Những cuộc phủ phê của tỷ phú vé số
Từ nhiều năm nay, căn nhà cấp 4 xưa cũ tại phường Phú Cường (TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) của ông Đỗ Hoàng Toàn (65 tuổi) là điểm đến quen thuộc của bà con gần xa khi họ muốn uống một ly nước mía miễn phí.
Người đàn ông đầu trọc lóc, luôn toát lên sự mạnh mẽ và dáng phong trần dù chỉ còn một cánh tay lao động. Cuộc đời của ông, như một thước phim kiếm hiệp, có cả dao kiếm và nước mắt.
|
Bỏ lại quá khứ sau lưng, ông Toàn quyết tâm làm lại cuộc đời, trở thành người có ích. |
Bước ngoặt cuộc đời đến với Đỗ Hoàng Toàn năm ông 15 tuổi. “Lộc trời” cho đến với ông Toàn một cách tình cờ, bản thân ông chưa bao giờ nghĩ có một ngày mình trúng số độc đắc.
Thời đó, gia đình ông Toàn có cửa tiệm bán thuốc, chủ tiệm thuốc có thói quen dùng vé số để thối lại số tiền còn thừa. Có người lấy, có người không.
Những tờ vé số còn lưu lại, gia đình ông Toàn chia cho mỗi người vài tờ để cuối tuần mang ra dò kết quả. Trong một lần xổ, ông Toàn may mắn sở hữu tấm vé trúng độc đắc.
Chàng thanh niên vui mừng đưa hết số tiền trúng số cho cha giữ. Vào tháng 12 năm đó, Đỗ Hoàng Toàn tiếp tục trúng giải đặc biệt.
Tổng số tiền trúng số vào thời điểm trước năm 1975 là 7 triệu đồng, vàng khi đó chỉ 5 ngàn đồng/lượng. Có tiền thì sinh ra tật. Từ một thanh niên chỉn chu, chăm chỉ, nghe lời cha mẹ, Toàn bắt đầu nảy ra những trò chơi ngoài xã hội.
Tiền trúng số có sẵn, Toàn tha hồ lấy mà không ai có quyền can ngăn hay khuyên nhủ. Bạn bé biết Toàn trúng số thi nhau “bu bám” và bày ra đủ trò ăn chơi trác táng, thác loạn.
Ban đầu Toàn được bạn đưa cho điếu thuốc hút, trong thuốc đã nhét sẵn bột trắng làm cho tinh thần đê mê, phê phê, tạo ra cảm giác nhớ thèm.
Sau những chầu nhậu, Toàn cùng bạn bè tổ chức đua xe. Sẵn tiền, Toàn lên Sài Gòn mua hẳn một con xe nhập khẩu từ Nhật, chiếc xe chỉ 50 phân khối, gã thanh niên lên thành 70 phân khối để tìm cảm giác mạnh.
Hồi ấy, trên đường phố Sài Gòn có rất ít xe Mercedes vì loại này rất đắt tiền và là niềm mơ ước của giới nhà giàu. Mỗi chiếc xe có giá 1 triệu đồng, nghĩa là với số tiền đang có, Toàn có thể mua được 7 chiếc.
Ăn chơi chán, thỉnh thoảng Toàn về Gò Vấp gặp một số bạn giang hồ chuyên sống bằng nghề đâm thuê chém mướn. “Họ xử nhau bằng những trận thư hùng đẫm máu. Không hiểu lúc ấy tôi nghĩ gì mà lại ngưỡng mộ và muốn tìm hiểu về cái nghề này”, ông Toàn nhớ lại.
Năm 1973, khi Đỗ Hoàng Toàn vừa bước sang tuổi 18, đã quen một nữ sinh đang học lớp đệ tứ. Ngưỡng mộ chí trai anh hùng nhiều tiền của, ga lăng, hào nhoáng, cô ấy đồng ý đi Đà Lạt chơi cùng Toàn.
Tình yêu của thiếu nữ 16 tuổi trong sáng hồn nhiên, không hề biết bạn trai của mình là một con nghiện, vẫn lén lút sử dụng ma túy thường xuyên. Một năm sau cuộc đi chơi đầu đời, cô ấy sinh hạ một bé trai cho Đỗ Hoàng Toàn.
