Giữa bối cảnh các công ty đã cắt giảm nhân sự hàng loạt, nhiều người trẻ cảm thấy khá rủi ro. Bởi trong trường hợp tệ nhất thuộc vào diện cắt giảm, thu nhập có thể sẽ trở về số 0 gây ảnh hưởng đến chi tiêu hàng ngày.
Vậy tại sao người trẻ vẫn quyết định sống nhờ làm công ăn lương?
Nhiều nỗi lo lắng trước bão sa thải
Cẩm Giang (sinh năm 1998, Marketing Specialist) chia sẻ nhiều công ty trên thế giới và ở Việt Nam đang sa thải hàng loạt nhân sự. Cô bạn rất hoang mang bởi công ty nằm trong ngành hàng rủi ro cao. Nếu bị rơi vào bão sa thải, Cẩm Giang sợ rằng không tìm kiếm được cơ hội mới nhanh nhất có thể. Những tâm lý và áp lực đó sẽ khiến cô bạn rơi vào những trạng thái rối loạn, áp lực cao độ và ảnh hưởng đến tương lai phía trước.
Còn trong câu chuyện tài chính, “Tuy chỉ có một nguồn thu nhập, trước đó mình đã có kế hoạch quản lý chi tiêu, gửi tiết kiệm nên mức độ lo lắng của mình không quá cao. Hiện tại, mình vẫn duy trì đều đặn việc gửi tiết kiệm trực tuyến sau khi nhận lương hàng tháng. Trong chi tiêu hằng ngày, mình cũng cắt giảm những khoản chi không cần thiết như ăn vặt, mua sắm quần áo”.
Bên cạnh đó, Chí Anh (sinh năm 1997, Digital marketer) đã từng rơi vào trạng thái hoang mang khi nghe về “bão sa thải”. Cậu bạn đã đặt rất nhiều trường hợp trong đầu về việc bản thân sẽ phải làm gì nếu rơi vào hoàn cảnh đó. Chẳng hạn, cuống cuồng kiếm việc hay dành thời gian cho những đam mê mà trước đây bản thân không có thời gian thực hiện.
“Mình rút ra rằng cách duy nhất để khiến bản thân bớt lo lắng chính là tiết kiệm. Từ đầu năm nay, mình đã bắt đầu gửi số tiền nhỏ vào tài khoản tiết kiệm để đề phòng cho trường hợp xấu nhất. Điều này khiến mình cảm thấy an tâm hơn, mình biết bản thân luôn có một khoản tiền để tiêu trong lúc đi kiếm công việc mới”.
|
Chí Anh |
Đa dạng thu nhập không phù hợp với tất cả mọi người
Có ý kiến cho rằng đa dạng thu nhập là cách tốt nhất để có thể hạn chế rủi ro trong bão sa thải. Tuy nhiên Chí Anh không cho là vậy, cậu bạn đã từng mở cửa hàng thời trang và đi làm văn phòng cùng một lúc vào năm 2020. Sau đó, Chí Anh cảm thấy khối lượng công việc quá nhiều để có thể làm tốt mọi thứ cùng một lúc và cũng thiếu kinh nghiệm trong việc vận hành cửa hàng. Đó là lý do Chí Anh quyết định dừng lại việc kinh doanh và tập trung vào công việc văn phòng để tích lũy kiến thức cũng như trải nghiệm.
Bên cạnh đó, Mai Thủy (sinh viên năm 3, làm quản lý cho studio ở TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh đa dạng thu nhập là ước mơ của phần lớn mọi người. Tuy nhiên, theo Mai Thủy, việc học chiếm phần lớn quỹ thời gian, do vậy chỉ làm công việc quản lý studio là khá hợp lý trong thời điểm này.
Mặt khác, dù luôn muốn đa dạng thu nhập, Cẩm Giang vẫn chỉ sống nhờ làm công ăn lương vì nhiều yếu tố. Đầu tiên, xét trên khía cạnh thời gian, cô bạn thường xuyên phải làm ngoài giờ và đi làm xa. Do vậy về nhà Cẩm Giang có rất ít thời gian dành cho những công việc khác.
“Tiếp theo là các nguồn thu nhập thụ động từ đầu tư, mình khá lo lắng khi nghĩ về lĩnh vực này vì không có nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Còn kinh doanh sẽ phát sinh những mối bận tâm về vốn, về thời gian, kinh nghiệm… Do vậy, hiện tại mình đang tập trung cho các mục tiêu về phát triển năng lực, kiến thức, gia tăng kinh nghiệm và thăng tiến trong lĩnh vực mình làm”.
Nhảy việc trong thời gian này có rất nhiều rủi ro
Theo Cẩm Giang, nhiều người nghĩ nhảy việc trong thời điểm này khá rủi ro vì tâm lý sau Tết, rất nhiều nhân sự muốn nhảy việc, thị trường lao động cạnh tranh hơn. Đồng thời, có một số công ty đang cắt giảm lương, sa thải dần nhân sự, cơ hội việc làm cũng thấp hơn. Khi nhảy qua một môi trường mới, bạn là người mới, nếu công ty rơi vào tình trạng bết bát trong kinh doanh, bạn dễ dàng vào diện bị sa thải.
“Tuy nhiên với những bạn đã nắm chắc được năng lực của mình ở đâu, thông tin về các công ty muốn xin vào và có kế hoạch rõ ràng cho nghỉ việc, chuyển việc, duy trì thời gian hiệu quả trong lúc tìm công việc với những sự rõ ràng, kế hoạch cụ thể, tìm một môi trường mới phù hợp sẽ dễ dàng hơn”.
Còn đối với Chí Anh, để cảm thấy an toàn hơn trong bão sa thải, từ khoá vàng chính là tiết kiệm. Trong thời buổi vật giá tăng nhanh, kiếm việc lại khó khăn, dành cho bản thân một khoản tích trữ là điều Chí Anh nghĩ mọi người nên có. Sau đó, có thể cắt bớt một số các khoản chi tiêu như mua ít quần áo, ăn ngoài, đi cafe, du lịch..
Trong 3 tháng gần đây, Mai Thủy tạm bỏ thói quen lướt các sàn thương mại điện tử, cũng như hoạch toán lại những gì bản thân đã chi trong năm qua. Cô bạn phát hiện có vài thói quen chi tiêu khá lãng phí. Chẳng hạn như, không nhất thiết phải mua quần áo mới khi trong tủ vẫn còn quần áo chưa mặc hay uống trà sữa hàng ngày. “Mình cũng gọi điện qua các ứng dụng để tiết kiệm hơn, không phải nạp cước nữa. Trong câu chuyện đi lại, mình đổi qua đi xe điện để tiện hơn”.