Đó là điều anh Nguyễn Duy Duy (Thạch Thất, Hà Nội) nói về những chiếc đèn giấy nghệ thuật 3D mà anh làm ra. Biết đến loại hình nghệ thuật này thật tình cờ, lúc đó, Duy còn là sinh viên năm cuối và đang trong quá trình tìm ý tưởng cho đồ án tốt nghiệp cách đây 3 năm về trước. “Thời gian tìm ý tưởng, tôi có phát hiện ra bộ môn nghệ thuật mới này, tôi thấy thích thú vô cùng vì cảm thấy bộ môn này sống động, bắt mắt và dễ truyền đạt câu chuyện nào đó”, anh nói.
Tự tìm hiểu và nghiên cứu sản phẩm một mình, anh Duy gặp không ít khó khăn cũng nhiều lần thất bại khi hoàn thiên sản phẩm. Không một người nào hướng dẫn hay hỗ trợ, anh phải tự làm tất cả từ việc tìm nguyên liệu, làm bản vẽ, phân lớp… Đến nay, anh đã có một người bạn đồng hành cùng chia sẻ những khó khăn trong quá trình làm.
Duy đang làm các sản phẩm đèn giấy 3D.
“Tôi cũng như bao người khác, bắt đầu làm vấp phải nhiều thất bại. Không ít lần tôi lỡ tay cắt hỏng mẫu, phải bỏ đi và làm lại mẫu mới, rồi những lần tính sai khoảng cách ánh sáng bố cục cũng như độ xuyên sáng, có những tác phẩm mình cùng nhóm phải đập đi xây lai nhiều lần mới được”, anh nói.
Có nhiều lúc anh rất nản vì sản phẩm không như mong muốn của mình nhưng anh không cho phép bản thân bỏ cuộc. Mỗi lần như vậy, anh luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn nữa bởi “không có con đường dẫn đến thành công nào trải đầy hoa hồng”. Anh tiếp tục lên mạng tìm kiếm cũng như tham khảo từ nhiều trang khác nhau để tìm cách làm lại sản phẩm sao cho như ý cũng như khơi dậy lên cảm hứng sáng tạo của bản thân.
Có những chiếc đèn giấy anh mất cả năm mới hoàn thiện.
Những chiếc đèn nghệ thuật 3D do Duy làm ra là sự kết hợp của nghệ thuật cắt giấy kirigami của Nhật Bản, rối bóng Trung Quốc và đèn kéo quân Việt Nam. Để làm những chiếc đèn này, anh phải làm 5 công đoạn: Tìm ý tưởng thiết kế; Tách lớp tách layer; Cắt khắc bản vẽ; Lắp ghép và ra cố khung sản phẩm; Phối màu kiểm tra độ xuyên sáng của tác phẩm.
Trong đó, công đoạn tìm ý tưởng thiết kế là khó và tốn thời gian nhất bởi anh cho rằng đây là công đoạn quyết định sản phẩm làm ra. Nếu không có ý tưởng để thiết kế thì các công đoạn sau cũng không thể thực hiện một cách trơn tru được.
Hình ảnh chợ nổi trong đèn giấy của Duy
“Thông thường một tác phẩm đèn giấy 3D, tôi làm riêng phần ý tưởng lên bản vẽ nếu thuận lợi và đang sẵn ý tưởng thì nhanh nhất cũng phải mất 1-2 tuần. Cũng có những dự án và những sản phẩm tôi đã phải mất vài tháng có khi gần 1 năm mới có thể hoàn thành”, anh nói.
Tính đến nay, nhóm của anh đã có hơn 100 chiếc đèn giấy nghệ thuật 3D. Và bộ sản phẩm có giá cao nhất là 16 triệu đồng cho đền thời điểm hiện giờ, đó là là bộ sản phẩm đèn giấy 3D về Phật giáo. Theo anh, sản phẩm có giá thành cao như vậy phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như độ cầu kỳ tinh xảo và ý tưởng thiết kế.
“Đó là các sản phẩm về tâm linh đòi hỏi nhóm phải nghiên cứu sưu tầm cũng như phục dựng lại các hình ảnh về Phật giáo, không cho phép có sai sót về hình ảnh ý nghĩa cũng như câu chuyện. Để làm bộ sản phẩm đèn giấy về Phật giáo này rất sự chi tiết đến độ tỉ mỉ trong lúc làm, thường các sản phẩm như vậy sẽ có rất nhiều chi tiết đòi hỏi người làm phải tập trung cao độ và phô bày hết tất cả sự khéo léo của mình cũng như kinh nghiệm thì mới có thể hoàn thành”, anh lý giải.
Theo anh, giá của chiếc đèn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có những chiếc lên đến 10 triệu đồng.
Nếu tính đèn đơn, nhóm anh Duy đã làm ra chiếc đèn giấy 3D về Phật giáo kích thước khá to, cao 1 mét, rộng 40cm (chưa tính viền), giá bán 10 triệu đồng. Để làm sản phẩm này, nhóm của anh mất hơn 4 tháng để nghiên cứu và đang dần hoàn thiện. Dù chưa hoàn thành, khách đã muốn mua luôn, anh thì chưa muốn bán vì muốn chỉnh sửa thêm để hoàn thiện theo ý của mình.
Mới đây, nhóm của anh hoàn thành xong “Bộ sưu tập Việt Nam, Đất nước và con người” gồm 17 sản phẩm thu hút sự quan tâm của rất nhiều người đến loại hình nghệ thuật này. Anh cho biết bộ sưu tập này làm ra xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước, mong muốn có một bộ sưu tập để lưu giữ và truyền bá hình ảnh văn hóa đất nước ta. Ngay sau khi ra mắt, nhiều người đón nhận và mong muốn được sở hữu bộ sưu tập này. Nhóm của anh đã quyết định chuyển sang thương mại hóa sản phẩm để khách hàng có thể sở hữu.
Thời gian tới, anh mong muốn loại hình nghệ thuật này phát triển hơn, tạo ra những tác phẩm ý nghĩa hơn và luôn hy vọng rằng sẽ góp một phần công sức nhỏ bé của mình để quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người, đất nước Việt Nam ra thế giới.