ACV (Khuyến nghị Khả quan): Bước vào giai đoạn đầu tư vốn xây dựng cơ bản cao
Chứng khoán VietCap (VCSC): Chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN nhưng điều chỉnh giảm 5% giá mục tiêu cho Tổng CT Cảng Hàng không (ACV). Chúng tôi điều chỉnh giảm 4%/4%/3% dự báo LNST cho các năm 2023/24/25 (không bao gồm đóng góp từ các tài sản do Nhà nước đầu tư), chủ yếu do dự phóng lượng hành khách giảm và chi phí dự phòng nợ xấu cao hơn.
Chúng tôi duy trì dự báo 32 triệu hành khách quốc tế vào năm 2023 nhưng điều chỉnh giảm dự báo lượng hành khách quốc tế cho các năm 2024/2025 từ 43 triệu/47 triệu lần lượt xuống 40 triệu/46 triệu. Chúng tôi lưu ý rằng Việt Nam đã đón 42 triệu hành khách quốc tế trong năm 2019. Chúng tôi dự báo lượng hành khách quốc tế sẽ phục hồi chậm hơn do kinh tế toàn cầu chậm lại.
Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục kỳ vọng vào sự cải thiện trong nửa cuối năm 2023 so với nửa đầu năm 2023 do nửa cuối năm là mùa cao điểm của lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách nước ngoài và khách Trung Quốc lần lượt đạt 68% và 26% so với mức trước dịch COVID.
Chúng tôi kỳ vọng Sân bay Quốc tế Long Thành sẽ khởi công xây dựng vào quý 4/2023 và đi vào hoạt động vào năm 2027. Trong giai đoạn 2024-2026, chúng tôi dự kiến tổng vốn XDCB/dòng tiền từ HĐKD (CFO) sẽ là 2x do ACV đầu tư 4,2 tỷ USD vào sân bay này.
Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng EV/EBITDA dự phóng các năm 2023/2024 lần lượt là 16,8 lần/13,2 lần so với mức trước dịch COVID-19 là 14 lần.
Rủi ro: Trích lập dự phòng nợ xấu hoặc vốn XDCB cao hơn dự kiến; kế hoạch mở rộng công suất sân bay chậm hơn dự kiến; lượng hành khách thấp hơn dự kiến.
SAB (Khuyến nghị Khả quan): Doanh thu yếu, chi phí tăng trong Q2/2023
Chứng khoán SSI (SSI): Chúng tôi đã tham dự cuộc họp với chuyên viên phân tích do SAB tổ chức vào ngày 3/8/2023 để cập nhật về kết quả kinh doanh Q2/2023 và triển vọng về doanh thu trong nửa cuối năm 2023, đồng thời hiểu rõ hơn về bối cảnh cạnh tranh hiện tại. Trong Q2/2023, SAB đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 8,3 nghìn tỷ đồng (-7,7% svck và +33,8% so với quý trước) và 1,2 nghìn tỷ đồng (-32,5% svck và +20,6% so với quý trước), phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.
Kết quả kinh doanh quý 2 phản ánh rõ như cầu tiêu dùng yếu, cùng với việc thực thi chặt chẽ Nghị định 100. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, công ty sẽ rất khó đạt được các kế hoạch trong năm do nhu cầu trong nước phục hồi chậm hơn dự kiến. Tuy nhiên, điểm sáng là thị phần đã tăng trở lại kể từ kỳ nghỉ Tết, làm giảm khoảng cách thị phần giữa SAB và đối thủ cạnh tranh chính.
Trong năm 2023, chúng tôi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 33,1 nghìn tỷ đồng (-5,3% svck) và 4,9 nghìn tỷ đồng (-11% svck); lần lượt thấp hơn 10% và 15% so với ước tính trước đây của chúng tôi. Trong năm 2024, chúng tôi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 36,2 nghìn tỷ đồng (+9,2% svck) và 5,7 nghìn tỷ đồng (+16,5% svck). Chúng tôi nâng giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phiếu SAB lên 185.000 đồng/cổ phiếu (từ mức 182.000 đồng/cổ phiếu), dựa trên P/E mục tiêu năm 2024 là 24x (từ mức 23x cho năm 2023)/pp định giá DCF; chúng tôi nâng P/E mục tiêu để phản ánh lợi nhuận ròng phục hồi trong năm 2024. Với tiềm năng tăng giá là 14,9% theo giá mục tiêu, chúng tôi nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu SAB từ Trung lập lên Khả quan.
