Năm 2013, một trong những thông tin xôn xao thị trường bán lẻ khi ông Jonathan Hạnh Nguyễn (Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPP) quyết tâm đổ 400 tỷ đồng vào để cải tạo Tràng Tiền Plaza.
Khi đó, ai cũng tưởng chủ mới của khu trung tâm thương mại có vị trí đắc địa nhất Hà Nội này là bố chồng của Hà Tăng.
Tuy nhiên, thực chất bố chồng Tăng Thanh Hà chỉ là người đi thuê lại trung tâm mua sắm này với thời hạn lâu dài, chứ không phải chủ sở hữu thực sự của Tràng Tiền Plaza.
Sở hữu vị trí đắc địa nhất tại Hà Nội, Tràng Tiền Plaza trước đây chỉ là một bách hóa tổng hợp, chuyên bán hàng bình dân, tốt, xấu, thật, giả lẫn lộn. Chủ sở hữu khi đó là Công ty TNHH Tràng Tiền (trực thuộc tổng công ty Vinaconex).
Thời điểm này, dù không công bố báo cáo kết quả kinh doanh, nhưng theo Vinaconex, cho đến thời điểm năm 2012, khu trung tâm thương mại này hầu như không có lãi.
Sau đó, Vinaconex đã thoái vốn tại Công ty TNHH Tràng Tiền, thay vào đó Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trở thành chủ mới của Tràng Tiền Plaza khi nắm giữ 90% vốn tại Công ty TNHH MTV đầu tư thương mại Tràng Tiền - chủ trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza.
10% vốn còn lại tại Công ty TNHH MTV đầu tư thương mại Tràng Tiền do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).
Sau khi SCIC và Hapro trở thành chủ mới của Tràng Tiền Plaza, hai đơn vị này đã hợp tác với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) của bố chồng Hà Tăng cải tạo, nâng cấp và thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh của Tràng Tiền Plaza.
|
Tràng Tiền Palaza. (Ảnh: Châu Anh).
|
Được biết, số tiền ông Jonathan Hạnh Nguyễn chi 400 tỷ đồng cải tạo, mời nhà đầu tư quốc tế góp 3.000 tỷ đồng vào Tràng Tiền Plaza.
Tuy nhiên, trung tâm thương mại này làm ăn dường như không đạt được kết quả kỳ vọng của nhiều người.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn mong muốn Tràng Tiền Plaza trở thành 1 trung tâm bán hàng hiệu, cao cấp và xa xỉ bậc nhất Hà thành, nhưng dường như mong muốn này của ông đã vấp phải không ít khó khăn.
Sau một thời gian đi vào hoạt động, trung tâm thương mại này đã từng có thời kỳ phải dừng hoạt động để tái cơ cấu mặt hàng bày bán, nâng cấp và trang trí lại.
Sau khi mở cửa trở lại, người ta thấy Tràng Tiền Plaza không chỉ còn toàn hàng hiệu, mà nhiều mặt hàng bình dân cũng đã thâm nhập được vào khu trung tâm mua sắm xa xỉ này.
Dù kết quả kinh doanh của khu trung tâm mua sắm này không được công bố nhưng sự xuất hiện của hàng loạt trung tâm mua sắm khác ở Hà Nội như Lottte, Aeon, chắc chắn cũng sẽ khiến Tràng Tiền Plaza phải gồng mình để cạnh tranh với các đối thủ nặng ký này.
Mới đây, ông chủ thực sự của khu mua sắm này, Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang cân nhắc việc bán vốn nhà nước tại Tràng Tiền Plaza.
Theo phương án bán vốn nhà nước được SCIC trình các cơ quan chức năng mới đây, SCIC đề nghị tiếp tục nắm giữ vốn tại 3 doanh nghiệp. Trong đó, đề nghị giữ 100% vốn tại Công ty TNHH MTV đầu tư SCIC; nắm 51% vốn điều lệ tại Công ty TNHH MTV khai thác và chế biến đá An Giang (UBND tỉnh An Giang cũng thống nhất phương án này).
Riêng đối với công ty TNHH MTV đầu tư thương mại Tràng Tiền - chủ trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, SCIC đề nghị thực hiện cổ phần hóa và tiếp tục nắm giữ 51% vốn điều lệ. Như vậy, số vốn SCIC muốn thoái là 39%.
Trong khi đó, Bộ Công Thương lại đề nghị thoái hết vốn nhà nước tại doanh nghiệp này do lĩnh vực kinh doanh thương mại nhà nước không cần nắm giữ cổ phần.
Như vậy, nếu SCIC thoái 39% vốn, Tràng Tiền Plaza sẽ lại có thêm 1 ông chủ mới thực sự nữa bên cạnh SCIC và Hapro.