Ngày 23/10, Trần L.A (26 tuổi) vẫn phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà sau chuyến bay thương mại từ Hà Nội vào TP.HCM.
Với cô, hành trình từ Bắc vào Nam gặp lại bạn trai hậu giãn cách không chỉ tốn kém, mà còn gặp nhiều khó khăn do các tình huống bất tiện phát sinh.
"Suốt nhiều năm qua, chưa bao giờ mình cảm thấy đi máy bay là chuyện khó khăn như hiện tại", L.A chia sẻ với Zing.
Nhiều chi phí phát sinh
L.A cho biết cô và người yêu phải chia xa do dịch bệnh bùng phát. Khi đó, L.A trở về nhà bố mẹ ở Hải Phòng tránh dịch.
Khi TP.HCM nới lỏng quy định giãn cách, cả hai đã lên kế hoạch để L.A bay từ Hà Nội vào TP.HCM gặp lại nhau trong thời gian sớm nhất do chưa có đường bay thẳng từ Hải Phòng vào thời điểm đó.
Mở ứng dụng đặt vé, L.A nhanh chóng mua vé bay ngày 4/10 của hãng Vietnam Airlines. Cô cần có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV trong 72 giờ trước ngày khởi hành, tiêm đủ vaccine.
Biết rằng đây là quy định phù hợp trước tình hình hiện tại, L.A lập tức đi xét nghiệm vào ngày 1/10 với tâm trạng háo hức.
Tuy nhiên, đúng lúc đó, cô nhận email thông báo chuyến bay bị hủy bỏ vì dịch bệnh.
"Ở địa phương mình chưa có nhiều cơ sở đủ điều kiện xét nghiệm nên mình phải chạy xe 20 km lên bệnh viện lớn. Nghe tin chuyến bay bị hủy, mình lại quay về. Cũng may lúc đó chưa kịp làm xét nghiệm, nếu không mình càng thêm buồn bực", L.A nói.
|
Sân bay Nội Bài vắng vẻ, các cửa tiệm bị che kín trong ngày 11/10 khi L.A. khởi hành vào TP.HCM.
|
Sau đó, L.A gửi email yêu cầu hãng bay hoàn phí và được thông báo rằng phải chờ tới tháng 1/2022 mới có thể nhận lại tiền.
Cô cũng được nhân viên hướng dẫn đặt vé sớm nhất để vào TP.HCM ngày 11/10. Dù lại chờ thêm một tuần, L.A đành chấp nhận vì không còn sự lựa chọn nào.
3 ngày trước hôm khởi hành dự kiến, cô chủ động gọi điện lên hãng hỏi về lịch trình để kịp đi xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, hãng bay chưa có quyết định chính thức và hẹn sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất.
Dù lo sợ chuyến bay sẽ phải dời lại lần thứ 2, cô vẫn lặn lội đường xa, đội mưa lên bệnh viện lớn làm xét nghiệm RT-PCR.
|
Chỉ đến khi ngồi trên máy bay, L.A mới có thể thở phào nhẹ nhõm và nghĩ về cảnh gặp lại bạn trai.
|
"Ngày 10/10, khi chính phủ họp để đưa ra quyết định cho phép bay thương mại từ Hà Nội vào TP.HCM, mình theo dõi diễn biến không chệch phút nào. Thật may mắn khi đến ngày 11/10, chuyến bay của mình vẫn có thể khởi hành như dự kiến”, L.A kể lại.
Vừa vui mừng vì có thể bay vào TP.HCM, L.A tiếp tục đối mặt khó khăn khác: không có xe khách di chuyển từ Hải Phòng lên sân bay Nội Bài.
Vì thế, cô buộc phải thuê ôtô tư nhân với giá 2 triệu đồng.
“Mình mua vé máy bay hết 3,5 triệu đồng, thuê ôtô 2 triệu đồng, xét nghiệm Covid-19 260.000 đồng và thêm nhiều chi phí phát sinh khác. Mình phải trả số tiền cao gấp 7 lần bình thường để mua vé bay, vì trước đây có thể chỉ tốn 500.000 đồng bởi săn được vé giá rẻ”, cô cho hay.
Vẫn muốn về nhà
Khi máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài ngày 19/10, Trần Lê Ngọc Thắng (28 tuổi) như trút được nỗi lo trong lòng. Hơn một tuần trước, anh tất bật tìm cách đặt vé, chuẩn bị cho hành trình từ TP.HCM về Hà Nội sau gần nửa năm xa nhà.
