Xét từ góc nhìn du lịch, “chợ chim trời” ấy sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến sản phẩm du lịch đặc thù cạnh tranh cấp quốc gia của tỉnh (Khu Ramsar Láng Sen) được xác định trong Đề án Phát triển sản phẩm du lịch tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2030.
Bài 1: Thức dậy với chim trời
Được xác định là sản phẩm du lịch đặc thù cạnh tranh cấp quốc gia, Khu Ramsar Láng Sen mang trong mình nhiều tiềm năng. Đến với Láng Sen, du khách được tìm hiểu về một Đồng Tháp Mười nguyên sinh với sen, điên điển bông vàng và ngọn lúa ma tưởng chỉ còn trong ký ức.
|
Khu Ramsar Láng Sen có một vùng đầm lầy với nhiều sinh cảnh thích hợp cho động, thực vật ưa nước và là nơi dễ khôi phục các hệ sinh thái đồng cỏ, bãi ăn của nhiều loài chim nước. Tại đây có 13 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam |
1. Theo chân anh Nguyễn Linh Em - kỹ sư kiêm hướng dẫn du lịch tại Khu Ramsar Láng Sen, chúng tôi bắt đầu chuyến du hành nhỏ vào thế giới các loài chim nước. Ở đó, tràm che rợp bóng, gần giữa trưa nhưng dưới những tán tràm, gió vẫn thổi mát và không gian như dịu hẳn đi. Trên là những tán tràm dày, mặt nước phủ đầy bèo hoa dâu xanh mát. Dưới mái chèo, cá thỉnh thoảng đớp nước, nghe bình yên đến lạ! Để giữ sự yên tĩnh, chúng tôi hầu như chẳng nói gì với nhau.
Trên đọt tràm cao, chim rừng thong thả rỉa lông rồi đứng im tư lự. Đâu đó trong vòm lá, tiếng chim lanh lảnh vọng ra. Người đồng hành của chúng tôi bắc tay lên miệng “đáp lời”. Là người bản địa, lớn lên cùng rừng tràm, ruộng lúa, anh Linh Em “quen mặt, nhớ tiếng kêu” từng loài chim sinh sống ở Đồng Tháp Mười. Khi vào khu Ramsar làm việc, anh lại có nhiều cơ hội tiếp cận và tìm hiểu nên bây giờ, khả năng nhận biết các loài chim hoang dã của anh đạt tới mức “thượng thừa”.
|
Rất nhiều khách du lịch khi đi ngang qua đây đều ghé vào chợ chim trời Thạnh Hóa. Dễ dàng bắt gặp nhiều ô tô mang biển số TP.HCM về đây mua chim trời về... nhậu. Theo các du khách này, việc ghé chợ Thạnh Hóa tham quan vì nghe nói đây là “chợ chim lớn nhất miền Tây”. Ảnh: Quốc Hải, báo Danviet. |
Chiếc xuồng len giữa rừng tràm một lúc cũng ra đến đồng sen. Với tay, chúng tôi có thể bẻ được mấy đài sen đang đúng độ. Hạt sen vừa mới bẻ, ăn ngọt lịm, vị ngọt mát và lành tính của tự nhiên. Anh Linh Em cho hay, tất cả sinh cảnh trong vùng đều được bảo tồn nghiêm ngặt. Nhiệm vụ của những người làm công tác bảo tồn ở đây là nghiên cứu, tìm hiểu nên con người gần như sống hòa vào thiên nhiên. Đây là những thân tràm trụi lá do chim về làm tổ, kia là vạt tràm vừa mới phục hồi, bên bờ sông này là bụi điên điển nở hoa vàng một góc. Phía xa xa là vườn ươm cây, để ngày nối ngày, thực vật được trồng thêm, tôm, cá, chim trời có thêm nơi về trú ngụ.
