Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tối 3/4, trả lời câu hỏi của báo chí về việc Jetstar Pacific Airlines đề xuất tăng giá vé, áp giá sàn lên vé máy bay nội địa, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ đang xem xét một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng.
"Trước khi có quyết định, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến", ông Trường nói.
Theo ông Trường, hiện tại nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang rất phổ biến hiện nay, nhiều hãng hàng không tăng giá vé như hiện nay, vấn đề tăng giá vé được nhiều người quan tâm.
Ông cho biết thêm thực hiện Luật Hàng không dân dụng, hiện tại các hãng hàng không kê khai và áp giá vé trong khung giá mà nhà nước quy định, tối thiểu có thể bằng 0.
|
Nếu áp giá sàn vé máy bay như đề xuất của Jestar, phổ vé khoảng 500.000 đồng/ vé cho chuyến bay Hà Nội - TP.HCM sẽ không còn tồn tại. |
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng dẫn Thông tư 36/2015/TT-BGTVT về quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa chuyên ngành ngày 24/7/2015 cho biết hãng hàng không không có quyền tự ý điều chỉnh tăng giá dịch vụ hàng hàng không, kê khai không quá phạm vi là 5% lần kê khai trước đó, không vượt mức tối đa theo quy định của nhà nước.
Việc điều chỉnh tăng giá vé phải thực hiện theo đúng Nghị định 116 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh.
Liên quan đến việc mới đây các hãng hàng không điều chỉnh giá vé, Thứ trưởng Trường cho biết các khoản thu phí vẫn nằm trong mức cho phép của Bộ Giao thông Vận tải quy định, cho nên đó là điều hợp lý.
Các hãng hàng không đang gửi Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến về việc tăng giá vé. Bộ đã giao Cục hàng không Việt Nam chủ trì phối hợp với các hãng, các chuyên gia xem xét dựa trên việc đảm bảo hài hoà lợi ích cả nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.
"Bộ sẽ báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và sau đó sẽ có thông báo với báo chí sau", ông nói.
Trước đó, hôm 17/3, Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) đã tổ chức họp lấy ý kiến các hãng hàng không về Dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa để thay thế quyết định 3282/QĐ-BTC ngày 19/12/2014.
Góp ý cho Dự thảo này, Jetstar Pacific Airlines (JPA) đã có văn bản trả lời, theo đó, bên cạnh mức giá trần như hiện tại, cần phải có thêm mức giá sàn để ngăn ngừa việc cạnh tranh bằng giá rẻ, trong khi bản thân JPA cũng là một hãng hàng không giá rẻ.
Theo đề xuất của JPA, giá sàn cho năm nhóm đường bay dao động từ 29% đến 34% so với giá trần.
Lý do hãng đưa ra là trong giai đoạn 2014 - 2016, mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa đã tăng hơn 30%/năm và các hãng hàng không Việt Nam đã phải liên tục giảm giá vé, có khi bán thấp hơn giá thành và sẽ tiếp tục giảm để thu hút khách.
Điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các hãng hàng không và ngành hàng không.
Trong khi đó, đại diện Vietjet Air, đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không giá rẻ có thị phần lớn ở Việt Nam, cho rằng việc áp giá trần là không phù hợp, và sẽ làm giảm tính cạnh tranh của thị trường.
Hãng này tán thành chủ trương nâng mức giá trần hoặc bỏ quy định giá trần nhưng kiến nghị không quy định giá sàn vé máy bay.