Chứng khoán bị bán tháo

Google News

Áp lực bán trên toàn thị trường khiến gần 800 mã chứng khoán chìm trong sắc đỏ, số mã giảm giá gấp 3,6 lần số mã tăng.

Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 14/3, thị trường chứng khoán trong nước ngay lập tức chịu áp lực bán mạnh khi giảm khoảng 10 điểm. Tâm lý nhà đầu tư càng yếu dần về cuối buổi sáng khiến cho áp lực bán càng tăng dần lên.

VN-Index có thời điểm tiến sát về vùng 1.440 điểm trước khi bật nhẹ trở lại. Tạm dừng phiên sáng, VN-Index ghi nhận mức giảm 20,56 điểm (-1,4%) về 1.445,98 điểm.

Tương tự, sàn niêm yết HNX-Index cũng đánh mất 6,43 điểm (-1,45%) xuống 435,77 điểm và UPCoM-Index giảm 0,55% về 114,73 điểm.

Lực bán vẫn khá lớn và lan rộng khiến thị trường chứng khoán tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Toàn thị trường có 793 mã giảm giá, gấp 3,6 lần so với 220 mã giảm giá.

Chung khoan bi ban thao

VN-Index "đổ dốc" trong phiên sáng đầu tuần. Đồ thị: TradingView.

Áp lực bán lan ra toàn thị trường nhưng nhóm vốn hóa lớn vẫn có tác động tiêu cực nhất. Riêng rổ VN30 mất 15,6 điểm (-1,06%) với 26/30 mã giảm giá với hàng loạt bluechip bị bán tháo.

Ảnh hưởng xấu nhất đến chỉ số là cổ phiếu GAS khi mất 4,1% về 108.300 đồng. Mã PLX của Petrolimex cũng bị bán mạnh 2,8% về 56.400 đồng.

Bên cạnh đó GAS và PLX thì hàng loạt cổ phiếu dầu khí tiếp tục bị xả mạnh sau đợt tăng nóng. Nhiều mã đã giảm kịch sàn như ASP, PVC, PVG, PVO, TDG và nhiều mã khác cũng lộ giá sàn.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu phân bón bị chốt lời mạnh cũng đồng loạt quay ra điều chỉnh, trong đó VAF và TSC giảm sát sàn, LAS mất 6,7% hay bộ đôi DCM và DPM giảm hơn 3%...

Tương tự, cổ phiếu nhóm ngành thép, nhôm, inox, than, đường... cũng bị xả mạnh sau đà tăng nóng. Cổ phiếu nhóm ngân hàng phần lớn trong sắc đỏ, cổ phiếu bất động sản và chứng khoán bị bán phổ biến 2-5%.

Điểm sáng hiếm hoi trong thị trường bán tháo đến từ nhóm ngành gỗ khi nhiều mã tiếp tục bứt phá. GTA đã tiến sát giá trần, TTF tăng 3% lên 17.100 đồng với thanh khoản đứng đầu thị trường.

Cổ phiếu hàng không cũng có tín hiệu tích cực khi VJC của Vietjet tăng mạnh 5,2% và HVN tăng 2,5% để trở thành nhóm có tác động tích cực nhất lên chỉ số.

Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ổn định khi tổng giá trị khớp lệnh nhích nhẹ lên 17.395 tỷ đồng, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 4,3% đạt 14.412 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài lại có xu hướng rút tiền khi họ bán ra tổng cộng 1.008 tỷ và mua vào chỉ 726 tỷ trong phiên sáng, tương đương bán ròng 282 tỷ đồng trên HoSE. Các mã bị xả nhiều là MSN và HPG.

Chung khoan bi ban thao-Hinh-2

Hàng loạt bluechip bị bán mạnh trong phiên sáng. Nguồn: VNDirect.

Trước phiên giao dịch, Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định đây là thời điểm rủi ro đang lớn hơn cơ hội. Nhà đầu tư nên thận trọng trong chiều hướng mua và kiểm soát rủi ro một cách chặt chẽ, tuân thủ kỷ luật nhằm bảo toàn nguồn vốn.

Chứng khoán Tân Việt đánh giá rằng VN-Index tạm thời mất xu hướng tăng trong trung hạn. Trong ngắn hạn chỉ số được dự báo sẽ có nhịp kiểm tra lại đỉnh tháng 7 năm ngoái tại vùng quanh 1.425 điểm.

Mirae Asset tin rằng VN-Index đã rơi vào trạng thái giảm điểm ngắn hạn. Tuy nhiên xu hướng đi ngang trong trung hạn (1-3 tháng) vẫn được duy trì khi chỉ số vẫn đang dao động trên vùng 1.400-1.430 điểm.

Theo Huy Lê/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)