Là cây trồng siêu lợi nhuận, nhưng hoa lily chỉ mới bùng lên diện tích lớn ở các tỉnh phía Bắc trong 2 – 3 năm trở lại đây. Trong đó, Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) là đơn vị có công lớn trong việc khảo nghiệm các giống hoa mới và phổ biến quy trình kỹ thuật cho nông dân.
|
Nông dân xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) kiểm tra, phân loại củ giống hoa lily trước khi đưa vào ươm trong kho lạnh. |
PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, người dày công gắn bó và đưa nhiều giống hoa giá trị về Việt Nam cho biết, hiện các giống hoa lily rất đa dạng, nhưng Viện đã nghiên cứu khảo nghiệm được 4 – 5 giống hoa phổ biến nhất. Các giống hoa đều được nhập khẩu từ thị trường Hà Lan.
Theo ông Đông, miền Bắc có lợi thế tuyệt vời đối với cây hoa vụ đông do lợi thế về thời tiết. Hiện hoa lily trồng tại phía Bắc vào vụ đông mặc dù trồng ngoài điều kiện tự nhiên nhưng có mẫu mã đẹp hơn cả hoa trồng tại Mộc Châu hay Đà Lạt, thậm chí hoa còn đẹp hơn các nước ở châu Âu, Trung Quốc, Hà Lan.
Ông Đông cho hay: “Để trồng được thành công loài hoa quý này, nông dân phải nghiên cứu thật kỹ về kỹ thuật cũng như vùng trồng…”.
Để trồng thành công loài hoa siêu lợi nhuận này, ông Đông cho rằng: “Để hoa ly sinh trưởng, phát triển tốt, trước khi trồng bà con nên xử lý củ giống trước. Cụ thể, nếu nhà vườn chuẩn bị được kho lạnh, bà con nên trồng củ mọc mầm và ra rễ trong kho lạnh trước khi trồng ra đất, các bước tiến hành như sau: Bước 1: Đưa củ ra khỏi kho lạnh bảo quản để tan hết đá. Bước 2: Xử lý củ bằng Daconil 75WP hoặc Ridomil Gold 68WP nồng độ 1/500 trong 5-10 phút. Bước 3: Trồng củ vào các khay nhựa.
Bước 4: Xếp các khay củ đã trồng lại vào trong kho lạnh (các khay có thể xếp chồng lên nhau), đặt chế độ nhiệt của kho giao động 12-140C. Bước 5: Sau 10 -15 ngày mầm dài 7-10 cm, các vòng rễ thân bắt đầu xuất hiện thì đưa củ ra trồng ngoài đồng ruộng”.
Theo ông Đông, trường hợp không có kho lạnh, bà con làm từ bước 1- 3 (làm giống như trường hợp có kho lạnh). Bước 4, mọi người chú ý xếp các khay củ đã trồng vào chỗ thoáng mát (tối nhất là dưới bóng râm) sau đó lấy lưới đen che kín để mầm củ không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng. Bước 5: Trồng ra đất khi mầm củ dài 7-10 cm.
Đối với đất trồng, khi trồng củ, chủ vườn nên tiến hành rạch hàng đặt củ sau đó lấp đất hoặc dùng dầm đào lỗ đặt củ và lấp đất lên. Mật độ trồng nên căn cứ vào kích thước củ giống để xác định mật độ trồng. Ví như củ 18/20: hàng x hàng: 20cm; cây x cây: 15cm. Củ 20/22: hàng x hàng: 20cm; cây x cây: 18cm. Độ sâu lấp đất: 8 – 10cm ( bằng hai lần chiều cao của củ).
Ông Đông cho hay: “Sau khi trồng 10-12 ngày, bà con nên bới đất ở phần gốc của một số cây để kiểm tra sự phát triển của rễ. Nếu thấy rễ trắng, ra đều xung quanh gốc là cây sinh trưởng bình thường, nếu ngược lại không có rễ, ra đều bà con cần phải xem xét, xin tư vấn của các nhà khoa học nhằm tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục kịp thời”.
|
Nông dân thu hoạch hoa lily trên cánh đồng xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng (Hà Nội). |
Về kỹ thuật tưới nước, ông Đông lưu ý bà con luôn phải giữ ẩm cho đất trong suốt quá trình trồng. “Tốt nhất nên tưới nước vào phần gốc cây tránh làm lá và nụ bị ướt, hoặc tưới vào buổi sáng lúc độ ẩm không khí thấp để bộ thân lá không được quá ướt. Nên sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho lily với chế độ tưới 30 phút/ngày. Kinh nghiệm kiểm tra lượng nước tưới vừa đủ: Bóp chặt 1 nắm đất sau khi tưới, không thấy nước rỉ ra ngoài tay, đất nắm thành cục, khi gõ nhẹ vào nắm đất sẽ bị vỡ ra” – ông Đông chia sẻ.
