Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư của đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi - đang là tâm điểm "soi xét" của dư luận.
VEC được xem là "ông trùm" đường cao tốc tại Việt Nam khi giữ vai trò chủ đầu tư của hàng nghìn km đường cao tốc đã và đang triển khai khắp cả nước như cao tốc Nội Bài - Lào Cai (dài 245km), cao tốc Long Thành - Dầu Giây (55km), cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (56km, tổng mức đầu tư 8.974 tỷ; Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8km), hay dự án mới nhất được đưa vào sử dụng là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (140km) có tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng...
|
VEC được xem là "ông trùm" đường cao tốc tại Việt Nam. Ảnh: Zing. |
Được thành lập theo chủ trương thí điểm mô hình doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hoàn vốn trong lĩnh vực đường bộ cao tốc, Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động từ ngày 12/2/2004 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Nhiệm vụ của VEC là tiếp nhận, huy động các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn vay nước ngoài để xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia.
Về cơ chế hoàn vốn, VEC được thu phí trước tiên để hoàn phần vốn VEC vay và huy động, sau đó tiếp tục hoàn phần vốn Nhà nước cấp phát ODA, phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và để tái đầu tư các dự án mới.
Do đó, VEC vừa là chủ đầu tư, vừa trực tiếp triển khai thực hiện các dự án đường cao tốc, lại vừa thực hiện kinh doanh để thu hồi vốn.
Khoản nợ "khủng" của VEC
Theo báo cáo tài chính 2016, tính đến cuối năm 2016, VEC có tổng tài sản lên tới 77.300 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm giá trị từ tài sản cố định và tài sản dở dang là các tuyến đường cao tốc đã và đang xây dựng.
Tuy nhiên, VEC cũng phải gánh khoản nợ lên tới 34.500 tỷ đồng (hơn 9.000 tỷ đồng nợ ngắn hạn, hơn 25.500 tỷ đồng nợ dài hạn), chiếm 45% tổng nguồn vốn công ty.
Cũng trong năm 2016, VEC vay 1.388 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần so với số tiền công ty vay trong năm 2015.
|
Các khoản vay dài hạn của VEC tại thời điểm 31/12/2017. Ảnh: Dân Việt. |
Theo nguồn tin trên báo Dân Việt, việc huy động vốn của VEC áp dụng cơ chế vay lại các nguồn vốn vay thương mại của các tổ chức tài chính quốc tế như nguồn OCR (vốn vay thương mại) của Ngân hàng phát triển châu Á, nguồn IBRD (Ngân hàng quốc tế về tái thiết và phát triển) của World Bank và huy động vốn chủ sở hữu của VEC để thực hiện đầu tư dự án, được Chính phủ bảo lãnh khi vay vốn thương mại và khi phát hành trái phiếu công trình…
Trong đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ABD) được xem là chủ nợ lớn nhất của VEC với tổng dư nợ gốc (tính đến cuối năm 2017) là hơn 1,3 tỷ USD (gần 30.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, VEC còn vay 25.000 tỷ đồng từ Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và một số khoản vay khác đến từ World Bank.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2018, VEC dự kiến hoàn thành quyết toán dự án Cao tốc Nội Bài - Lào Cai; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; hoàn thành và đưa vào khai thác tạm đoạn tuyến WB tài trợ trong dự án Cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi; một phần Cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng sẽ hoàn thành...
Doanh thu năm nay đạt khoảng 3.397 tỷ đồng và thu về gần 366 tỷ lãi ròng sau thuế.
Công ty VEC cũng lên kế hoạch trả nợ trong và ngoài nước với tổng giá trị 1.933 tỷ đồng.
Dự án cao tốc của VEC đã từng xuất hiện lún, nứt
Đà Nẵng - Quảng Ngãi không phải dự án cao tốc đầu tiên do VEC triển khai gặp sự cố xuống cấp khi mới thông xe. Trước đó, Cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa đi vào khánh thành cũng từng xuất hiện vết lún, nứt. Bộ Giao thông vận tải phải yêu cầu VEC xử lý bù phụ mặt đường trong quá trình theo dõi chờ lún. Tổng công ty VEC cũng thừa nhận do công tác giám sát thi công còn hạn chế nên xuất hiện một số tồn tại.
Tương tự, dự án Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng từng bị Kiểm toán Nhà nước (thời gian kiểm toán từ 1/10/2013 tới 9/12/2013) chỉ ra hàng loạt vi phạm từ khâu lập và lựa chọn phương án thiết kế, công trình không đạt yêu cầu về kỹ thuật, thời gian lập dự án khả thi kéo dài... khiến dự án phải hai lần điều chỉnh với mức đầu tư tăng từ 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng (gần 2,5 lần).