG: 3%), tỷ trọng bằng nhau. Rủi ro giảm giá bao gồm (1) lãi suất giảm chậm hơn dự kiến, (2) nợ xấu tăng cao hơn dự kiến và (3) tác động của các chính sách hỗ trợ chậm hơn dự kiến.
BID (Khuyến nghị Nắm giữ): Bộ đệm dự phòng duy trì mức cao
Chứng khoán KB: 1Q2023, BID có thu nhập lãi thuần đạt 13,936 tỷ VND (+8.7% YoY); TOI đạt 17,278 tỷ VND (+6.5% YoY). Chi phí trích lập dự phòng đạt 5,527 tỷ VND (-25.2% YoY) khiến LNTT đạt 6,920 tỷ VND (+53.3% YoY).
KBSV kì vọng tăng trưởng tín dụng đạt 11-12% dựa trên: (1) Các động thái giảm lãi suất điều hành để kéo nền lãi suất cho vay xuống thấp, qua đó cải thiện nhu cầu tín dụng. (2) Thanh khoản được đảm bảo dù tăng trưởng huy động khách hàng vẫn ở mức thấp nhờ các động thái bơm ròng của NHNN qua kênh OMO.
KBSV kì vọng NIM của BID sẽ có sự cải thiện nhẹ trong 2H2023 dựa trên động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN giúp giảm chi phí đầu vào bình quân trong khi biến động lãi suất đầu ra sẽ có độ trễ hơn cũng như lãi suất cho vay cần được điều chỉnh phù hợp với mức độ rủi ro của từng khoản vay.
Ban lãnh đạo BID đề ra kế hoạch trích lập dự phòng trong khoảng 20-21 nghìn tỷ VND, giảm 13% Yoy. Đây là thử thách lớn tuy nhiên có cơ sở nhờ bộ đệm dự phòng của BID đã tích lũy trong các năm trước với tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính đến thời điểm hiện tại đạt 171.3%, cao thứ 3 toàn ngành.
Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu BID. Giá mục tiêu cho năm 2023 là 46,300VND/cp, cao hơn 5.2% so với giá tại ngày 31/05/2023.