Theo ông Đông, để làm giảm cường độ ánh sáng cũng như nhiệt độ môi trường trồng hoa, người trồng nên dùng thêm biện pháp che lưới đen cho khu trồng hoa. Trước khi trồng 2 tuần tiến hành che lưới, che cách mặt đất từ 2,0-3,0m. Khi cây bắt đầu xuất hiện nụ hoa thì mở lưới ra, chỉ che vào buổi trưa khi trời nắng to. Từ khi nụ hoa xuất hiện đến khi thu hoạch hoa luôn theo dõi và kiểm tra cường độ ánh sáng nhà trồng lily để có chế độ che hợp lý.
Về kỹ thuật bón phân cho hoa lily, ông Đông chỉ dẫn rõ, sau khi xuống giống lily được 3 tuần (cây lily cao 20-35cm), lúc này bộ rễ hoa lily đã ra tương đối đầy đủ chúng ta tiến hành bón phân thúc. Biện pháp bón phân qua gốc, loại phân bón thúc chính thường dùng là NPK Đầu trâu (13-13-13+TE), ở mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây có bổ sung thêm phân đạm, lân, kali, canxi khác nhau, nên hòa phân với nước để tưới. Lần 1: sau trồng 3 tuần: dùng NPK Đầu trâu (13-13-13+TE) lượng dùng 1-2kg/100m2 +0,2kg đạm Urê. Lần 2: bón sau lần 1 từ 7-10 ngày. Lượng bón cho 100m2: 1kg Canxi Nitrat + 1-2kg NPK Đầu Trâu. Lần 3: khi đang xuất hiện nụ hoa. Lượng bón cho 100m2: 2kg NPK Đầu Trâu. Lần 4: sau lần 3 từ 7-10 ngày. Lượng bón cho 100m2: 1-2kg NPK Đầu trâu.
“Tùy theo tình trạng sinh trưởng của cây hoa lily chúng ta có thể bón thêm phân cho cây, tuy nhiên thời điểm cuối cùng có thể bón phân cho hoa lily là trước khi hoa nở 3 tuần. Ngoài ra, nếu bà con muốn nâng cao chất lượng hoa, hạn chế bệnh cháy lá cần phun cho lily một số phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng như: Antonix, Komix, Đầu trâu (502, 901, 902), Ca (NO3)2, NPK tổng hợp... Phun sau trồng 15-20 ngày, phun định kỳ 5-7 ngày/lần, nồng độ theo hướng dẫn cụ thể từng loại phân” – ông Đông chia sẻ.
“Trong quá trình trồng, bà con có thể điều chỉnh mức sinh trưởng của hoa. Ví như nếu chủ vườn muốn rút ngắn thời gian sinh trưởng cho hoa nở sớm bằng cách: Trước khi thu hoạch 35 ngày, nếu nhiệt độ dưới 180C, chiều dài nụ hoa vẫn nhỏ hơn 3cm, mọi người có thể dùng nilon quây kín và thắp điện vào ban đêm hoặc phun chế phẩm Đầu trâu 902 (có tác dụng rút ngắn thời gian sinh trưởng của lily từ 3-6 ngày).
Ngược lại để kéo dài thời gian sinh trưởng cho hoa nở muộn, nông dân cần tổng hợp các biện pháp hạ nhiệt độ, giảm ánh sáng bằng cách che nắng, hạn chế tưới nước... Nếu phát hiện hoa có khả năng nở sớm hơn so với thời điểm tiêu thụ thì có thể xếp các chậu hoa vào trong kho lạnh (12-15oC) trước khi tiêu thụ” – ông Đông tiết lộ.