Đó là kinh nghiệm đau thương của anh Hoàng Duy ở Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, anh về làm nhân viên marketing một công ty dược với mức lương ban đầu 7 triệu đồng/tháng. Sau nhiều năm lăn lộn, lương của anh tăng lên 13 triệu/tháng. Hiện thu nhập của anh, gồm cả lương và doanh số, được khoảng 20-23 triệu/tháng.
Lê la ngoài thị trường nhiều nên anh Duy luôn nung nấu ý định mở một quán ăn hay quán bia, quán bán đồ nhậu cho nam giới. Năm 2019, sau nhiều ngày tìm hiểu, anh quyết định thuê một quán ăn tại gần ngã tư Hà Trì, Hà Đông với diện tích 100m2, 2 tầng với giá 15 triệu đồng để kinh doanh quán nhậu.
“Ban đầu tôi luôn nghĩ, kinh doanh quán nhậu chắc chắn sẽ có lời. Bởi dân nhậu hầu hết là đàn ông nên khá dễ tính khi móc hầu bao để gọi các món nhắm hay uống bia, mà uống cho đến tận khi ra về. Bởi thế, nếu chịu khó chế biến các món ăn ngon hoặc bán thêm đồ ăn thì lợi nhuận từ việc bán các đồ uống sẵn như nước ngọt, bia hay thuốc lá, đồ nhắm,... cũng không hề ít chút nào”, anh Duy nhận định.
|
Mở quán nhậu, anh Duy lỗ 500 triệu đồng sau 1 năm (ảnh minh họa) |
Suy nghĩ vậy, anh Duy quyết định bỏ ra 180 triệu để trả tiền thuê cửa hàng trong một năm. Anh cũng bỏ ra 100 triệu sửa sang lại, mua sắm bàn ghế, mua tủ lạnh, tủ bảo quản bia để đảm bảo chất lượng bia ngon nhất phục vụ quán. Đặc biệt, thực đơn đồ uống và đồ ăn anh cố gắng lên toàn món ngon, độc, lạ. Ngoài ra, quán nhậu nhà anh cũng tự làm thêm những món ăn nhậu đúng gu để thu hút khách đến quán lâu dài.
“Để chạy được quán nhậu, mình tuyển thêm 4 nhân viên chạy bàn, lương 4 triệu đồng/tháng. Tính ra, một tháng riêng tiền thuê nhân viên, mình đã mất 16 triệu. Chưa kể tiền mua thực phẩm về làm đồ nhậu, tiền đặt bia hơi, bia lon, điện nước hàng ngày”, anh Duy kể.
3 tháng đầu, quán bia hơi của anh Duy bị lỗ do khách là quán mới. Hơn nữa, người dân ở đây ít có thói quen ngồi hàng quán hoặc có ngồi họ sẽ rời bàn sớm chứ không lai rai do gần nhà. Đặc biệt, nhiều người đi nhậu vẫn thích ngồi quán quen dù có phải đi hàng chục cây số.
“Chất lượng món ăn ở quán mình mọi người đều khen, chưa ai chê cả. 3 tháng đầu, quán vắng khách và chưa đều, mình phải tung các chương trình khuyến mãi để thu hút khách. Những tháng sau, khách tới quán đều hơn, song lại nảy sinh những phức tạp khác khiến mình luôn luôn phải theo sát, vì sợ cứ “sểnh chân là hỏng việc”.
Đó là từ thúc giục, giám sát đầu bếp làm món ăn đảm bảo vệ sinh, an toàn, ăn ngon,... đến việc phải mất thời gian giải quyết những vụ ẩu đả, đánh chửi nhau, to tiếng đôi co của khách hàng khi rượu vào lời ra... Có như vậy, khách vào quán mới yên tâm và thoải mái ngồi nhậu.
Sau một năm kinh doanh quán nhậu, sau khi trừ chi phí lợi nhuận chẳng đáng là bao. Anh Duy cảm thấy mệt mỏi và muốn bỏ cuộc.
“Khu vực này vẫn là làng xã nên lượng khách có nhưng quán nhìn chung vẫn vắng khách. Kinh doanh ế ẩm hơn, thu không đủ bù chi. Vì khách bình dân nên quán cũng phải chuẩn bị những món nhậu đơn giản, giá rẻ như đậu phụng, bánh tráng, nem chua, mực nướng,... Có những hôm, nhiều khách đến quán uống bia rượu xong thì say xỉn, chửi bới, gây gổ đánh nhau. Hoặc có người không hài lòng với tiến độ phục vụ, thái độ nhân viên, hay chất lượng món ăn cũng gây mâu thuẫn, xích mích. Hàng ngày đủ thứ phức tạp phải đối mặt nên cuối cùng tôi quyết định đóng cửa, dù biết không thu hồi được vốn”.
Nhắc tới chuyện kinh doanh quán nhậu, anh Duy đúc kết: “Lúc dừng hoạt động, mình mới nhận ra, mình không hợp kinh doanh quán nhậu vì quá phức tạp, mệt mỏi. Mình thích không khí văn minh ở quán cafe hơn. Chỉ sau 1 năm kinh doanh, mình mất trắng 500 triệu. Thanh lý bàn ghế, tủ lạnh cũng chẳng đáng là bao vì bán giá rẻ bèo. Đây là bài học một đắt giá”.