2. Trong chuyến du hành, phải thật tinh mắt, chúng tôi mới có thể thấy mẹ con gà nước dắt nhau đi ăn, chỉ cần động nhẹ là chúng lủi mất, chỉ còn vang lại tiếng cun cút gọi con. Và dù nhiều lần nhìn thấy chim trích, nhưng cảm giác được thấy một chú trích khéo léo bước đi trên thảm bèo hoa dâu giữa mặt nước mênh mông thì mới thực sự thú vị! Chúng tôi muốn giơ máy ảnh lên ghi khoảnh khắc ấy mà lại ngại âm thanh phát ra làm chim giật mình, bay đi mất.
Kết thúc chuyến di chuyển bằng xuồng, chúng tôi lại theo người dẫn đường đi bộ giữa rừng tràm, bước từng bước thận trọng để nghe tiếng chim đập cánh trên đầu. Trời về chiều, chim cũng bắt đầu về tổ. Từng đàn bay xao xác trắng cả một vùng. Những ngọn tràm ngoài xa bắt đầu xao động, rồi rộn rã. Anh Linh Em nói: “Sáng sớm với chiều là lúc Láng Sen vui nhất. Sáng chim đi kiếm ăn, chiều lại bay về tổ nên giác đó, lúc nào cũng rộn ràng”. Những buổi sáng, buổi chiều xôn xao!
Thử tưởng tượng xem, nếu một sáng nào đó, bạn thức dậy không phải bởi tiếng đồng hồ báo thức hay tiếng còi xe inh ỏi mà bằng tiếng chim xao xác ở bìa rừng thì cảm giác sẽ thế nào? Hẳn là an yên lắm! Rồi khi bạn ngồi giữa khung cảnh lồng lộng gió, giữa bát ngát rừng tràm, nếm thử chút đặc sản vùng miền bày trên những chiếc lá sen dân dã, hẳn sẽ có nhiều thú vị!
Giám đốc Khu Ramsar Láng Sen - Trương Thanh Sơn nhận xét, với những điều kiện như thế, khi được đầu tư phát triển du lịch, Khu Ramsar Láng Sen hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài muốn tìm về với thiên nhiên hoang sơ.
Theo Kế hoạch số 97/KH-UBND, ngày 06-7-2017, về tổ chức thực hiện Chương trình số 13-Ctr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ-TW của Bộ chính trị “về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Láng Sen được đầu tư giai đoạn 1 vào năm 2018 xây dựng các dịch vụ tham quan trong vùng lõi: Cầu đi bộ qua kênh 79, tuyến cáp kéo xuồng 10km qua các sinh cảnh đặc biệt,... Tương lai không xa, Láng Sen trở thành khu du lịch thu hút đông đảo du khách!
Theo đánh giá của đề án phát triển du lịch tỉnh:
Khu Ramsar Láng Sen có một vùng đầm lầy có nhiều sinh cảnh thích hợp cho động, thực vật ưa nước và nơi dễ khôi phục các hệ sinh thái đồng cỏ, bãi ăn của nhiều loài chim nước, được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ Tây. Sự duy trì thảm thực vật ven sông, đồng cỏ tự nhiên ngập nước theo mùa, đầm lầy và gia tăng diện tích tràm trồng làm phong phú quần thể động, thực vật.
Thực vật trong Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen khá phong phú với 156 loài thực vật hoang dã, trong đó có 152 loài xác định được tên khoa học: Gáo (Sarcocephalus coadunata), Bún (Crateva nurvala), Sen (Nelumbo nucifera), Lúa hoang (Oryza rifipogon), Lác hến (Scirpus gross), Mồm (Ischaemum sp),...
Kết quả điều tra chưa đầy đủ cho thấy, ở Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có 149 loài động vật có xương sống (không kể cá) trong đó: Lớp Lưỡng thê có 4 loài; lớp Bò sát có 17 loài; lớp Chim có 122 loài và lớp Thú có 6 loài. Trong tổng số các loài động vật thì có đến 13 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam.
Khu bảo tồn là nơi có nhiều loài chim nước tiêu biểu của vùng Đồng Tháp Mười: Già đẫy, cò ma, trích, giang sen, vịt trời,... .