Cây lộc vừng cổ thụ ở cuối bản Tỉn Pù, xã Quang Phong, Quế Phong, Nghệ An được một đại gia trả giá nửa tỷ đồng nhưng dân bản vẫn không bán. Họ chỉ đồng ý ‘đổi’ cây với điều kiện người mua phải mở rộng con đường dài 1km.
Cuối bản Tỉn Pù, xã Quang Phong, Quế Phong, Nghệ An có một cây lộc vừng cổ thụ đứng sừng sững. Cây cao gần 20m, chu vi gốc 320cm, đường kính 1,6m. Gốc cây xù xì và đã rỗng ruột theo thời gian.
Phía thân trên cây lộc vừng có nhiều nhánh đan xen với nhau che kín cả toàn thân. Vào khoảng tháng 4, hoa lộc vừng sẽ nở rực rỡ từng chùm đỏ thắm.
Phần dưới thân cây có nhiều u bạnh, lồi, lõm
Ông Lang Văn Anh, Trưởng bản Tỉn Pù cho biết, không ai trong bản biết chính xác cây lộc vừng này có từ bao giờ, chỉ biết từ khi sinh ra đã thấy cây sừng sững như thế này rồi. Trưởng bản Tỉn Pù cho biết, đã có nhiều tay buôn cây cảnh tìm đến bản hỏi mua cây lộc vừng, trả giá cao nhưng bà con dân bản quyết không bán.
“Mấy năm trước, có người đến hỏi mua và trả giá 500 triệu đồng. Dân bản họp bàn và quyết chỉ đồng ý ‘đổi’ cây lộc vừng với điều kiện người mua phải mở rộng con đường 1km từ Quốc lộ 48D vào bản, để thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Ban đầu, họ đồng ý nhưng do vướng việc đền bù mặt bằng liên quan đến mở rộng đường nên sau đó thỏa thuận không thành, vị khách cũng chưa thấy quay lại”, Trưởng bản Tỉn Pù Lang Văn Anh chia sẻ.
Gốc cây rỗng ruột theo thời gian.
Mặc dù bị rỗng ruột, nhưng cây lộc vừng cổ thụ này vẫn sống xanh tốt, nhiều cành đâm ra tua tủa, khẳng định sức sống mãnh liệt.
Từ thân cây, đâm ra những lộc non mơn mởn
Để nói chính xác tuổi cây là bao nhiêu không ai dám chắc, nhưng người dân đều cho rằng cây này đã trên trăm tuổi.
Đối với dân chơi cây cảnh, lộc vừng cổ thụ được xem là loại cây quý. Người chơi cây quan niệm lộc vừng sẽ “phát lộc” cho gia chủ, với một năm mới đầy tài lộc, may mắn.