|
Sim “rác” đang gây bức xúc cho người dân. Ảnh: minh hoạ |
Cục Viễn thông cùng các nhà mạng đã thống nhất 5 tiêu chí để xác định cuộc gọi rác. Theo đó, các sim có số lượng cuộc gọi bất thường, tần suất cuộc gọi, khoảng cách giữa các cuộc gọi, độ dài cuộc gọi và phản hồi của người dùng di động đối với cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác.
Để quản lý tình trạng quấy rối, sau mỗi cuộc gọi từ số thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác, nhà mạng sẽ gửi một câu hỏi dưới dạng tin nhắn để người dùng xác định cuộc gọi liệu có chứa nội dung quảng cáo hoặc làm phiền hay không.
Trong trường hợp bị xác định là cuộc gọi rác, thuê bao thực hiện hành vi phát tán cuộc gọi sẽ bị xử lí, bằng cách khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng.
Trước đó, tại cuộc họp vào đầu tháng 6, các nhà mạng đã nhất trí sẽ ngăn chặn cuộc gọi rác, bằng cách triển khai các biện pháp kĩ thuật như thuật toán dự đoán trên hạ tầng dữ liệu lớn (big data), và công nghệ học máy đối với tất cả các cuộc gọi nội và ngoại mạng.
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết chỉ tính riêng tháng 3/2020, hệ thống phát hiện khoảng 49 triệu cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác, gây ảnh hưởng 18 triệu khách hàng. Các cuộc gọi này bắt nguồn từ hơn 26.700 số điện thoại.
Nội dung của các cuộc gọi rác thường nhằm mục đích lừa đảo, quấy rối, dịch vụ rao bán nhà đất, bảo hiểm, học tiếng Anh… Gần đây xuất hiện thêm hình thức cuộc gọi quảng cáo tự động được ghi âm sẵn quấy rối khách hàng.
Trong đợt thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông vào đầu tháng 6, cơ quan thanh tra đã tịch thu gần 7 ngàn sim đã được đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ.
Vào thời điểm thanh tra, ba nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone đều xuất hiện tình trạng sử dụng cùng một ảnh chụp để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vào các thời điểm khác nhau. Khách hàng không trực tiếp đến điểm cung cấp dịch vụ viễn thông để chụp ảnh nhưng vẫn thực hiện giao kết hợp đồng bằng ảnh chụp chứng minh thư hoặc căn cước công dân.
Các nhà mạng đề có tình trạng thông tin thuê bao trên hệ thống khác với thông tin trên giấy tờ tuỳ thân của chủ thuê bao. Nhiều điểm cung cấp dịch vụ viễn thông chưa niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch.
Một số điểm cung cấp dịch vụ viễn thông được MobiFone ủy quyền đã sử dụng các cá nhân hoặc hộ kinh doanh cá thể thông qua hình thức Hợp đồng phát triển thuê bao trả trước để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu.
Riêng tại Viettel đã ký 35.960 hợp đồng cộng tác viên với các cá nhân (không phải là nhân viên của Viettel) để triển khai điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Nhà mạng này còn dùng dữ liệu thông tin thuê bao có sẵn của khách hàng để nhập thông tin thuê bao.
Còn tại Vinaphone, nhiều chủ thuê bao sử dụng số thuê bao thứ 4 trở lên nhưng doanh nghiệp không thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Riêng 2 nhà mạng nhỏ là Vietnamobile và Gtel, thanh tra Bộ phát hiện chủ điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đã sử dụng thông tin của người khác để đăng ký số lượng lớn thuê bao di động trả trước. Trang thông tin điện tử của Vietnamobile cũng chưa đăng tải đầy đủ các nội dung theo quy định.
Theo Cục Viễn thông, Viettel sẽ áp dụng các giải pháp ngăn chặn cuộc gọi rác từ 1/7. Mobifone và Vinaphone sẽ triển khai trước 1/8. Trước ngày 1/10, 6 doanh nghiệp viễn thông còn lại, gồm Vietnamobile, Indochina Telecom, Hanoi Telecom, CMC, SPT và Viễn thông FPT cũng sẽ triển khai giải pháp ngăn chặn cuộc gọi rác.
Sở dĩ việc xử lý sim rác được thực hiện trên diện rộng vì muốn hạn chế tình trạng người dân thường phải nhận các cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn. Ngoài ra, cũng để hạn chế tình trạng tín dụng đen sử dụng sim rác đe doạ, tống tiền...