TV2 (Khuyến nghị Mua): Bước vào chu kỳ tăng trưởng mới
Chứng khoán Vietcombank (VCBS): KQKD Q2.2023: DTT đạt 144 tỷ đồng (-59,9% yoy) và LNST đạt 14 tỷ đồng (-22,7% yoy). Lũy kế 6T.2023, DTT đạt 269 tỷ đồng (-57,2% yoy, đạt 19,8% KH năm) và LNST đạt 22,5 tỷ đồng (- 28,3% yoy, đạt 35,1% KH năm).
KQKD ghi nhận mức sụt giảm ở các lĩnh vực kinh doanh chính như tư vấn, thiết kế do khối lượng backlog chuyển tiếp ở mức thấp và các hợp đồng tổng thầu EPC vẫn đang trong giai đoạn đầu triển khai nên chưa thể hạch toán doanh thu. Theo công ty chia sẻ, QHĐ VIII mới được phê duyệt tháng 5/2023, tuy nhiên để triển khai các dự án mới vẫn đang chờ kế hoạch thực hiện QHĐ VIII được phê duyệt, do đó việc thúc đẩy các dự án đã ký ghi nhớ đều chậm so với kế hoạch.
Triển vọng doanh nghiệp:
1. Quy hoạch điện VIII được phê duyệt sẽ là cú hích cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp tư vấn xây lắp điện nói chung và TV2 nói riêng với nhiều hợp đồng có giá trị lớn được ký kết như hợp đồng EPC cho các nhà máy điện sinh khối Hậu Giang và Trà Vinh hay hợp đồng EPC cho dự án nhà máy điện Sông Hậu 2.
2. Tiềm năng tăng trưởng lớn của mảng vận hành và quản lý nhà máy điện.
3. Các dự án đầu tư nguồn điện lớn đã bắt đầu được triển khai. Kỳ vọng khi các dự án trên đi vào vận hành ổn định sẽ mang lại nguồn cổ tức ổn định cho TV2.
Kể từ báo cáo gần nhất của chúng tôi “Báo cáo cập nhật TV2_T5/2023” với giá mục tiêu 37.850 đồng/cp, giá cổ phiếu TV2 đã tăng hơn 20%. Định giá hiện tại khá hợp lý theo quan điểm của chúng tôi. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn duy trì tích cực với TV2 dựa trên những lợi thế của doanh nghiệp nói chung và tiềm năng dự án nói riêng cũng như dự án Nhiệt điện Sông Hậu 2.
Chúng tôi vẫn kỳ vọng chủ đầu tư Toyo Ink Group Berhad sẽ có thể thu xếp thành công khoản vay vốn nhờ những tín hiệu đàm phán tích cực trong thời gian gần đây và dự án có thể bắt đầu được triển khai vào cuối năm 2023. Ngoài ra, chúng tôi vẫn kỳ vọng vào tính khả thi cao của dự án nhiệt điện Sông Hậu 2 do khu vực phía Nam cũng cần phải bổ sung các nguồn điện chạy nền trước sự không ổn định và phụ thuộc cao vào yếu tố thời tiết của các nguồn năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế khu vực.
Trong báo cáo cập nhật lần này, chúng tôi đưa dự án Nhiệt điện Sông Hậu 2 vào mô hình định giá. Chúng tôi dự phóng DTT và LNST 2023 lần lượt đạt 1.012 tỷ đồng (-23,4% yoy) và 96 tỷ đồng (+81,4% yoy), EPS 2023 đạt 1.957 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu TV2 và nâng giá mục tiêu thêm 34,7% lên 51.000 đồng/cp – tương đương triển vọng tăng 35,0% so với giá hiện tại.