Theo sử sách ghi lại, cây bồ đề được trồng trong khuôn viên di tích chính là cây con của Bồ Đề bảo thụ tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ. Truyền thuyết Phật giáo kể rằng: khoảng 600 năm trước Tây lịch, thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha Gautama) khi đó là một nhà tu hành theo hạnh khất thực.
Đến bờ sông Falgu, Ngài tọa thiền dưới bóng một cây cổ thụ. Sau này, Ngài thiền định đạt chánh quả, nơi ấy được gọi là Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng). Cây cổ thụ có tên bồ đề (Ficus religiosa; MahaBodhi - nghĩa là tỉnh thức, đại giác ngộ).
|
Cây bồ đề xanh um trong khuôn viên Bồ đề đạo tràng TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. |
Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ trở thành nơi quan trọng nhất của Phật giáo, trong số Phật tích hiếm hoi còn lưu giữ. Một phần của cây bồ đề ấy lại có chuyến du hành thú vị đến Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Có và Nguyễn Thị Hai (đại diện Hội Thông Thiên học Việt Nam) qua Adyar (Madras) dự lễ kỷ niệm thành lập Hội Thông Thiên học vào ngày 24-12-1950. Đức Jinara Jadasa, Hội trưởng Hội Thông Thiên học Quốc tế tại Ấn Độ, đã giao tặng cây bồ đề nhỏ cho bà Hai. Sau khi bà trở về Sài Gòn, cây bồ đề được đặt tạm nơi đây.
Hương chức hội tề làng Châu Phú đã cùng viết “Tờ bàn nghị” vào ngày 12-2-1952, yêu cầu nhà chức trách tỉnh cho phép trồng cây bồ đề như là một “Quốc bảo”. Không lâu sau, Hội Thiên Thông học Việt Nam đã hiến cây bồ đề cho tỉnh Châu Đốc.
Trước khi trồng cây bồ đề, mọi người tổ chức xe hoa, rước cây đi khắp vùng. Ngày 9-5-1952, lễ hạ thổ chính thức diễn ra. Hạ thổ xong, phật tử dùng sữa tươi tưới cây. Chẳng bao lâu, bồ đề vươn lên 4 tược xanh tốt. Nhiều người khẳng định, đó là 4 chân lý (Tứ Diệu đế) mà Phật Thích Ca đã giác ngộ sau khi thăm các cửa thành Ca Tỳ La Vệ.
Do công lao của bà Nguyễn Thị Hai cùng nhiều vị khác, Bồ Đề Đạo Tràng được thành lập cùng năm 1952, được cấp khu đất khá rộng cho Bồ Đề Đạo Tràng làm trụ sở, đối diện chợ Châu Đốc.
|
Ngọc xá lợi được đặt trang trọng trong tủ kính tại Bồ đề đạo tràng TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. |
Gắn bó với Bồ Đề Đạo Tràng nhiều năm nay, bà Nguyễn Ngọc Hạnh (63 tuổi) kể lại: “Đầu thập niên 90, cây bồ đề có dấu hiệu bị hư tổn. Lá cây héo, rụng dần, không còn sức sống. Nhiều chuyên gia, người am hiểu về thực vật đã được mời đến xem xét, kiểm tra, nhưng không có cách khắc phục. Họ cho rằng, cây đã chết từ gốc.
Không bỏ cuộc, các phật tử đóng góp kinh phí nuôi dưỡng, chăm sóc cây. Không ngờ, sau đó ít lâu, cây bỗng dưng mọc ra lá non xanh, sống tốt cho đến ngày nay. Người dân địa phương vui mừng, tin tưởng rằng đó là dấu hiệu tốt, thể hiện sự linh thiêng của Phật. Ngày ngày, nhiều lượt khách đến cúng bái, chiêm ngưỡng cây bồ đề, nhất là rằm tháng giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 (âm lịch) hàng năm”.
Ngọc xá lợi được đựng trong chiếc hộp, bảo quản cẩn thận trong tủ kính. Nguồn gốc của xá lợi do Thượng tọa Kim Quang thỉnh từ Ấn Độ về ngày 17-8-1991, để tặng cho đạo hữu Nguyễn Văn Phi và Nguyễn Thị Tuyết.
Gia đình này đã cúng dường xá lợi cho Hội Bồ Đề Đạo Tràng. Đến năm 2000, thân nhân của ông Trương Hưng (cố vấn, thành viên của Bồ Đề Đạo Tràng Châu Đốc) có dịp đi Ấn Độ chiêm bái Bodh Gaya. Tại cội bồ đề linh thiêng, ông đã kính thỉnh nhúm đất nơi gốc cây này, đem về đựng trong bảo tháp tại Bồ Đề Đạo Tràng.
Cùng với kiến trúc độc đáo, tinh xảo, Bồ Đề Đạo Tràng bình yên tọa lạc ở phường Châu Phú A, chứng kiến bao thăng trầm lịch sử. Bản thân di tích mang trong lòng nhiều bảo vật quý giá, ngày qua ngày càng thêm phần ý nghĩa, hòa quyện văn hóa tâm linh Đông - Tây.
Bồ Đề Đạo Tràng là hội của các phật tử tự tu, tự giác và tự chứng, tu tại gia, tụ họp lại tu theo giáo lý Phật Thích Ca, là thành viên của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây vừa là danh thắng của Châu Đốc, vừa là di tích quý hiếm ở Việt Nam.