Cam không ra quả, héo và khô dần từ gốc đến ngọn. Đó là tình trạng đang xảy ra tại “thủ phủ” cam bù nức tiếng ở Hà Tĩnh.
Được xem là “thủ phủ” cam bù nổi tiếng ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), nhưng năm nay, người trồng cam ở xã Sơn Trường đang thất thần vì mất mùa. Những gốc cam từ 5-6 năm tuổi, năm trước còn sai quả thì năm nay lá vàng, cành bắt đầu khô dần rồi chết.
Có kinh nghiệm trồng cam hàng chục năm nay, nhưng mùa này bà Nguyễn Thị Mai (72 tuổi, trú thôn 5, xã Sơn Trường) phải bất lực nhìn đồi cam chết héo dần. “Cam chết, chỉ đứng nhìn thôi không làm được gì. Năm nay có khoảng 30-45 gốc đã chết, giờ chỉ có chặt vào làm củi vì không cứu được”, bà Mai nói.
Theo bà Mai, để có một vườn cam thu hoạch được, người dân phải mất ít nhất 3-4 năm chăm sóc, bón phân, nhổ cỏ. Tuy nhiên khoảng 2 năm nay, cam tại vùng đất này bắt đầu có hiện tượng vàng lá, héo và khô dần từ gốc đến ngọn. Điều đáng nói, tình trạng cam chết, lá rụng, không ra quả chủ yếu là cam bù.
“Ở vùng này dân chủ yếu trồng cam để phát triển kinh tế. Nhưng giờ cây khô héo, không ra quả khiến gia đình thiệt hại nặng. Cam chanh hiện tại cũng bị sâu bọ tấn công, rụng nhiều, còn cam bù thì không ra quả, nhiều gốc chết. Ngoài công sức, kinh phí dân bỏ ra trồng cam cũng rất lớn”, bà Mai nói.
Bà Nguyễn Thị Mai buồn rầu khi mùa này thất thu cam
Gia đình chị Nguyễn Thị Hà (37 tuổi, trú thôn 5, xã Sơn Trường) cũng trồng trên 100 gốc cam. Nhưng năm nay có khoảng 50 gốc không cho quả khiến gia đình thất thu khoảng 30 triệu đồng. Chị Hà cho biết, trước đây cam chết, chất lượng quả không đạt chỉ xảy ra ở những gốc cam có tuổi đời từ 10-15 năm. Nhưng giờ những gốc mới thu hoạch được 1-2 lứa cũng đã có hiện tượng lá vàng, quả kém và chết dần.
“Nhà tôi trồng ít thiệt hại vài chục triệu, nhưng có những hộ thiệt hại lớn, họ phải thuê người vào chặt bỏ cả xe tải đi bán củi. Giờ cam bù có gốc đang xanh tốt, nhưng không biết đến ngày thu hoạch cam có đảm bảo chất lượng hay không”, chị Hà ngậm ngùi.
Việc cam chết hàng loạt khiến nhiều gia đình trồng cam ở xã Sơn Trường thất thu từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều gia đình đã cứu cam bằng cách chăm sóc bổ sung bón phân, cắt tỉa những cành đã khô, nhưng biện pháp này vẫn không khả thi. Nhiều người dân trồng cam tại xã Sơn Trường, mong muốn sớm tìm ra phương án, giải pháp trước tình trạng cây trồng chết và khô héo dần.
Theo lãnh đạo UBND xã Sơn Trường, toàn xã có 430ha trồng cam, trong đó chủ yếu là cam bù với 380ha. Cam bù sẽ thu hoạch vào dịp tháng 12 âm lịch đến ra Tết Nguyên đán, nhưng năm nay dân thất thu vì có khoảng hàng trăm ha bị chết, không cho quả, thiệt hại kinh tế rất lớn. “Chúng tôi đang cho cán bộ xã đến thống kê số lượng, thiệt hại của bà con để có phương án đề xuất huyện hỗ trợ người dân. Theo ước tính ban đầu có cả hàng trăm ha xảy ra tình trạng này, chủ yếu là ở cam bù”, ông Lê Đức Thuận – Chủ tịch UBND xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn nói.