Bí mật của cây cầu mang tên “Đồng Ràng”
“Cánh đồng vàng” là chuyện có thật ở ấp Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Những gì ông Sáu Lý đã chứng kiến đúng là “một gia tài vàng khủng khiếp” trên cánh đồng hàng chục mẫu. Có người tìm được đồ vật như chiếc vương miện vàng, gọng tròn như đầu ngón tay, đường kính khoảng 20cm. Lại có một chàng trai đào thấy nải chuối vàng, mỗi quả là một miếng vàng dát mỏng, gia công rất khéo.
Về đây mới biết, dù chuyện xảy ra hơn 30 năm trước, nhưng từ người già đến trẻ nhỏ ai nấy đều có thể kể vanh vách như chuyện mới xảy ra hôm qua.
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, từ trung tâm xã Vĩnh Đại, chúng tôi chạy dọc theo con đường bê tông đang làm dở hướng về cánh đồng vàng huyền thoại. Trên đường đi, gặp bà Nguyền Thị Huệ (51 tuổi), bà vui vẻ chỉ dẫn: “Các chú cứ đi thẳng, gặp cây cầu Đồng Ràng, nhìn sang tay trái là thấy rồi. Cả một vùng đất bao la ấy, xưa kia cả vùng quê này đều ra đó “mò” vàng. Tôi cũng được mấy chỉ đây này, đó là kém may mắn thôi, chứ người khác thì được nhiều lắm”.
|
20 năm về trước, những nải chuối vàng được người dân ấp Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, tìm thấy (hình minh họa) |
Đồng Ràng là cách nói láy của Đồng Vàng. Nơi đây, sau hơn 20 năm, mọi dấu tích xưa của cánh đồng vàng đã hoàn toàn biến mất. Giờ đây, nó cũng như bao cánh đồng khác ở Long An, người dân đang khẩn trương chuẩn bị cho vụ mùa mới.
Gặp chúng tôi ngay dưới chân cầu, một lão nông vui vẻ gọi lại: “Các chú cứ gửi xe ở đây, rồi đi bộ tầm cây số nữa là tới, chứ xe máy đi là lao xuống ruộng đó. Cánh đồng này rộng, nhưng trung tâm có vàng chỉ chừng hơn chục mẫu gần nhà ông Sáu Lý thôi. Nghỉ ngơi đã rồi hãy đi tới đó”. Người đàn ông tốt bụng này tên là Lâm, hơn 60 tuổi, ông vẫn còn nhớ như in những cánh đồng vào mùa “thu hoạch vàng”.
Ông kể, nơi đây xưa kia có nông trường Lúa Vàng, mọi người đều là công nhân làm việc cho nông trường. Đất đai nơi đây vốn cằn cỗi, dân cư thưa thớt, việc cày cấy lúa còn phụ thuộc vào nguồn nước nên mỗi năm chỉ có một vụ. Lúc mới phát hiện vàng, cánh đồng là vùng đất đã bị bỏ hoang nhiều năm do đất xấu. Hơn chục mẫu ruộng trở thành rừng tràm, cấy cối đâm mọc từng bụi lớn khiến trẻ con khiếp sợ không dám bén bảng.
Bỗng một ngày, cả ấp kháo tin có người chăn trâu vô tình nhặt được cục vàng lớn, thế là già trẻ khắp vùng kéo nhau về. “Đó là khoảng đầu những năm 80, tôi khi ấy đang phát cỏ ngoài ruộng thì cậu bạn ghé tai thì thầm rằng cánh đồng kế nhà chứa vàng. Mới đầu cũng không tin, nhưng khi chạy ra thì thấy vài chục người đang đào xới, phá tràm phát cỏ tìm vàng rồi. Từ khi ấy cả ấp đua nhau tìm kiếm, sáng đêm không khi nào ngớt tiếng người cười nói, đuốc sáng rực nơi góc rừng âm u” – ông Lâm Hơn nhớ lại.
|
Cánh đồng vàng năm xưa khiến hàng ngàn người dân đổ xô về tìm vàng. |
Tạm chia tay người đàn ông xứ miệt vườn tốt bụng, chúng tôi rảo bước tiến về trung tâm cánh đồng vàng kì bí. Ông Trần Văn Thêm, 55 tuổi, kể lại, nhà ông ở đây đã mấy chục năm rồi, ai tầm tuổi như tui cũng từng kinh qua những tháng ngày lăn lóc, xì xụp đất bùn tìm vàng ngay giữa cánh đồng này. Tuy nhiên, ông nói muốn tìm hiểu về “cánh đồng vàng” thì nhất quyết phải đến nhà ông Sáu Lý, vì mảnh đất nhà ông ấy ở chính là trung tâm bãi vàng năm ấy, và chính ông cũng đã từng sống chết với thứ “lộc trời” này.
