Chứng khoán ngày 19/5: Nên đầu tư cổ phiếu nào?

Google News

Các công ty chứng khoán đã đưa ra những khuyến nghị gì cho cổ phiếu TCB, KDH và CTG cho phiên 19/5?

TCB (Khuyến nghị Khả quan): Vượt qua thử thách
VNDirect (VND: TCB đã trải qua một quý khó khăn…
Lãi ròng Q1/23 của TCB giảm 18% svck xuống 4.497 tỷ đồng (hoàn thành 20% dự phóng năm 2023) do NIM thu hẹp và chi phí dự phòng tăng mạnh. NIM trong Q1/23 giảm 60 điểm cơ bản svck xuống 4,7% do (1) lãi suất tăng cao, (2) CASA giảm và (3) trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gặp khó khăn. Chi phí dự phòng trong Q1/23 tăng 1,5 lần svck, nhưng vẫn chưa đáng lo ngại khi tỷ lệ trích lập dự phòng/LN trước dự phòng của TCB vẫn ở mức 8,7% – tương đương với các quý trước. Chất lượng tài sản vẫn trong tầm kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu là 0,85% (cuối năm 2022 là 0,9%) và tỷ lệ bao nợ xấu là 134% (cuối năm 2022 là 125%).
Nhưng triển vọng 6T cuối năm sẽ khả quan hơn
Môi trường lãi suất cao không chỉ làm tăng chi phí vốn mà còn làm giảm nhu cầu tín dụng. Mặc dù dư nợ tín dụng tại cuối Q1/23 của TCB đã tăng 9% kể từ đầu năm nhờ cho vay doanh nghiệp (+38% sv đầu năm; chiếm 34% cơ cấu tín dụng); nhưng chủ yếu đến từ các doanh nghiệp BĐS (26% cơ cấu tín dụng) cho mục đích đảo nợ sau khi gặp vấn đề về thanh khoản trước đó. Cho vay bán lẻ không ghi nhận tăng trưởng sv đầu năm do nhu cầu vay mua nhà đi ngang (chiếm 44% cơ cấu tín dụng). Tuy nhiên, NHNN đã có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, đánh dấu sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ khi nhiều khả năng FED sẽ sớm dừng tăng lãi suất. Theo đó, áp lực lãi suất sẽ giảm bớt, kích thích nhu cầu tín dụng thực và cải thiện NIM trong một vài tháng tới.
Các chính sách hỗ trợ giúp giảm bớt áp lực trích lập dự phòng
NHNN vừa công bố Thông tư 02/2023 hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc/lãi, giữ nguyên nhóm nợ và gia hạn trích lập dự phòng trong vòng 2 năm. Với Thông tư này, áp lực trích lập dự phòng của TCB kỳ vọng sẽ giảm bớt. Bên cạnh đó, Thông tư 03/2023 cho phép ngân hàng mua lại TPDN đã bán trước đó với một số điều kiện. Tuy rằng khẩu vị rủi ro của các NH đã thay đổi, Thông tư này sẽ có thể thúc đẩy nhu cầu TPDN; do đó có lợi cho một số NH hoạt động tích cực trên thị trường TPDN như TCB (xem đánh giá của chúng tôi về tác động của Thông tư đối với các ngân hàng tại đây)
Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu 42.000 đồng
Do TCB là một ngân hàng có mô hình kinh doanh tập trung vào mảng BĐS và TPDN, giá cổ phiếu TCB đã trở nên nhạy cảm hơn trong giai đoạn lãi suất tăng cao và thị trường bất động sản & TPDN gặp thách thức. Chúng tôi cho rằng một khi áp lực lãi suất giảm bớt, cùng với tác động của các chính sách hỗ trợ; giá cổ phiếu TCB sẽ bắt đầu đà tăng trở lại. TCB đang giao dịch ở mức P/B 2023 chỉ 0,76 lần – cho thấy rằng rủi ro đã được phản ánh vào giá. Rủi ro bao gồm (1) lãi suất tăng cao hơn dự kiến, (2) nợ xấu tăng cao hơn dự kiến, (3) tác động của các chính sách không như kỳ vọng/chậm hơn dự kiến.
Chung khoan ngay 19/5: Nen dau tu co phieu nao?
 