Chia sẻ với Zing, Ngọc Thắng cho biết anh đặt vé về vì mục đích công việc và đoàn tụ cùng gia đình.
"Cuối tháng 10, mình có một dự án ở Hà Nội nên muốn đặt vé về sớm để cách ly tại nhà và chuẩn bị tinh thần. Dù chưa biết kế hoạch sẽ thay đổi ra sao, mình vẫn coi chuyến đi này là cơ hội để về thăm nhà sau nhiều tháng", anh kể.
Đối với Ngọc Thắng, điều khiến anh lo lắng không phải quy định tự cách ly, mà là quá trình đặt vé bay.
|
Ngọc Thắng trở về nhà thăm gia đình sau nửa năm làm việc tại TP.HCM.
|
"Mình nhờ được một người bạn làm ở đại lý bán vé canh giúp, tự tra cứu thông tin ở các nguồn để nắm quy định mới. Mình rút kinh nghiệm rằng cứ gọi thẳng cho đơn vị Kiểm dịch Y tế ở sân bay để biết chuẩn bị những gì", Ngọc Thắng nói.
Chi phí cho chuyến bay từ TP.HCM về Hà Nội mà anh phải trả là hơn 3,6 triệu đồng. Anh nói mức giá này cao hơn trước dịch, nhưng vẫn chấp nhận bỏ tiền vì không muốn trễ các dự án cá nhân.
Ngồi trên chuyến bay về nhà, Ngọc Thắng có chút bồn chồn do tình hình dịch bệnh ở 2 thành phố còn phức tạp.
"Mình lo chuyến bay sẽ có F0, bản thân vô tình lây nhiễm rồi mang dịch về nhà. Vì đó, mình càng thêm cẩn thận suốt chặng bay", anh nói.
Sau 5 ngày tự cách ly ở nhà, sức khỏe của Ngọc Thắng vẫn ổn định. Anh chỉ ở trong phòng, hạn chế tiếp xúc với người thân và tập thể dục. Trong lúc đó, anh đã sắp xếp lịch làm việc, gặp gỡ bạn bè, người thân sau thời gian dài xa cách.
|
Thảo Linh bỏ chi phí gấp đôi so với ban đầu để đổi vé máy bay, tuy nhiên vẫn chấp nhận.
|
Cùng ngày, Trần Thảo Linh (19 tuổi) cũng lên chuyến bay từ TP.HCM trở về Hà Nội sau nhiều tháng xa nhà.
Trước đó, cô đến TP.HCM học tập và dự định đặt vé về Hà Nội từ cuối tháng 5, rồi đi ôtô về nhà ở Thái Nguyên.
Song, do dịch bệnh bùng phát, cô quyết định lùi ngày khởi hành để theo dõi tình hình.
Trái với suy nghĩ của Thảo Linh, chuyến bay vốn chỉ định lùi 1-2 tuần lại kéo dài hơn 4 tháng.
"Gia đình mình rất lo cho con gái ở một mình trong TP.HCM nên khi các chuyến bay thương mại hoạt động lại, cả nhà hối thúc mình về luôn. Trường mình vẫn tiếp tục học online nên về Thái Nguyên vào lúc này sẽ giúp mình tiết kiệm chi phí sinh hoạt", cô nói.
Khi liên hệ đổi ngày bay, Thảo Linh bất ngờ khi phải bù thêm nhiều tiền so với giá vé ban đầu. Từ giá gốc 1,5 triệu đồng, cô phải trả hơn 3,5 triệu đồng cho chiếc vé về nhà sau giãn cách.
Dù vậy, Thảo Linh vẫn chấp nhận bỏ tiền vì không thể chờ đợi lâu hơn.
“Ban đầu, mình cũng định chờ xem 1-2 tuần tới giá vé có hạ không, song giá cả có vẻ không thay đổi. Tình hình dịch còn phức tạp, mình muốn tranh thủ về nhà sớm để đoàn tụ với người thân".
Vừa xuống sân bay Nội Bài, Thảo Linh được bố mẹ đón bằng ôtô gia đình về Thái Nguyên. Gặp lại người thân sau nhiều tháng dịch bệnh, cô cảm thấy xúc động và may mắn vì có thể về nhà an toàn.
“Mình vẫn thực hiện cách ly tại nhà, còn khoảng 3-4 ngày nữa là hoàn tất. May mắn là sức khỏe mình vẫn ổn, nhưng sẽ không vội lên lịch gặp bạn bè, thăm họ hàng ngay mà sẽ đợi thêm ít hôm nữa”, Thảo Linh nói.