Nếu như trước đây, đối tượng khách hàng chủ yếu của dịch vụ thuê ngoài Data Center là các tổ chức tài chính, các tập đoàn đa quốc gia với nhu cầu lưu trữ thông tin tại chỗ phục vụ thị trường bản địa thì nay, hầu hết các doanh nghiệp kể cả quy mô vừa và nhỏ đã tìm đến phương án thuê ngoài Data Center.
VNPT - một trong những nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu lớn nhất Việt Nam cho biết: 20% doanh nghiệp hiện nay đang sử dụng dịch vụ thuê ngoài Data Center. Hiện nay, VNPT đã và đang cung cấp dịch vụ cho hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp lớn, trong đó có nhiều đơn vị lớn như: Cổng thông tin điện tử Chính Phủ; Báo Nhân dân; Cổng thông tin Điện tử nghệ An; Tổng Công ty điện lực dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Cốc Cốc, Công ty Thương Mại Điện tử Cầu Vồng và Công ty Cổ phần Trực tuyến CMN Việt Nam ... Các các dịch vụ chủ yếu được các doanh nghiệp lựa chọn là cho thuê chỗ đặt máy chủ (colocation); cho thuê máy chủ (hosting); dịch vụ xử lý số liệu; dịch vụ khôi phục dữ liệu; dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng; dịch vụ về an toàn, bảo mật…
Thị trường dịch vụ thuê và cho thuê dịch vụ Data Center tại Việt Nam đang ngày càng sôi động. Nắm bắt những lợi ích của việc thuê dịch vụ CNTT mang lại, mới đây Chính phủ cũng đã chính thức “bật đèn xanh” cho phép các doanh nghiệp Nhà nước thuê ngoài các dịch vụ CNTT. Nhu cầu tăng nhanh khiến cho các nhà cung cấp dịch vụ Data Center đã nhanh chóng tham gia thị trường tiềm năng này. Hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê Data Center ở Việt Nam đều xuất phát từ chỗ xây dựng để phục vụ nhu cầu của bản thân rồi mở rộng để cho thuê.
Theo tính toán, chi phí để xây dựng một Data Center thường từ 5.400 USD/m2 – 13.000 USD/m2 và mất từ 9 đến 18 tháng. Như vậy, việc thuê máy chủ sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm 50-70% chi phí này. Không chỉ có vậy, thuê ngoài các dịch vụ trung tâm dữ liệu cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí nhân lực và bảo dưỡng bảo trì. Rõ ràng, hiệu quả kinh tế xét về quy mô, chuyên môn và độ linh hoạt thì việc thuê ngoài dịch vụ lưu trữ dữ liệu là một lựa chọn hiệu quả nhất cho doanh nghiệp. Khi đó, các doanh nghiệp không cần phải quan tâm đến các vấn đề thời gian khấu hao, đầu tư có lãi hay công nghệ đã bị lỗi thời. Việc duy nhất doanh nghiệp cần làm là xác định chính xác tài nguyên mình cần và yêu cầu.
Bên cạnh đó, các vụ tấn công vào hệ thống dữ liệu gần đây, đặc biệt là các doanh nghiệp ngân hàng, hàng không thường xuyên là đối tượng mục tiêu của các tội phạm CNTT. Do đó, các doanh nghiệp dần thay đổi quan niệm, thay vì dữ liệu phải ở kề bên mình, doanh nghiệp chuyển sang quan niệm cần phải lưu trữ dữ liệu ở nơi an toàn và phải dự phòng (back up) ở nhiều địa điểm khác nhau.
Theo đại diện VNPT, Việt Nam có những ưu thế để trở thành trung tâm lưu trữ giữ liệu của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Trong đó, tính ổn định về chính trị, thiên tai, nguy cơ mất an toàn thông tin thấp, chất lượng nguồn nhân lực CNTT ngày càng cao là những yếu tố được các công ty, tập đoàn đa quốc gia hết sức quan tâm. Để đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp trong nước và nắm bắt cơ hội trên, các trung tâm dữ liệu của VNPT đều được đầu tư xây dựng theo sát chuẩn quốc tế về chất lượng, quy mô và tính bảo mật.
Cho đến thời điểm này, VNPT đã nâng quy mô phục vụ với hệ thống 8 Trung tâm dữ liệu đặt tại các thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, sẵn sàng đáp ứng tốt nhất nhu cầu thuê, mua dịch vụ CNTT của các cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ ngành và doanh nghiệp trong nước và quốc tế.