Quê nghèo hóa “phố vui”
Căn nhà ông Sáu Lý ẩn khuất sau rặng tràm cao vút, im ắng lạ thường. Ông Sáu Lý dáng người khẳng khiu, cười nồng hậu: “Chuyện đã qua hơn 20 năm, nhưng ký ức về quãng thời gian mò vàng ấy vẫn luôn hiện diện trong tôi mỗi ngày”.
Ông Sáu Lý kể lại, chiều đó ông đang hái rau muống sau nhà bỗng thấy nhóm người lạ quanh quẩn ngoài cánh đồng hoang tìm kiếm thứ gì đó rất bí hiểm. Hỏi mãi thì một người phụ nữ mới bật mí là tìm vàng. Chuyện này đối với ông thật không thể nào tin được, nhưng khi họ chìa miếng vàng nhỏ như hình ốc vít tán mỏng ra trước mặt, ông mới thực sự bàng hoàng. Từ đời cha ông sống và làm việc trên mảnh đất này, xưa nay ông chưa hề thấy gì ngoài đám cây cối um tùm, mùa mưa thì nước ngập, thế mà giờ lại thấy vàng thì thật lạ lùng.
|
Ông Trần Văn Thêm nói về lịch sử hậu vận cánh đồng vàng năm xưa. |
Kể từ đó, cả gia đình ông ngày ngày tìm kiếm và những thành quả đầu tiên khiến ai nấy ngỡ ngàng. “Tôi cũng như một vài người, chọn chỗ đất mềm xấn thử rồi cho nước vào sang cho dễ. Tay đang bóp đất thì tôi khựng lại, người nóng ran, trong lòng bàn tay có một thứ gì rất cứng, nặng khác thường. Rửa tay rồi mang tới thợ bạc kiểm tra, họ nói là vàng và đề nghị mua luôn. Lúc ấy tôi mới thực sự tin là mảnh đất này có vàng thật, nên bỏ hết mọi việc đi tìm vàng”, ông Lý nhớ lại.
Thời gian đầu chỉ một vài hộ dân biết chuyện, tò mò cũng ra mò mẫm cầu may. Không ngờ ai cũng thấy vàng, người ít, kẻ nhiều, họ mừng rỡ la hét khiến không ai có thể ngồi im được. Tin đồn vang xa, chỉ vài tháng sau, đã có cả ngàn người tập trung về ấp Vĩnh Ân tìm kiếm. Ông Sáu nói: “Chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh tượng như thế. Không chỉ cư dân nơi đây mà dân tứ xứ từ các vùng Long Xuyên, Đồng Tháp Mười… đổ đến ngày một đông, không kể xiết. Người có ghe, thuyền thì tập trung một chỗ, kéo dài hết con kênh 62, tích trữ đồ ăn, nhiên liệu đến cả tháng. Số còn lại tập trung thành từng nhóm, dựng lều trại cả trăm chiếc, chật kín cánh đồng vài chục mẫu của nông trường Lúa Vàng. Không những thế, dân thương lái từ khắp nơi hay tin cũng kéo về, làm cửa hàng mua bán vàng ngay khi người dân đào được. Vùng quê nghèo bỗng chốc nhộn nhịp, đông vui hơn bao giờ hết”.
Mỗi ngày, số người đổ về càng đông hơn, các khu chợ được lập nên buôn bán đủ loại mặt hàng. Từ đồ ăn đến dụng cụ “khai thác” và như chảo khoắng, sạp đãi, cuốc xẻng hay bất cứ thứ gì phục vụ cho quá trình tìm kiếm đều được phục vụ tận nơi. Dịch vụ vui chơi, giải trí từ thành phố tràn về khiến ai nấy không còn muốn về nhà, ngày đêm túc trực bên cánh đồng. Một số người “trúng mánh” mời bà con ăn uống hát hò suốt cả đêm, sáng hôm sau công việc lại đâu vào đấy. Đám thợ vàng túc trực ngay đầu ruộng, chỉ chờ người cầm vàng chạy ra là ra giá mua luôn khiến nơi đây không khác gì một khu chợ sầm uất. Đến bây giờ, ông và bà con trong vùng vẫn còn nuối tiếc khi nhắc lại quãng thời gian huy hoàng ấy.