Tại hội thảo, theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khu công nghiệp của Việt Nam đã được Nhà nước quan tâm và được coi là chính sách trọng điểm của Việt Nam, nhất là chủ trương kêu gọi đầu tư nhằm phát triển nền kinh tế mở.
|
Các khu công nghiệp của Việt Nam đã được Nhà nước quan tâm và được coi là chính sách trọng điểm của Việt Nam. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, chất thị trường trong phát triển các khu công nghiệp Việt Nam còn ít, thiếu việc khuyến khích các động lực từ thị trường. Các khu công nghiệp lớn không nhiều và thiếu các hạ tầng đủ để phát triển các công nghiệp trọng điểm, thiếu các dịch vụ hiện đại nên khó thu hút được các nhà đầu tư lớn từ Âu - Mỹ.
Chủ trương tích hợp các khu công nghiệp với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm, gây ra tình trạng thiếu sức sống cho các khu công nghiệp.
Sự phát triển của các khu công nghệ cao không được chú trọng như một trọng điểm nên các khu công nghiệp không kết nối được với các hoạt động công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ đã đưa ra dẫn chứng về một khu công nghiệp tại Thượng Hải SHXIP (Trung Quốc) có 96 Trung tâm nghiên cứu phát triển, tỷ lệ các nhà đầu tư Âu- Mỹ là 50%.
Đồng thời tại SHXIP còn dành diện tích đất cho đầu tư logistics, khách sạn, trường học, nhà cho công nhân và chuyên gia ở… Trong khi hầu như các khu chế xuất, khu công nghiệp ở Việt Nam chưa có những tiện ích này.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), các nhà đầu tư nước ngoài đang chú trọng đầu tư vào Việt Nam hơn trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng, trước chuyển biến của dịch bệnh, địa chính trị.
|
Các nhà đầu tư nước ngoài đang chú trọng đầu tư vào Việt Nam hơn trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Nguồn internet |
Việt Nam cần phải cải cách thể chế nhiều hơn, có giải pháp nâng cấp dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), TPHCM là một trong những địa phương có lượng thu hút vốn FDI cao nhất với gần 11 ngàn dự án và tổng vốn đầu tư đạt gần 54 tỷ đô.
Hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế dần phục hồi và đi vào ổn định sau Covid-19, nhà đầu tư vẫn còn gặp một số những vấn đề hạn chế và phát sinh khi đầu tư vào KCN, KCX.
Do vậy các KCN, KCX nói chung cần phải có những phương án, chính sách cải thiện nhằm giúp cho các nhà đầu tư thuận lợi hơn trong việc triển khai dự án.
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, các khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay chủ yếu được phân bổ mạnh nhất tập trung tại khu vực Đông Nam Bộ, bao gồm TPHCM.
Nếu như trước căng thẳng Mỹ - Trung, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp Việt Nam chỉ khoảng 50%. Do nhu cầu chuyển dịch cung ứng, tỷ lệ lấp đầy KCN tại Việt Nam tăng lên khoảng 60%, những nơi năng động như Đông Nam Bộ, trong đó có TPHCM, tỷ lệ lấp đầy có thể lên đến 70%.
Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 335 khu công nghiệp. Trong đó, 260 KCN đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, cả nước hiện có 17 Khu kinh tế (KKT) được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 850 nghìn ha.
Các KCN, KKT trên cả nước đã thu hút được 9.784 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 194,69 tỷ USD, vốn thực hiện 109,79 tỷ USD; 1.387 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 1.461 tỷ đồng, vốn thực hiện 533 tỷ đồng.
Các dự án đầu tư trong KCN, KKT đóng góp khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020; đóng góp 11,7% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2018…
>>> Mời độc giả xem thêm video Ưu đãi về thuế để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô: