Tiêu chuẩn bầu Chủ tịch Hội đồng trường
Trường ĐH Kinh Bắc được thành lập theo Quyết định số 350/QĐ-TTg ngày 26/3/2012 của Thủ tướng, là cơ sở giáo dục đại học tư thục, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Luật gia Nguyễn Thanh Sơn (Viện Quản trị Sáng tạo IIM), cho biết, tiêu chuẩn bầu Chủ tịch Hội đồng trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận đã được quy định tại Luật Giáo dục Đại học năm 2012 và Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018.
Điểm a, khoản 4, Điều 17, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018 (Luật số: 34/2018/QH14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học) quy định, tiêu chuẩn Chủ tịch Hội đồng trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận như sau: "Chủ tịch hội đồng trường là cán bộ cơ hữu hoặc cán bộ kiêm nhiệm của trường đại học theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học, do hội đồng trường bầu và được hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu trường đại học công nhận".
|
Ông Đoàn Xuân Tiếp - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Kinh Bắc (ảnh: Trường ĐH Kinh Bắc).
|
Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường ĐH Kinh Bắc được công bố trên website của trường, do Chủ tịch Hội đồng trường Đoàn Xuân Tiếp ký ban hành kèm Quyết định số 03/QĐ-HĐT. Trong đó, Điểm c, Khoản 1, Điều 9 của Quy chế quy định, tiêu chuẩn thành viên hội đồng trường phải "có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; trình độ học vấn từ đại học trở lên".
Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng trường là cán bộ cơ hữu hoặc kiêm nhiệm được bầu trong số thành viên hội đồng trường và được Công ty TNHH Chân Thiện Mỹ (chủ đầu tư Trường ĐH Kinh Bắc) công nhận.
Cần làm rõ bằng cấp của ông Đoàn Xuân Tiếp
Luật sư Trần Văn Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trường Sa, cho rằng, trước thông tin phản ánh của bạn đọc và công văn của Trường ĐH Mỏ – Địa chất, cần làm rõ bằng cấp của Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Kinh Bắc Đoàn Xuân Tiếp.
Ông Tiếp hiện là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Kinh Bắc, bằng tốt nghiệp đại học của ông được sử dụng trong nhiều trường hợp như: Kê khai hồ sơ đảng viên, lý lịch khoa học, sơ yếu lý lịch khi học thạc sĩ và tiến sĩ...
Về nguyên tắc, khi được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng trường, hồ sơ phải được xác minh. Quá trình xác minh có liên hệ trường ĐH Mỏ - Địa chất xác nhận bằng tốt nghiệp của ông Đoàn Xuân Tiếp hay không, cần phải được làm rõ.
Trường ĐH Mỏ - Địa chất cũng đã có công văn khẳng định, ông Đoàn Xuân Tiếp, sinh ngày 19/05/1950, không có thời gian học tập tại trường, không có tên trong sổ gốc cấp bằng tốt nghiệp đại học của nhà trường. Vì vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ tính pháp lý của bằng đại học và bảng điểm đại học của ông Đoàn Xuân Tiếp.
Cũng theo luật sư Đức, về mặt pháp lý nói chung, pháp luật nghiên cấm hành vi sử dụng công nghệ tiên tiến làm giả giấy chứng nhận, giấy tờ, văn bản có dấu đỏ, in phôi giống giấy tờ gốc và bản thật. Hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả được quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nghị định số 138/2013/NĐ-CP, Nghị định số 79/2015/NĐ-CP. Tùy tính chất và mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù lên đến 7 năm.
Cuối năm 2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Kinh Bắc và các tỉnh.
Kết quả điều tra xác định, bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh Bắc đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ Anh hệ văn bằng 2 chính quy không đúng quy định, nhằm thu lợi bất chính.