Làm cha ở tuổi 19, ông Toàn vẫn không hề ý thức được trách nhiệm của mình. Còn tiền là còn chơi, những trận phủ phê với “nàng tiên nâu” khiến gã “bố trẻ con” quên tất cả những gì ở phía sau lưng của mình.
Sau những năm tháng dài chìm đắm trong ma túy, hút, chích đủ cả, tiêu bằng sạch số tiền trúng vé số, Đỗ Hoàng Toàn bị bắt đi cai nghiện, sau đó bỏ trốn rồi bị bắt lại. Trong một lần trốn trại, Toàn đã bị thương phải cắt cụt cánh tay trái.
Được ra trại, trong tay Đỗ Hoàng Toàn chẳng có gì ngoài sự thương tật và tấm thân còm cõi. Vợ con không chịu nổi thói ăn chơi cũng dứt áo ra đi.
|
Vợ chồng ông Toàn hiện có cuộc sống hạnh phúc. |
Khi là con nghiện, để có tiền mua thuốc hút chích, Toàn lợi dụng thân thể ốm yếu, mất một cánh tay của mình để xin ăn. Ai cho gì lấy đó, cuối ngày mang đổi được bao nhiêu tiền đi mua ma túy về dùng. Cuộc đời Đỗ Hoàng Toàn cứ trượt dài theo vết xe ma túy.
Ông chỉ thực sự tỉnh ngộ khi thấy thằng bạn thân lên cơn nghiện mà không có tiền mua thuốc đã lấy nước tương chích vào người sau đó thì lên cơn sốc và chết. Chưa kịp hoàn hồn thì ít lâu sau, một thằng bạn nữa bị chết cũng do chích choác “xì ke”.
Người đời khinh thường, ngày đưa ma chẳng có ai tới tiễn, ngay cả những đứa bạn nghiện của nhau. Cuối cùng, trong đám bạn chơi ma túy cùng thời chỉ còn một mình Đỗ Hoàng Toàn.
Gắn mác tàn tật đi xin ăn, rồi hút hít mãi cũng chai mặt, người đời coi thường, mỉa mai, xa lánh, Toàn không còn đủ sức chạy đua với thứ bột trắng chết người này nữa đã muốn từ bỏ nó, muốn quay đầu vào bờ, làm lại cuộc đời.
Ông quyết tâm tự cai nghiện tại nhà. Hành trình đoạn tuyệt với ma túy là chuỗi ngày khổ ải, đớn đau tê dại khủng khiếp.
Ông Toàn tự nhốt mình trên căn gác xép, những lúc lên cơn, ông chỉ muốn cắn lưỡi rồi lao đầu xuống đất. Cái chết lúc này còn dễ chịu hơn sự hành hạ của cơn nghiện.
Những thời khắc cùng cực nhất đến với ông, chỉ một mình ông chống chọi, chẳng có ai bên cạnh, dù chỉ là một lời động viên an ủi. Ông nghiệm ra, đó chính là cái giá mà mình phải trả cho lỗi lầm đã gây ra.
Qua được vài cơn đầu tiên, ông Toàn phát hiện ra một mẹo rất có hiệu quả. Mỗi khi lên cơn nghiện, ông dùng nước lã tạt vào mặt, dội khắp người. Nước có tác dụng làm giảm sức nóng của cơn cuồng nộ ma túy trong người.
Một tuần lễ dùng phương pháp nước lã, cơn đau của ma túy đã dịu bớt đi, ông Toàn dần hồi sức. Một tháng sau, ông Toàn tự tin bước ra khỏi nhà.
|
Vợ chồng ông Toàn ép nước mía tặng khách đi lễ chùa. |
Làm lại cuộc đời
Không ai trong gia đình tin Đỗ Hoàng Toàn đã bỏ được ma túy. Trong mắt của họ, ông đã là một con nghiện bất trị, không có thuốc chữa. Ra ngoài đường, người ta vẫn nhìn ông bằng ánh mắt kỳ thị dành cho dân xì ke, vì mặt của ông hóp lại, gò má nhô cao, chân tay khẳng khiu như que củi.