KDH (Khuyến nghị mua): Thương hiệu tạo lợi thế bền vững
Mirae Asset: Doanh thu và Lợi nhuận đều đặn trong giai đoạn ngành Bất động sản trong tâm bão. Kết thúc năm 2022 KDH ghi nhận 2.973 tỷ đồng doanh thu (- 20,6% CK) và 1.102 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) giảm 8,3% CK. Bước sang Q1/2023 được xem là khoảng thời gian “đóng băng của” BĐS, công ty tiếp tục ghi nhận 425 tỷ đồng doanh thu (+198% CK) và 201 tỷ đồng lợi nhuận ròng (-32,9% CK do không có khoản lợi nhuận khác). Đây là kết quả rất ít doanh nghiệp niêm yết đạt được trong khoảng thời gian trên khi ngành Bất động sản là tâm bão chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất với các biến động vĩ mô.
Thương hiệu tạo nên sự khác biệt. Năm 2022 KDH đã mở bán dự án Classia với quy mô 176 căn nhà liên kế, tính đến tháng 4/2023 dự án đã bán được hơn 80% sản phẩm. Ngoài việc mở bán thành công, dự án cũng có mức biên lãi gộp cao cho thấy Thương hiệu sản phẩm nhà của KDH đang thành công trong việc tiếp cận phân khúc khách hàng cao cấp, là phân khúc ít chịu ảnh hưởng bởi các biến động vĩ mô hiện nay.
Kế hoạch lợi nhuận 2023 từ dự án Classia. Kế hoạch doanh thu của KDH dự kiến ở mức 3.100 tỷ đồng, tăng 6% và 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 9% so với kết quả năm trước. Cơ sở thực hiện kế hoạch này được Tổng giám đốc công ty chia sẻ chủ yếu đến từ dự án Classia, Ban lãnh đạo cũng chia sẻ thêm về tiến độ bán hàng và thu tiền của dự án. Cụ thể 4 tháng đầu năm 2023 dù là giai đoạn thị trường trầm lắng nhưng công ty vẫn bán được 50 căn trong dự án cùng với tỷ lệ thu tiền rất cao, lên đến 85%. Trên cơ sở đó, Ban lãnh đạo tự tin về khả năng hoàn thành kế hoạch năm.
Sẵn sàng quỹ đất kinh doanh cho giai đoạn tiếp theo: Để bổ sung quỹ đất kinh doanh cho giai đoạn tiếp theo, trong năm 2022 KDH đã thực hiện mua cổ phần của 2 công ty là Phước Nguyên và Đoàn Nguyên nhằm bổ sung quỹ đất khoảng 11,8 ha tại phường Binh Trưng Đông, TP Thủ Đức. Quỹ đất này dự kiến sẽ được công ty phát triển các dự án nhà liền kề và biệt thự. Ngoài ra công ty cũng tiếp tục phát triên dự án Khu Dân cư Tân Tạo tại Bình Chánh, khi hoàn thành các thủ tục pháp lý và GPMB dự án sẽ mang lại quỹ đất rất lớn lên đến 320 ha cho KDH tại khu vực phía Tây thành phố.
Với tiến độ bán hàng và thu tiền khả quan của dự án Classia, chúng tôi đánh giá cao khả năng hoàn thành kế hoach lợi nhuận 2023 do ĐHCĐ thông qua là 1.000 tỷ đồng LNST.
Định giá: Thực hiện định giá KDH theo Phương pháp P/B với mức P/B mục tiêu là 2 lần, dự kiến cuối 2023 KDH sẽ có mức giá trị sổ sách đạt 17.680 đ/cp. Mức giá mục tiêu của KDH sẽ ở mức 35.300 đ/cp.
CTG (Khuyến nghị khả quan): Chất lượng tài sản cần được chú ý
