Chợ hoa Quảng An (Tây Hồ - Hà Nội) nổi tiếng là chợ đầu mối hoa tươi lớn nhất Hà Nội. Ở đây luôn tấp nập người mua - kẻ bán từ 3h sáng tới 11h trưa. Nhịp sống về đêm sôi động trở thành một “đặc sản” mà bất kỳ ai cũng nhớ tới khi nhắc về chợ hoa này.
Tuy nhiên, thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ không cần thiết phải tạm đóng cửa đã khiến chợ hoa Quảng An lần đầu tiên trong hàng chục năm buộc phải tạm dừng hoạt động.
Chợ hoa Quảng An nằm im lìm sau rào chắn, đây là cảnh tượng chưa từng thấy trong hàng chục năm.
Hơn 200 quầy hoa lớn nhỏ chấp nhận đóng cửa để chung tay phòng chống dịch COVID-19.
Trước đây, mỗi ngày chợ hoa đầu mối có hơn 200 quầy hàng lớn nhỏ và là nơi giao thương của hàng nghìn tiểu thương ở Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Đây cũng là nơi tiêu thụ và cung cấp hoa tươi số lượng lớn trên khắp cả nước.
Vì vậy, việc chợ hoa Quảng An tạm đóng cửa kéo theo tình trạng nhiều người lao động mất việc, người kinh doanh sụt giảm doanh thu và bao nhiêu nông dân trồng hoa rơi vào cảnh “hoa cười người khóc”.
Những quầy hoa trống trơn trở thành nơi để… hoa héo.
Chị Bích Loan (34 tuổi, một người kinh doanh hoa tươi ở chợ hoa Quảng Bá) cho biết chợ hoa bắt đầu vắng vẻ từ giữa tháng 3, khi đó chưa có lệnh cấm nhưng do có thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 nên người dân hạn chế ra đường. Ít người mua hoa nên tiểu thương tới nhập hoa cũng ít, thời gian này doanh thu của quán chị Loan giảm từ 50 – 70% so với 3 tháng trước đó.
Khung cảnh ngổng ngang bên trong chợ hoa lớn nhất Hà Nội
Sau khi tạm dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh ở chợ hoa, số lượng hoa cũ chưa tiêu thụ được tiểu thương chọn lọc đưa vào phòng giữ lạnh để bảo quản. Những loại hoa được ưu tiên như: hoa ly; các loại hoa lan; và một số loại hoa nhập từ nước ngoài. Vì là giống hoa đắt tiền, có tuổi thọ kéo dài, có thể sống tốt trong môi trường bảo quản lạnh sau đó mang ra bán vẫn cho hoa nở những bông đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, những loại hoa thời vụ, ngắn ngày như hoa cúc, hồng Tây Tựu, hồng Đà Lạt, hoa loa kèn… được bán online giá rẻ để tiêu thụ nhanh, số còn lại tiểu thương đành ngậm ngùi vứt bỏ.
Nhiều cửa hàng vẫn duy trì hoạt động kinh doanh bằng việc bán hoa online.
Hoa hồng là loại hoa khó bảo quản nhất, nếu bảo quản được qua thời gian cách ly xã hội thì khi bán cũng không được giá cao như trước.
Chị Nhật, một người chuyên bán buôn hoa tươi ở chợ Quảng An, chia sẻ: “Hơn 1 tháng nay, cửa hàng tôi đã vứt bỏ hàng nghìn bông hoa không thể tiêu thụ. Trong đó, nhiều nhất là hoa hồng, cúc và một số loại hoa; lá điểm cành nhỏ… Số hoa này được nhập để bán buôn cho khách ở Bắc Ninh và Phú Thọ nhưng vì tình hình dịch bệnh nên 2 bên phải chấp nhận thua lỗi chung. Nếu tình trạng này còn kéo dài có thể thua lỗi tới vài chục triệu".
Cứ 3 ngày chọn lọc hoa một lần lại phải bỏ đi hàng trăm bông hoa không tiêu thụ được.
Những cành hoa lê trắng trước kia được bán với giá vài trăm nghìn nay chịu cảnh héo khô ngoài đường.
Hoa tươi không phải mặt hàng kinh doanh đắt đỏ song lại là mặt hàng có tính thời vụ, cần thu hoạch và tiêu thụ trong thời gian ngắn. Hầu hết hoa tươi đã được thu hoạch thời điểm này đều được nông dân trồng trước đó vài tháng, thậm chí một năm với kỳ vọng về một vụ mùa bội thu.
Khung cảnh quen thuộc trước đây của chợ hoa Quảng An (Ảnh chụp tháng 4/2019)
Mỗi ngày trôi qua lại có một số lượng nhỏ hoa bắt đầu “xuống sắc” và thường cứ 3 ngày sẽ phải chọn lọc một lần để bỏ đi vài trăm bông hoa hỏng. Tuy nhiên, thời điểm này các tiểu thương kinh doanh hoa tươi ở Quảng An chỉ biết cố gắng duy trì số lượng hoa đang bảo quản đợi tới ngày chợ hoa trở lại hoạt động.