Cây sắn là loại cây quen thuộc được trồng để lấy củ ở các tỉnh trung du, miền núi. Tuy nhiên, ở một số địa phương đã tận dụng ngọn sắn, búp sắn non làm rau xanh ăn hàng ngày hoặc mang muối chua như dưa cải.
Từ loại rau “quê mùa” ít ai biết đến, những năm gần đây, dưa lá sắn lại trở thành món rau “lạ” được chị em khắp nơi đặt mua về thưởng thức với giá từ 45-50 nghìn đồng/kg.
Rau sắn muối chua trở thành món ăn được nhiều người yêu thích.
Chị Phạm Thị Thu, trú tại Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước đây, chị không hề biết lá sắn cũng có thể ăn được mà lại ăn ngon đến thế. Vì vậy, khi được mấy người sinh viên thuê trọ mang cho ăn thử thì khá bất ngờ.
“Tôi nhớ có một đợt mấy bạn sinh viên ở quê lên, xách cho 1 lọ dưa nhỏ, bảo là dưa lá sắn rồi hướng dẫn tôi cách nấu. Mới đầu tôi chỉ dám nấu thử một bát nhỏ, ai ngờ ngon quá, nghiện luôn. Lần nào các bạn ấy về quê tôi cũng nhờ mua bằng được lọ dưa lá sắn mang lên ăn dần”, chị Thu nói.
Theo chị Thu, dưa lá sắn có vị rất lạ, hợp nhất là mang nấu với cá. Sau khi nấu, dưa sắn có vị chua thanh thanh lại bùi bùi ăn rất đặc biệt, không hề giống với các loại dưa muối khác.
“Giờ gần nhà tôi có bạn mang dưa sắn từ Phú Thọ lên bán với giá 50 nghìn đồng/kg. Mỗi lần tôi toàn đặt vài cân cất tủ lạnh ăn dần vì không nhanh là hết mùa. Mấy chị em cùng công ty cũng thường xuyên nhờ đặt, ai cũng thích”, chị Thu chia sẻ.
Cũng là người rất thích món dưa lá sắn, chị Cao Thị Lan, trú tại Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mỗi lần mua được dưa lá sắn muối chua, chị như “bắt được vàng”.
Rau sắn muối chua ngon nhất là khi nấu với cá hoặc xương sườn lợn.
Chị Lan cho biết, quê chị ở Phú Thọ, ngày bé cũng thường xuyên được ăn món dưa lá sắn muối chua này vì nhà nào cũng trồng vài ruộng sắn lấy củ.
Sau khi thu hoạch, cây sắn được chất thành đống ở góc vườn rồi mọc ra những nhánh non. Người ta lấy nhánh non ấy để nấu ăn ngay hoặc muối thành dưa để sử dụng được lâu hơn.
“Ngày bé, nhà nào cũng có hũ dưa lá sắn muối để đi làm đồng về được con cá, con cua, con tép nào thì mang về nấu luôn. Cả mâm cơm không có sơn hào hải vị gì, có mỗi bát canh dưa lá sắn mà đứa nào đứa nấy ăn 2-3 bát không thấy no. Giờ mà mua được dưa lá sắn để nấu, chưa chín tôi cũng “ăn vụng” gần hết”, chị Lan kể.
Theo chị Lan, những năm gần đây, cây sắn có giá trị kinh tế thấp nên ít người trồng. Hơn nữa số lượng lớn đất đồi quê chị được quy hoạch thành khu công nghiệp hết, không còn trồng sắn nên muốn ăn dưa lá sắn phải đi mua với giá cao.
Hàng dưa sắn của chị Phan Anh làm không kịp bán.
Chị Phan Anh, trú tại Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, năm nay là năm thứ 5 chị bán dưa lá sắn tại Hà Nội. Vì vậy, chị đã có danh sách hơn 2.000 khách hàng thân thiết mua rau sắn muối chua, số lượng bán lên tới 1-3 tạ/ngày mà không cần mở cửa hàng hay đăng bài bán hàng trên chợ mạng.
“Mùa dưa lá sắn có từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Vào mùa, khách quen cứ thế liên lạc gọi điện, rau sắn chưa muối xong đã có người đặt hết với giá 45 nghìn đồng/kg ăn ngay, hoặc 50 nghìn đồng/kg dưa hút chân không. Nhiều khách ăn đến mức cả chục người luân phiên hái rau rồi muối cũng không đủ giao cho khách.
Mỗi ngày, chị Phan Anh bán được từ 1-3 tạ dưa sắn.
Theo chị Phan Anh, để có lượng rau đủ bán ra thị trường, chị phải nhờ người nhà đi thu mua lại cây sắn ở khu vực xung quanh rồi cắm tại mảnh đất rộng hơn 2.000 m2 của gia đình. Rau sắn nhà chị được cắt và tưới nước liên tục nên ngọn rất non và mập, khi muối không cần vò nục như rau sắn mọi người thường làm.
“Sau khi hái về sẽ mang ra rửa sạch rồi xếp gọn gàng vào vại, hòa muối với nước đun sôi để nguội rồi đổ ngập rau. Rau sắn sau khi muối được 3-5 ngày thì mang ra nấu nhừ với cá, tép hoặc xương sẽ có vị giòn giòn, ngọt ngọt xen kẽ vị chua thanh thanh, ngon lắm”, chị Phan Anh kể.