Xuất phát từ niềm đam mê, bà Khoa Thị Lời, tiểu khu Nhà nghỉ, thị trấn Mộc Châu (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đã sưu tầm, gây dựng lên vườn hoa lan khủng nhất nhì ở vùng cao nguyên quanh năm mát mẻ này. Mỗi năm, bà Lời lãi hơn 300 triệu đồng từ vườn lan khủng.
|
Nhiều chậu địa lan sa tô đang tỏa hương thơm ngào ngạt. |
Đến thăm vườn lan của bà Khoa Thị Lời vào ngày đầu xuân Mậu Tuất, chúng tôi thật sự choáng ngợp trước cả nghìn giò, chậu lan đang phát triển xanh tốt. Vườn lan tiền tỷ của bà Lời gồm 2 dòng chủ đạo, đó là lan rừng và lan công nghiệp được sắp xếp thẳng hàng, thẳng lối...
Bên trên giàn, hàng trăm giò lan rừng được treo thành từng tầng, lớp với khoảng cách hợp lý, đảm bảo cho các giò lan sinh trưởng. Với các loài địa lan, bà Lời trồng trong chậu, với nhiều kích cỡ khác nhau theo độ tuổi phát triển của lan. Rất nhiều chậu địa lan đang hé nụ, chuẩn bị nở hoa, tỏa hương thơm ngào ngạt...
|
Bà Lời đang kiểm tra quá trình phát triển của hoa lan tại vườn. |
Để có vườn lan tiền tỷ như hiện nay, bà Lời đã bỏ nhiều công sức sưu tầm, thuần hóa, chăm sóc, nuôi dưỡng phong lan, địa lan.
“Lúc đầu, tôi mua vài giò lan rừng về chơi cho thỏa niềm đam mê. Càng chăm sóc, tôi càng mê hơn và “nghiện" lan. Từ lúc nào không biết, hễ nghe nơi nào có lan quý, lan đẹp là tôi nhất định phải đến xem cho bằng được. Mỗi lần đi đâu hay làm gì mà bắt gặp bà con người dân tộc Mông, Thái, Dao, Mường… đem bán lan rừng quý, hiếm là tôi tìm mua ngay. Cứ thế, vườn lan của tôi lớn dần theo năm tháng bởi sự góp mặt của nhiều loài lan rừng…” – bà Lời chia sẻ.
|
Những bông hoa lan đang khoe sắc trong thời tiết se lạnh của mùa xuân trên cao nguyên Mộc Châu. |
Hiện trong vườn của bà Lời có gần 60 loài lan rừng quý hiếm như: Quế lan hương, giáng hương tam bảo sắc, lan đuôi chồn, lan đuôi cáo, da báo, phong lan kiều, sơn thủy tiên, tóc tiên... với số lượng lên đến vài nghìn giò. Nhiều loài lan rừng thuộc loại đặc biệt quý hiếm như: Hoàng thảo vôi, trầm tím, phi điệp đột biến... cũng được bà Lời sưu tầm và chăm sóc rất cẩn thận.
|
Cùng với lan rừng, trong vườn của bà Lời còn có các loại lan công nghiệp như: Hồ điệp, vũ nữ... số lượng cũng lên đến cả trăm chậu. |
|
Đều đặn mỗi sáng, sau khi ngủ dậy, việc bà làm đầu tiên là đi dạo một vòng quanh vườn để ngắm và kiểm tra tình hình sinh trưởng của vườn lan... |
Hơn 10 năm chơi lan, bà Lời đã nắm rõ đặc tính, kĩ thuật chăm sóc từng loài lan rừng cũng như lan công nghiệp. Với lan rừng, loài nào ưa nước, loài nào không ưa nước bà đều nắm rõ trong lòng bàn tay.
|
Đến với vườn lan của bà Lời, du khách có thể chọn cho mình những giò lan ưng ý nhất. |
Chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc lan với Dân Việt, bà Lời cho biết: “Vì phong lan không ưa nắng trực tiếp nên tôi đầu tư làm hệ thống mái che bằng lưới đen, góp phần giảm bớt ánh nắng, giúp cho lan sinh trưởng, phát triển tốt. Khâu chăm sóc, bón phân cho lan rất quan trọng, cần phải cho “ăn” phân hợp lý với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của lan. Tùy theo độ ẩm mà có chế độ tưới nước cho lan hợp lí...” – bà Lời cho hay.
|
Có nhiều khách hàng đến lựa chọn mua hoa của bà Lời tại vườn. |
Từ chỗ chỉ mua về ngắm cho thỏa niềm đam mê, đến nay, bà Lời đã gây dựng được vườn lan tiền tỷ. Mỗi năm, bà bán cho khách ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh hàng trăm giò, chậu lan, thu lãi hơn 300 triệu đồng.
“Nhiều dân chơi lan ở các tỉnh khác đến đây mua lan của tôi và tâm sự rằng, hoa lan của Tây Bắc có nhiều loại đẹp và thơm hơn cả một số lan quý của nước ngoài. Vì thế, nếu có những điều kiện thuận lợi, tôi sẽ từng bước nâng cấp vườn lan này đẻ hướng tới xuất khẩu ngoại tỉnh và thị trường ngoài nước”.