Loạt ngân hàng cho vay trả nợ ngân hàng khác
Sau khi thông tư 06/2023/TT-NHNN (thông tư 06) có hiệu lực, chỉ trong 11 ngày, hàng loạt ngân hàng triển khai chương trình cho khách hàng vay đảo nợ ngân hàng khác để thu hút khách hàng mới.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm như vay mua nhà, mua xe… với lãi suất cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ 5,6%/năm (vay sản xuất kinh doanh) và chỉ từ 7,5% (vay tiêu dùng).
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cung cấp mức lãi suất linh hoạt với các khoản vay trong 6 tháng đầu từ 6,9%/năm đến 8%/năm trong 24 tháng đầu.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) áp dụng lãi suất vay từ 6%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và từ 6,8%/năm đối với khoản vay trung dài hạn.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng. Ngân hàng còn cho phép khách hàng không phải trả nợ gốc trong vòng 12 tháng, thời gian vay lên đến 300 tháng và chứng minh nguồn tài trợ một cách linh hoạt, thông qua tài sản tích lũy. Ngoài ra, đối với khách hàng ưu tiên, MB Bank còn có thể điều chỉnh lãi suất xuống còn 7,5%/năm cố định trong vòng 12 tháng.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng đang triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang với lãi suất từ 7,3%/năm. Thậm chí còn giảm thêm 0,3% đến 1,2% lãi suất các kỳ tiếp theo đối với hội viên Techcombank Private và Techcombank Priority.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã hoàn thiện quy trình nội bộ về việc cho vay với các khách hàng cá nhân muốn trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác. Mức lãi suất đưa ra khá cạnh tranh, ở mức 8%/năm trong 12 tháng đầu tiên, cùng nhiều ưu đãi như miễn phí thẩm định tài sản, hay hỗ trợ giải ngân nhanh...
Đánh giá về Thông tư 06, nhiều chuyên gia tài chính nhận định đây là chính sách có nhiều tác động tích cực cho cả người dân và doanh nghiệp. Bởi trước đây, theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN, việc cho vay đảo nợ chỉ dành cho các khách hàng là doanh nghiệp thì nay với Thông tư 06, khách hàng cá nhân cũng có cơ hội để cơ cấu lại khoản nợ.
Không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng, theo các chuyên gia, quy định mới này sẽ tạo nên làn sóng “cạnh tranh lãi suất” theo chiều hướng giảm để giữ chân khách hàng. Bởi lẽ, các ngân hàng hiện nay đang bước vào chu kỳ giảm lãi suất dồn dập, nếu lãi vay không giảm thì sẽ mất cả khách hàng cũ lẫn khách hàng mới.
|
Nhiều ngân hàng triển khai chương trình cho khách hàng vay để trả nợ tại ngân hàng khác với lãi suất thấp hơn. |
Vẫn còn nhiều khó khăn
Mặc dù thông tin về việc khách hàng có thể vay ngân hàng để trả nợ ngân hàng khác khiến không ít người vui mừng, vì có thể giảm bớt gánh nặng do mức lãi suất 12 - 13%/năm đến từ các khoản vay ngân hàng của những năm trước. Tuy nhiên, không ít người lo ngại về việc thủ tục pháp lý có thể “rườm rà, rắc rối”, đồng thời việc “chuyển nợ” sẽ phát sinh thêm các khoản phí khác, khiến khoản nợ phải trả không thực sự giảm được bao nhiêu.
Chị Minh Hằng (Hà Nội) cho biết, sau khi dành thời gian tìm hiểu tại nhiều ngân hàng khác nhau, chị Hằng mới nhận ra: Để có thể chuyển khoản nợ theo Thông tư 06, hầu hết các khách hàng sẽ không làm được theo phương án của ngân hàng đưa ra.
Cụ thể, cuối năm 2022, vợ chồng chị mua căn nhà đất với giá 2,5 tỷ đồng. Ở thời điểm mua, phía ngân hàng giải ngân song song với người bán. Tổng số tiền chị Hằng vay ngân hàng 1 tỷ đồng, lãi suất 13%/năm. Thời gian vay 25 năm. Hiện tại, mỗi tháng vợ chồng chị Hằng phải trả ngân hàng 14 triệu đồng cả gốc cả lãi.
Khi đặt vấn đề đáo hạn, ngân hàng đưa ra mức lãi suất 8% trong vòng 2 năm đầu để trả ngân hàng cũ, với 2 phương án: phương án 1 là gia đình chị Hằng chủ động vay khoản tiền 1 tỷ đồng ở bên ngoài tự rút sổ và đăng ký như một khoản vay mới tại ngân hàng này. Phương án thứ 2, gia đình chị Hằng có thể thế chấp một tài sản khác như lô đất để lấy khoản tiền dùng cho mục đích trả nợ ngân hàng cũ.
Cả 2 phương án trên gia đình chị Hằng không thể đáp ứng do không thể vay đâu được 1 tỷ đồng để trả ngân hàng cũ và cũng không còn tài sản nào khác để thế chấp.
Chưa kể nếu chuyển khoản vay sang ngân hàng khác, người vay tiền sẽ phải chịu các khoản phí khác như phí phạt trả trước hạn, phí giải chấp sổ đỏ, phí đăng ký lại thế chấp. Ngoài ra, khách hàng vay sẽ phải mất phí công chứng và một số phí khác theo quy định như khách hàng vay mới.
Hiện, phí phạt trả trước hạn ở các ngân hàng dao động trong khoảng 1-3%, giả sử với khoản vay một tỷ đồng của chị Hằng, phí phạt có thể lên tới 30 triệu đồng, khoản tiền làm thủ tục vay vốn mới ước tính dao động trong khoảng 10-15 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể có thêm một số chi phí bảo hiểm khác.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong thời kỳ áp dụng ưu đãi lãi suất cho khách hàng của Thông tư 06, các ngân hàng phải bù lỗ, nên các hợp đồng tín dụng thường có điều khoản về phí trả nợ trước hạn cao, thậm chí không loại trừ trường hợp các ngân hàng nâng mức phí phạt trả nợ trước hạn để hạn chế khách hàng chuyển vay vốn sang ngân hàng khác.
Hơn nữa, tại mỗi ngân hàng đều có những quy định, cơ chế kiểm soát để cho vay chứ không phải cho vay tùy tiện. Nhất là trong thời gian gần đây, những tiêu chí như áp dụng Basel, quy trình kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn… khách hàng vay tiền phải đáp ứng đủ các tiêu chí, yêu cầu đặt ra với các khoản vay này.