Lan hồ điệp - “nữ hoàng các loài lan” - đang trở thành xu hướng chơi hoa ở Việt Nam, đặc biệt là vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, bởi trong tất cả các loại hoa lan, hồ điệp là loại lan có sức sống mãnh liệt và thời gian tươi lâu nhất. So với việc mua hoa tươi về cắm trong những ngày Tết thì hồ điệp chậu nổi trội hơn về cả tính kinh tế, vẻ đẹp sang trọng, tao nhã và sự tiện lợi.
Tuy nhiên, lan hồ điệp là loại cây ưa khí hậu ôn đới, cây chỉ hình thành vòi hoa khi có kiểu khí hậu lạnh nên việc trồng, chăm sóc lan hồ điệp sau Tết đòi hỏi phải có kỹ thuật và thời gian. Trong khi sau Tết, nhiều gia đình lại thường quên hoặc chăm sóc lan không chu đáo, vì thế phần lớn lan bị chết hoặc không thể phát triển.
Vì vậy, nếu muốn những cây lan hồ điệp đã chơi trong dịp Tết Nguyên Đán ra hoa lại để chơi vào Tết năm tới, người chơi hoa cần có một phương pháp xử lý và chăm sóc cây lan hồ điệp sau khi tàn hoa.
|
Việc trồng, chăm sóc lan hồ điệp sau Tết đòi hỏi phải có kỹ thuật và thời gian - Ảnh nguồn: Internet. |
Trước tiên, người chơi hoa cần dùng kéo cắt bỏ ngồng hoa ( - vòi hoa đang nở) sau 3 ngày tết, 7 ngày xuân. Việc làm này giúp cho cây không bị kiệt sức khi cung cấp để nuôi hoa. Đồng thời cũng hạn chế việc để trong vùng thiếu ánh sáng quá lâu (để trong nhà).
Điểm cắt bỏ ngồng hoa phải cách mắt ngủ cuối cùng trên cần hoa khoảng 3 cm. Không nên cắt sát cần cuống, dễ làm dập gãy lá và dễ bị thối lan vào thân cây. Chỗ mắt ngủ còn lại trên cần hoa có khả năng cho ra cây con, dùng bông y tế chấm ít thuốc atonic đặt vào chỗ mắt ngủ khoảng một tuần rồi mở ra, sau 1-2 tháng có khả năng ra cây con.
Đối với các lá bị bệnh ít, tỷ lệ vàng úa chưa quá 1/3 lá thì ta cố gắng giữ lá đó bằng cách dùng dao lam hoặc dao thật sắc khoét bỏ phần bị lá bị hỏng. Đối với các lá bị bệnh nhiều, mặt sau lá có dấu hiệu nấm, nhện loang rộng nên cắt bỏ hoàn toàn.
|
Cắt bỏ tất cả rễ thối hoặc hư hỏng - Ảnh nguồn: Internet. |
Sau đó, người chơi hoa cần quan sát rễ cây, nếu thấy rễ cây vẫn còn tươi xanh, thối ít thì giữ nguyên cả bầu của cây. Dùng kéo sạch cắt bỏ tất cả các rễ thối, để nguyên các rễ vẫn còn tươi xanh, bôi vôi (hoặc sơn móng tay, hoặc thuốc làm liền da cây, hoặc keo 502) vào tất cả các vết cắt đặt, rồi đặt nguyên bầu cây vào chậu, dùng dây cố định chặt gốc cây lan không cho lung lay.
Nếu rễ cây bị hỏng nhiều, gỡ bỏ toàn bộ phần rêu nước trong bầu cây để cắt rễ thối, cắt bỏ toàn bộ các rễ bị thối hoặc dập gãy, rồi bôi vôi, keo vào vết cắt. Do cây bị cắt gần như hết rễ nên rất khó đứng vững trong chậu vì việc người chăm sóc hoa cần lấy một miếng xốp hình chữ nhật, đặt vào chính giữa gốc cây, buộc dây và buộc cố định không cho cây bị lung lay khi cầm chậu.
|
Rải lớp sỏi ở dưới đáy chậu để tránh làm cây úng - Ảnh nguồn: Internet. |
Tiếp theo, người trồng cần rải lớp sỏi ở dưới đáy chậu để tránh làm cây úng, sau đó bỏ cây và phần xơ dừa mới vào tới 2/3 bộ rễ, rồi treo hoặc để cây trong vùng không có ánh nắng trực tiếp. Bởi trên lá hồ điệp, lỗ khí không chỉ mở vào ban đêm để trao đổi, do đó lá hồ điệp rất dễ bị hỏng khi cường độ sáng cao. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng thối nhũn trên lan hồ điệp.
Sau khi để 3 ngày bạn tưới nước cho hoa nhớ là lan hồ điệp cần 50-80% độ ẩm nếu độ ẩm thấp hơn bạn có thể dùng màn che, nhưng thỉnh thoảng việc làm này có thể gây ra nấm bệnh cần lưu ý. Đối với phân bón hãy áp dụng với công thức ổn định như là Atonic, NPK 14-14-14 là tốt nhất cho cây nhớ pha thật loãng, tỉ lệ 1/2 thìa cà phê cho 20 lít nước phun sương ẩm hàng ngày đảm bảo 1-2 tuần sau các rễ mới nhú ra lúc này bạn hãy cho thêm than đen vào chậu để giữ ẩm.
Sau 1-2 tháng cây phát triển ổn định trở lại, bạn có thể bón phân, tưới nước bình thường.