Thị trường chứng khoán đang trải qua những ngày khó khăn khi chỉ số liên tục chinh phục đỉnh cao mới nhưng hầu hết tài khoản của nhà đầu tư ở trong tình trạng thua lỗ hoặc may mắn giữ được vốn. Những cổ phiếu từng được tung hô là “cổ phiếu không đỉnh” trong giai đoạn đầu năm, nay cũng trở thành tội đồ đối với nhiều người.
Trước tiên phải kể đến đó là cổ phiếu HBC của ông lớn trong ngành xây dựng Việt Nam, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Từ cuối tháng 8/2017, cổ phiếu của HBC cứ tăng dần đều từ giá 54.000 đồng lên 64.000 đồng trong vòng 2 tháng. Tuy nhiên, khi mùa báo cáo tài chính kết thúc, cùng với sự bán ra của quỹ ngoại Pyn Elite đã khiến HBC không thể tránh khỏi áp lực bán mạnh khi rớt nhanh và đến ngày 8/11 cổ phiếu của HBC trở về mức 54.000 đồng/cp.
Trong khi đó, mặc dù công bố lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng 21% so với cùng kỳ và đạt 5.600 tỷ đồng lợi nhuận nhưng cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát cũng rơi từ đỉnh 39.700 đồng về mốc 37.000 đồng sau khi công bố kết quả kinh doanh.
Tương tự HPG, một ông lớn trong ngành bán lẻ trang sức là cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Quý 3/2017, ghi nhận doanh thu PNJ đạt 2.403 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận trước thuế đạt 156 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2016. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tỏ ra thất vọng với mức tăng trưởng 12% và thực hiện chốt lời khi cổ phiếu đạt đỉnh 115.000 đồng và chốt phiên ngày 8/11, cổ phiếu này giao dịch ở mức giá 109.000 đồng. Như vậy, trong vòng 1 tháng qua, mỗi cổ phiếu PNJ, các nhà đầu tư đã mất 6.000 đồng.
Hiện nay nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường nhưng lợi nhuận đáng thất vọng và thực sự là nỗi buồn của nhà đầu tư. Đó là HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen. HSG công bố lợi nhuận quý 4 chỉ bằng một nửa cùng kỳ. Dragon Capital đã bán vốn tại Hoa Sen và chuyển sang một công ty cùng ngành là Nam Kim.
Ngoài ra, một số cổ phiếu ngành tài chính cũng là trái đắng của nhà đầu tư như SSI của CTCK Sài Gòn, CTS của CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam, BVH của Tập đoàn Bảo Việt…
Bên cạnh một số cổ phiếu cho nhà đầu tư nếm trái đắng thì thị trường cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu được những người nhạy sóng chọn đúng cổ phiếu và vào ra đúng thời điểm.
Trước tiên phải kể đến cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons. Cổ phiếu này đã nằm im suốt nhiều tháng qua khi quanh quẩn ở giá 200.000-210.000 đồng/cp. Thế nhưng bất ngờ trong vòng tháng qua, CTD bật tăng đi ngược tình trạng chung của hầu hết các cổ phiếu trên thị trường và cùng ngành. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/11, CTD đạt 235.7000 đồng/cp.
Với cơ cấu tài chính nổi tiếng lành mạnh, kết quả kinh doanh bứt phá đã khiến một cổ phiếu thị giá cao nhưng an toàn như CTD trở thành lựa chọn lý tưởng cho giai đoạn này. Riêng quý 3/2017 Coteccons báo lãi sau thuế 477,5 tỷ đồng, tăng trưởng 30,5% so với quý 3 năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận lớn nhất trong quý 3 mà Coteccons đạt được trong nhiều năm trở lại đây.
Kế đến là cổ phiếu GAS của Tổng Công ty khí Việt Nam. Giá dầu tăng cùng với sóng “cổ phiếu trụ” thay phiên giữ lửa cho thị trường đã đẩy GAS tăng từ 60.000 đồng lên 74.700 đồng. Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2017 GAS cho biết doanh thu đạt 15.085 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận gộp của GAS đạt đến 3.058 tỷ đồng, tăng trưởng 69,3% so với cùng kỳ. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ GAS đạt mức 1.902 tỷ đồng, tăng 97,3% so với cùng kỳ năm trước.
Một gương mặt không thể không nhắc đến trên thị trường trong 2 tháng qua đó là cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup. Với sự kiện đưa Vincom Retail lên sàn, VIC đã bứt phá từ giá 45.000 đồng hồi cuối tháng 8 lên 65.500 đồng sau khi kết thúc phiên 8/11.
Những gương mặt này đều là những cổ phiếu đã tăng giá khá mạnh trong giai đoạn vừa qua và dù có thị giá cao nhưng là lựa chọn chính xác hơn hẳn những cổ phiếu thị giá thấp và giảm giá liên tục. Đó cũng là một minh chứng cho một bài học mà nhiều người hay nói: "Không có cổ phiếu đắt hay rẻ, chỉ có cổ phiếu tăng hay giảm".
Nhiều chuyên gia cho rằng những cổ phiếu rớt giá mạnh là những cổ phiếu đã tăng nóng trước đó nên với áp lực bán chốt lời đã khiến nhiều cổ phiếu rơi tự do cũng là điều bình thường.