Bán trà sữa đến... 4h sáng
20h, đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh, TPHCM) bắt đầu đời sống về đêm. Chị Trinh (40 tuổi), chủ của một trong những quán trà sữa đông khách nhất trên tuyến đường này luôn tay pha chế đồ uống cho hàng dài khách chờ đợi bên ngoài.
Chị Trinh tỉ mỉ đổ trà sữa vào các ly nhựa từ sớm để khách hàng không phải chờ đợi lâu (Ảnh: Trọng Khang).
Chị Trinh cho biết, hằng ngày quán trà sữa mở bán từ 13h30 đến khi hết khách. Đôi lúc phải đến 4h ngày hôm sau, chị Trinh mới đẩy xe về nhà.
Mỗi ngày, quán có thể bán được 300 cốc trà sữa, đỉnh điểm vào các dịp đặc biệt, số lượng sẽ tăng gấp đôi. Mỗi cốc trà sữa có giá 15.000-40.000 đồng, mỗi tháng doanh thu của tiệm có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Chị Trinh cùng người thân mất cả buổi chuẩn bị topping trà sữa tại nhà (Ảnh: Trọng Khang).
"Chị chủ! Cho em một ly trà sữa trân châu phô mai", một thực khách gọi món tại quán. Ngay lập tức, chị Trinh đổ trà sữa vào ly, dùng máy tạo bọt đánh bông sữa để gia tăng hương vị, sau đó cho đá và cuối cùng thêm thìa trân châu phô mai đầy hấp dẫn.
Vị trà hơi chát mà ngọt hậu, sữa và phô mai béo ngậy được đón nhận đầy thích thú.
Bữa ăn vội lấy sức của em họ chị Trinh chuẩn bị chạy cho giờ cao điểm (Ảnh: Trọng Khang).
Chị Trinh chia sẻ: "Thực khách đến quán vỉa hè đa phần là sinh viên, học sinh nên nhiều năm qua tôi chưa tăng giá. Tôi giữ giá trà rẻ để khách hàng trẻ có thể thường xuyên qua lại, ăn uống".
Chị Trinh mở tiệm trà sữa tại địa điểm duy nhất này, duy trì đã gần 8 năm. Quán có lượng khách hàng thân thiết nhất định.
"Khách quen đến uống trà sữa từ lúc học lớp 11, nay kết hôn, có con rồi vẫn thích uống. Nghe khách kể những chuyện như vậy, tôi xúc động lắm, không thể ngờ hành trình "đứng đường" của mình đã lâu đến vậy", chị Trinh kể.
Hơn 21h, khách kéo tới đông nghẹt, nữ chủ quán và em họ không một phút rảnh tay (Ảnh: Trọng Khang).
Kiên trì với việc kinh doanh
Trước đây, chị Trinh từng là nhân viên văn phòng với mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Công việc ổn định nhưng cô gái luôn cảm thấy gò bó và muốn thoát khỏi chiếc "kén" an toàn ấy.
Khi quyết định bỏ việc để khởi nghiệp, chị Trinh đã rất đắn đo, cũng gặp nhiều can gián là không nên mạo hiểm.
Chốt lại, cô gái quyết chí dùng số tiền tích cóp sau nhiều năm đi làm để khởi nghiệp.
"Lúc đó trà sữa nhà làm mới nổi nên tôi quyết định mở bán thử. Tôi thử nghiệm từng chút một, món nào thành công tôi mới đầu tư, phát triển. Quan trọng là tôi luôn lắng nghe khách hàng góp ý, dần dà nhóm khách trẻ đến ủng hộ ngày càng nhiều hơn", chị Trinh bộc bạch.
Quán trà sữa doanh thu cả trăm triệu đồng mỗi tháng nằm ở một góc đường Nguyễn Gia Trí (Bình Thạnh, TPHCM) (Ảnh: Trọng Khang).
Trinh kể lại, thời gian đầu, cô gái gặp không ít khó khăn trong việc tìm mặt bằng và nguồn nguyên liệu. Khi tìm được địa điểm bán ưng ý, quán hứng những trận mưa "khủng" của Sài Gòn, kéo dài suốt 3 tháng.
"Kinh doanh ngoài đường phố thì phải chịu thôi. Cực lắm, nước mưa tạt vào ướt hết cả người nhưng tôi vẫn cố mỉm cười để thực khách thoải mái, yên tâm", Trinh chia sẻ.
Vào các giờ cao điểm, chị Trinh cùng nhân viên dắt xe của khách gửi vào căn nhà thuê gần đó để hạn chế lấn chiếm lòng lề đường (Ảnh: Trọng Khang).
Có khoảng thời gian, do thái độ nhân viên không tốt, quán còn mất một lượng khách nhất định. Tình hình kinh doanh dần tệ đi, chị Trinh đã định từ bỏ nhưng được sự động viên từ gia đình, bà chủ góc vỉa hè cố gắng vực dậy. May mắn mọi thứ dần trở nên ổn định.
"Buôn bán là phải kiên trì, đặc biệt không ngại khó khăn. Xu hướng chỉ là yếu tố nhất thời, hãy cố gắng làm thứ mình tốt nhất đem đến khách hàng mới giữ chân khách dài lâu hơn được", chị Trinh bộc bạch.