Các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thông tin cho rằng, cuộc gọi rác xuất phát từ 2 nguyên nhân, đó là sự quản lý có phần lỏng lẻo của nhà mạng và thói quen bảo mật thông tin của người dùng.
Với nhà mạng, việc quản lý thông tin đăng ký thuê bao mới đang quá dễ dàng, hệ quả là khó xử lý dứt điểm vấn nạn SIM rác.
Về phía người dân, thói quen vô tư đăng tải thông tin cá nhân trên mạng xã hội hoặc để lại số điện thoại khi mua hàng cũng khiến cho các cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn, cuộc gọi rác tận dụng cơ hội để “khủng bố”.
Vẫn còn tin nhắn rác, cuộc gọi rác
Mới đây, tại buổi họp báo thường kỳ ngày 5/6, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông triển khai việc rà soát những tổ chức, cá nhân sở hữu nhiều sim. Cụ thể, người đăng ký từ 10 sim trở lên sẽ bị kiểm tra, nhằm bảo đảm tất cả thuê bao dùng sim chính chủ, đúng với mục đích sử dụng. Đây là bước tiếp theo của Bộ trong việc loại bỏ tình trạng sim rác.
Bộ TT&TT cũng cho biết, từ tháng 4/2023, Bộ đã tổ chức 82 đoàn thanh tra trên cả nước về việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất, dự kiến kết thúc trong tháng 6. Chiến dịch tập trung vào việc xử lý việc lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký sim, tình trạng cố tình đăng ký nhiều sim để lưu thông ra thị trường nhưng không chuyển quyền sử dụng.
Bộ cũng đề nghị người dùng chủ động kiểm tra dữ liệu thuê bao và cập nhật nếu cần, không mua sim chứa tên của tổ chức, cá nhân khác để tránh rủi ro pháp lý khi sử dụng sim không chính chủ.
|
Chủ thuê bao sở hữu hơn 10 sim sẽ bị kiểm tra, xử lý: Có dẹp được cuộc gọi rác? (ảnh minh họa: Internet). |
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, Bộ TT&TT đã hoàn tất giai đoạn chuẩn hóa thông tin đăng ký thuê bao và đang bắt đầu giai đoạn mới là xác minh thông tin người dùng. Trong giai đoạn này, Bộ sẽ có biện pháp nhằm đảm bảo số sim ứng với thông tin đăng ký được sử dụng bởi chính chủ.
Tính đến cuối 2022, Việt Nam có 127 triệu thuê bao hoạt động, bao gồm cả sim rác, thường được dùng trong các hoạt động như gọi điện, nhắn tin quảng cáo hay lừa đảo. Vấn nạn này vẫn tồn tại do nhiều nhóm sử dụng trái phép thông tin của người khác để đăng ký, kích hoạt sẵn sim và bán ra thị trường; mua sim đã đăng ký bằng thông tin của người khác nhưng không cập nhật lại khi chuyển quyền sử dụng theo quy định. Ngoài ra còn có tình trạng giả mạo, sửa đổi giấy tờ tùy thân để đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sim số lượng lớn nhưng không chứng minh được mục đích sử dụng.
Triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn cuộc gọi rác
Bộ TT&TT cho biết, cùng với việc tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện công tác đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chuẩn hóa thông tin thuê bao, Bộ TT&TT vẫn tập trung thanh tra trên diện rộng công tác quản lý thông tin thuê bao của các doanh nghiệp viễn thông di động (đang triển khai từ tháng 4 đến tháng 6/2023). Qua đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là với tập thuê bao đang sử dụng, sở hữu nhiều SIM/giấy tờ (>=10 SIM/giấy tờ).
Bộ TT&TT khuyến nghị người sử dụng dịch vụ nâng cao ý thức, không sử dụng, tiếp tay cho việc mua bán các SIM không đúng quy định trên thị trường. Khi phát hiện SIM di động đang sử dụng có thông tin không đúng với thông tin của bản thân (thông qua việc soạn tin nhắn TTTB gửi 1414 - hoàn toàn miễn phí) thì chủ động liên hệ với số điện thoại chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để cập nhật nhằm bảo đảm quyền lợi của mình.
Trước đó, chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, cơ quan này sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý tình trạng SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, hay còn gọi là SIM rác; ngăn chặn và xử lý vi phạm liên quan đến cuộc gọi quảng cáo vào số điện thoại thuộc danh sách không quảng cáo.
Bên cạnh đó, Cục Viễn thông sẽ triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn cuộc gọi rác, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ cung cấp cho người sử dụng các công cụ để họ chủ động ngăn chặn từ thiết bị đầu cuối của mình.
Ngày 17/4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo ông Nguyễn Thành Phúc, đây là cơ sở pháp lý để xây dựng hướng dẫn triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hoạt động của ngành TT&TT. Đây cũng là căn cứ để các cơ quan chức năng xử lý mạnh tay các vi phạm. Bộ TT&TT sẽ đôn đốc kiểm tra việc ngăn chặn, thu hồi các số điện thoại thực hiện cuộc gọi rác.
Cũng theo lãnh đạo Cục Viễn thông, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để chống các cuộc gọi rác cũng đóng vai trò quan trọng. Để hạn chế cuộc gọi rác, người dân cần có ý thức về việc không cung cấp số điện thoại của mình trên môi trường mạng. Đồng thời với các biện pháp kể trên, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo, điều tra xử lý các trạm BTS giả. Việc triển khai đồng bộ các biện pháp này sẽ giúp giảm bớt tình trạng cuộc gọi rác hiện nay.