VNDirect: Bức tranh Q1/23: tín dụng tăng mạnh, NIM cải thiện nhưng dự phòng cao
Tại cuối Q1/23, tín dụng của NH tăng 4,6% sv đầu kỳ, cao hơn hẳn mức tăng của hệ thống là 2,1%. Chúng tôi quan sát thấy hầu hết các NHTM có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp cao ghi nhận mức tăng trưởng cho vay cao hơn sv các NHTM tập trung vào cho vay bán lẻ. Thêm vào đó, lợi suất tài sản của CTG tăng mạnh 1,8% svck khi NH chuyển dịch sang cho vay nhóm khách hàng hiệu quả cao (bán lẻ, DN vừa và nhỏ), vượt trội so với mức tăng 1,6% của chi phí vốn. Tóm lại, NIM của NH ghi nhận mức cải thiện 28 điểm cơ bản svck, khiến CTG là một trong số ít NH ghi nhận mức cải thiện NIM. Về mặt chi phí, mặc dù CTG đã thành công trong việc giảm CIR từ 27% xuống 25% trong Q1/23 – mức thấp thứ 2 trong số các NH niêm yết, LNR của NH chỉ tăng nhẹ 3% svck do việc tăng mạnh hình thành nợ xấu. Trong Q1/23, chi phí tín dụng (cả năm) của CTG tăng 56 điểm cơ bản svck lên 2,1%.
Chất lượng tài sản cần được chú ý
Với cương vị là một trong số bên cho vay lớn nhất cho doanh nghiệp, CTG cũng bị ảnh hưởng từ những khó khăn trong nền kinh tế hiện tại. Tại cuối Q1/23, nợ nhóm 2 của NH duy trì xu hướng tăng trong 10 quý liên tiếp gần đây, nhảy 163% svck lên 35.620 tỷ đồng, gây áp lực lên dự phòng trong thời gian tới. Mặc dù NH giải thích thêm cho xu hướng này là do CTG đã xây dựng các kịch bản chất lượng nợ, và chủ động phân loại nợ, chúng tôi vẫn lưu ý về khả năng xu hướng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí dự phòng và chất lượng tài sản trong thời gian tới. Tại thời điểm hiện tại, chúng tôi dự phóng chi phí tín dụng 2023 sẽ duy trì svck ở mức 1,8%, một phần do Thông tư 02/2023 cho phép tái cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ cho các DN gặp khó khăn.
Chúng tôi dự phóng EPS 2023-24 tăng 11%/21%
Chúng tôi dự đoán NIM của NH sẽ giảm nhẹ trong 2023-24 nhờ sự chủ động của NH để tiết giảm chi phí vốn, phù hợp với các chiến lược giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. Về mặt chi phí, chúng tôi cho rằng chi phí tín dụng của CTG đạt 1,8%/1,5% – giảm nhẹ sv mức 1,85% năm ngoái nhờ TT 02/2023. Tóm lại, chúng tôi dự đoán EPS của CTG sẽ tăng bền vững mức 11%/21% trong 2023-24.
Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu 35.900đ/cp
CTG là một trong số các cổ phiếu ưa thích của chúng tôi nhờ danh mục cho vay đa dạng và tỷ trọng cho vay thấp với nhóm BĐS. Chúng tôi duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu 35.900đ/cp dựa trên phương pháp thu nhập thặng dư và mức P/B mục tiêu 1,3 lần cho giá trị sổ sách 2023 với tỷ trọng tương đương. Rủi ro giảm giá là chi phí tín dụng cao hơn dự kiến. Rủi ro tăng giá là NIM cao hơn dự phóng.

Minh An

>> xem thêm

Bình luận(0)