Cần xem tăng giá điện đã đúng các quyết định của Thủ tướng chưa?

Google News

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vấn đề tăng giá điện “đơn giản”, vì Thủ tướng đã có quyết định về khung và lộ trình tăng giá điện và cơ chế tính giá điện cũng đã có.
 

Ngày 8/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 34, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 trên cơ sở báo cáo của Chính phủ. Nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu là những vấn đề liên quan đến việc tăng giá điện, xăng vừa qua.
Tăng giá điện đúng thời điểm phải dùng nhiều nhất
Liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, giá dịch vụ công trong năm nay tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá, gây quan ngại về áp lực lạm phát các quý tiếp theo và cả năm 2019. “Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc tăng giá này đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội”, ông Thanh cho hay.
Đề cập đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, dư luận và cử tri bức xúc về việc tăng giá xăng, giá điện, đồng thời cũng hoan nghênh Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương kiểm tra, làm rõ. Theo bà Nga, lâu nay dư luận vẫn hoài nghi về tính minh bạch trong quản lý điện và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Do đó, Chính phủ cần kiểm tra để giải đáp cho dư luận, cử tri.
Can xem tang gia dien da dung cac quyet dinh cua Thu tuong chua?
Việc tăng giá điện thời gian vừa qua khiến dư luận bức xúc, đề nghị cần minh bạch trong việc xác định giá điện. ảnh: hồng vĩnh 
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, nhiều vấn đề cần giải trình rõ như: Cơ sở tăng giá điện; trong cơ cấu giá điện thì cái nào hợp lý cái nào không hợp lý; phương pháp tính giá điện bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt có phù hợp với giai đoạn hiện nay nữa không? Có phải trên thế giới càng dùng nhiều điện giá càng cao hay không?... Bên cạnh đó, bà cũng đề nghị kiểm tra và trả lời để dư luận rõ, tại sao lại tăng giá điện vào thời điểm nắng nóng người dân phải dùng nhiều điện nhất?
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vấn đề tăng giá điện “đơn giản”, vì Thủ tướng đã có quyết định về khung và lộ trình tăng giá điện và cơ chế tính giá điện cũng đã có. Do vậy, vấn đề hiện nay là xem điều hành giá điện có đúng các quyết định đã được Thủ tướng ban hành hay không, để công bố cho nhân dân yên tâm.
“Đi tiếp xúc cử tri, tôi nói chắc chắn việc tăng giá này Bộ Công Thương phải thực hiện theo đúng cơ chế và báo cáo Chính phủ, chứ làm sao Bộ Công Thương dám làm hay một mình EVN tự làm được?”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng, Chính phủ phải lên tiếng giải thích, xem đã làm đúng hay không chứ không chỉ là công bố thành lập đoàn thanh tra.
Sẽ khiến hàng hóa lập mặt bằng giá mới
Các chuyên gia kinh tế nhận định, sau chu kỳ 3-6 tháng, việc tăng giá xăng dầu, tăng giá điện sẽ tác động đầy đủ lên giá hàng hoá. Lúc này, hàng hoá trên thị trường sẽ lập mặt bằng giá mới, từ đó tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, tăng giá điện, xăng dầu tác động tới giá cả hàng hoá qua nhiều vòng. Giá xăng dầu tác động đến phí vận tải. Trong khi đó, mọi hoạt động sản xuất của người dân đều chịu tác động của giá điện, như ngành thép, điện chiếm tới 30% giá thành sản xuất.
“Việc tăng giá 2 mặt hàng cơ bản này sẽ làm nâng chỉ số lạm phát năm 2019. Nó sẽ khiến giá cả các mặt hàng sau đó tăng giá, thậm chí mớ rau quả trứng cũng phải chịu tác động từ phí vận tải. Sau chu kỳ 3-6 tháng, việc tăng giá xăng dầu, điện sẽ tác động đầy đủ lên giá hàng hoá, trên thị trường lập mặt bằng giá mới”, ông Doanh cho biết.
Ông Doanh cho rằng, trước thực tế tăng giá 2 mặt hàng thiết yếu trên, cơ quan quản lý phải chú ý đến cung cầu hàng hoá trên thị trường để tránh việc lợi dụng khan hiếm hàng hoá tạm thời tại một thời điểm để nâng giá lên. Đồng thời, điều hành cung cầu để tránh việc tăng giá kiểu “tát nước theo mưa” dựa trên tăng giá điện và xăng dầu. Việc tăng giá điện vào tháng 3, thời điểm mùa nóng ở miền Nam và bắt đầu nắng nóng ở miền Bắc sẽ tác động vào chi phí của người dân. Điều này có thể làm tăng phần thu của ngành điện nhưng tăng chi phí của người dân khiến họ có phản ứng vào thời điểm mùa hè.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giá cả hàng hoá phụ thuộc tăng giá của xăng dầu, giá điện. Giá hàng hoá tiêu dùng tăng trong thời gian qua chủ yếu do tác động dây chuyền của tăng giá mặt hàng đầu vào xăng dầu, điện, không phải do nguồn cung thiếu. Với mục tiêu Quốc hội lạm phát dưới 4%, Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ chỉ đạo sát sao để điều hành chính sách từ tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, cung ứng tiền. Bộ Tài chính thực hiện công cụ thu chi; Bộ Công Thương đảm bảo quan hệ cung cầu, quản lý thị trường.
“Giá cả gồm nhiều yếu tố tất nhiên dự báo được và yếu tố ngẫu nhiên cần có giải pháp kịp thời. CPI quý 1 năm 2019 so với các năm gần đây thấp nhưng phải theo sát diễn biến từ nay đến cuối năm 2019. Vừa qua, Bộ Y tế ra chỉ thị cho các Sở Y tế chưa điều hành tăng giá dịch vụ y tế. Đây là một trong những giải pháp được cơ quan chức năng thực hiện nhằm kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng ở mức độ phù hợp với nền kinh tế”, ông Long đánh giá.
“Đi tiếp xúc cử tri, tôi nói chắc chắn việc tăng giá này Bộ Công Thương phải thực hiện theo đúng cơ chế và báo cáo Chính phủ, chứ làm sao Bộ Công Thương dám làm hay một mình EVN tự làm được?”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng, Chính phủ phải lên tiếng giải thích, xem đã làm đúng hay không chứ không chỉ là công bố thành lập đoàn thanh tra.
Theo Luân Dũng - Ngọc Linh/Tiền phong

>> xem thêm

Bình luận(0)