Mở vị thế mua VCS tại vùng giá 57.000-60.000 đồng/cp
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): Cổ phiếu VCS của CTCP Vicostone đã hình thành mô hình 2 đáy. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với thấy nhịp tăng giá ngắn hạn.
Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ tín hiệu hồi phục. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đã hình thành. VCS nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại vùng giá 70.000 đồng/cp trong các phiên giao dịch tới.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng giá 57.000-60.000 đồng/cp và chốt lãi ngắn hạn tại vùng giá 70.000-75.000 đồng/cp. Cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ 55.000 đồng/cp.
Mua VIC với giá mục tiêu 119.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Theo nguồn truyền thông trong nước, VinFast sẽ tạm ngừng hoạt động sản xuất ô tô và xe máy tại nhà máy ở Hải Phòng từ ngày 6/4, sau khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 nhằm phòng chống lây lan dịch COVID-19.
Thời gian hoạt động trở lại của nhà máy sẽ được công bố sau và quyết định dựa trên diễn biến dịch COVID-19. Trong giai đoạn tạm ngưng sản xuất, công ty sẽ triển khai sản xuất máy thở và máy đo thân nhiệt tại nhà máy Hải Phòng nhằm cung cấp cho Chính phủ.
VCSC lưu ý rằng 6 nhà sản xuất ô tô và xe máy khác tại Việt Nam, bao gồm Honda, Ford, Toyota và Hyundai Thành Công, cũng đã tạm thời đóng cửa nhà máy đến ngày 15/4.
Ngoài ra, VinFast tạm thời đóng cửa các showroom tại chuỗi trung tâm thương mại (TTTM) Vincom ở Hà Nội và TP. HCM (chiếm khoảng 60% tổng số lượng phòng trưng bày) trong bối cảnh các TTTM này đã đóng cửa tương ứng với yêu cầu trong Chỉ thị 16. Còn lại, hầu hết các showroom riêng lẻ của VinFast vẫn hoạt động bình thường.
VCSC nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm dự báo hiện tại của chúng tôi cho mảng công nghiệp (VIC) của Vingroup khi báo cáo trước vẫn chưa ghi nhận diễn biến đóng cửa nhà máy này, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Tính từ đợt bàn giao đầu tiên vào tháng 6/2019, số lượng bàn giao của Vinfast đã đạt 15.300 xe hơi (trong số 17.000 xe đã được đặt) tương ứng 5% thị phần trong năm 2019.
Trong báo cáo cập nhật gần nhất cho VIC, VCSC dự báo sản lượng ô tô bán ra năm 2020 đạt 25.100 xe và mảng công nghiệp của VIC dự báo khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh 12 nghìn tỷ đồng trong năm 2020.
VCSC hiện có khuyến nghị mua cho VIC với giá mục tiêu 119.000 đồng/cp, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 31%.
Khuyến nghị nắm giữ HPG
CTCK KIS Việt Nam (KIS): Ước tính sản lượng thép dài quý 1/2020 của Hòa Phát ở mức 700 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lượng bán ra miền Nam có thể vượt trên 80 nghìn tấn, tăng 93,5%, nhờ hoạt động của khu liên hợp Dung Quất.
Kết hợp với mức tiêu thụ phôi khoảng 320 nghìn tấn, chúng tôi ước tính mức tiêu thụ thép và phôi thép dài ở mức 1,02 triệu tấn trong quý 1/2020, tăng trưởng 46%. Chúng tôi tin rằng sự đột biến này đến từ khu liên hợp Dung Quất, đã tăng thêm 500 nghìn tấn mỗi quý cho công suất Hòa Phát, tăng 74%.
Mặc dù giá thép thanh Trung Quốc giảm 10,7% tính từ đầu năm, giá thép trong nước khá ổn định. Theo chúng tôi, hoạt động bán phôi của Hòa Phát trong quý 1 đã giảm áp lực cạnh tranh trên thị trường thép dài.
Trong khi đó giá thép ống trong nước cũng tăng nhẹ 3,9% tính từ đầu năm có thể là diễn biến tạm thời KIS ước tính doanh thu quý 1 của Hòa Phát ở mức 16.882 tỷ đồng, tăng 12,8%.
Với thực tế là quặng sắt vẫn ở mức cao khoảng 91 USD/tấn, tăng trưởng 10% và thêm 600 tỷ đồng của khấu hao và lãi vay, chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế ở mức 1.546 tỷ đồng, giảm 14,6%.
KIS kỳ vọng tác động sẽ nghiêm trọng nhất trong quý 2/2020 sau khi Thủ tướng yêu cầu mọi người giảm chi tiêu hàng ngày xuống chỉ còn nhu cầu cơ bản trong ít nhất 15 ngày kể từ ngày 1 tháng 4 để ngăn chặn sự lây lan của virus. Hòa Phát cũng chịu một ảnh hưởng khác của virus khi các kỹ sư người Ý không thể đến Việt Nam, làm chậm tiến độ của giai đoạn 2 của Dung Quất. Đồng thời đưa ra khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu HPG.