Một ông thợ hớt tóc trong xóm đã tuyên một câu xanh rờn với xóm làng: “Thằng Toàn mà bỏ được ma túy thì tao đi bằng đầu chứ không phải bằng chân”. Nghe câu nói mà tim ông nhói đau.
Đỗ Hoàng Toàn phải làm gì đó để chứng minh và bảo vệ lẽ phải cho bản thân mình. Ông lao vào tập luyện thể dục thể thao, sau đó kiên trì với bộ môn yoga.
Cơ thể dần lấy lại được cân bằng, mặt mày ông Toàn đã có da có thịt, có sức khỏe dẻo dai. Ông thường ra công viên tập luyện và biểu diễn cho mọi người chiêm ngưỡng màn hít đất bằng 2 ngón tay của mình.
Công sức của ông được đền đáp, bà con chòm xóm đã dần quên đi hình ảnh một gã nghiện vật vờ, rũ rưỡi lê lết ngoài đường. Thay vào đó, họ quý mến Đỗ Hoàng Toàn ở sự nhiệt tình, năng nổ giúp đỡ cộng đồng và đặc biệt là một tấm gương điển hình về thể dục thể thao.
Sống cô đơn mãi cũng buồn chán, năm 1998, ông Toàn lên Báo Bình Dương đăng tin “tìm bạn bốn phương”. Nhiều cô gái đã viết thư cho ông, có khoảng vài trăm lá thư làm quen, tỏ tình các kiểu.
Ông Toàn đọc thật kỹ từng lá thư, sau đó lựa ra một vài đối tượng phù hợp với tuổi tác, hoàn cảnh, sau đó ông mang đi xem tử vi thật kỹ mới quyết định hồi âm cho mọi người. Tuy nhiên, vào thời điểm gặp mặt để “chốt” thì đối phương bỏ chạy hết.
May mắn còn một người phụ nữ không bỏ chạy và ông mừng quá “hốt ngay luôn”. Vợ ông bị tật ở chân và môi nên hai người có sự đồng cảm với nhau, cuộc sống vợ chồng êm ấm thuận hòa.
Đã trải qua tất cả những biến cố, bi kịch trong cuộc đời nên ông Toàn luôn trân trọng người phụ nữ đã đến bên mình, cùng ông chia xớt mọi khó khăn. Ông luôn vui cười, hạnh phúc khi nói về vợ, ông nói vui rằng “nồi nào úp vung đó” thì mới hạnh phúc được.
Tổ ấm của ông nhanh chóng đón 2 đứa con, một trai một gái. Với ông, cuộc đời dù có những thời điểm bê bết nhất, bi kịch nhất thì hôm nay sự sống vẫn hồi sinh một cách kỳ diệu.
Quá khứ bất hảo của mình, ông Toàn muốn cho con cái biết hết, để chúng lớn lên sẽ không đi theo con đường của ba, không tiêm nhiễm những thói hư tật xấu và biết tránh xa cám dỗ phù phiếm.
Cuộc sống gia đình ông Đỗ Hoàng Toàn bây giờ đủ sống bằng nghề cho thuê rạp, bàn ghế, chén bát. Vào mùa tết có nhiều đơn hàng thì dư dả. Thời gian rảnh rỗi, ông Toàn đi tập thể dục, ai cần gì thì ông giúp bằng khả năng của mình.
Vào các ngày rằm, vợ chồng ông bỏ tiền túi mua mía, ép mấy ngàn ly tặng khách thập phương đi lễ chùa qua nhà. Việc làm ý nghĩa này đã được UBND TP. Thủ Dầu Một tặng bằng khen. Ông Toàn che tay lên miệng cười, nói vui: “Xay nước mía cho người ta mà cũng được tuyên dương”.
Quá khứ được chôn vùi phía sau, nhưng ông Toàn không bao giờ lãng quên nó. Từng ngày trôi qua, ông luôn tâm niệm, phải sống thật tốt, thật ý nghĩa để bù đắp cho quãng đời tuổi trẻ đã phung phí.