Bầu Đức, gia đình Cường Đô La chi bao nhiêu tiền cho công ty của mình vay?

Google News

(Kiến Thức) - Nhắc tới phố núi Gia Lai, nhiều người nghĩ tới bầu Đức và gia đình Cường Đô La cùng với 2 doanh nghiệp CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG) và CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG).
 

Có điểm chung tại cả 2 doanh nghiệp này là đều hoạt động kinh doanh giảm sút trong những năm gần đây, đối mặt khó khăn với các khoản nợ. Chính vì thế bầu Đức và gia đình Cường Đô La cũng phải cho công ty mượn tiền để xoay xở.

Gia đình Cường Đô La cho Quốc Cường Gia Lai vay nợ hơn 370 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính quý 4/2019, tại thời điểm 31/12/2019, QCG có 1.042 tỷ đồng phải trả các bên liên quan, trong đó riêng phần phải trả cho các cá nhân là 594 tỷ đồng.

Trong đó, Quốc Cường Gia Lai đang mượn Chủ tịch Hội đồng quản trị QCG - bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ của Cường Đô La) hơn 72 tỷ đồng. Công ty còn mượn của bà Nguyễn Ngọc Huyền My, em gái Cường Đô La với số tiền cho mượn 35 tỷ đồng.

CTCP Chánh Nghĩa Quốc Cường và CTCP Đầu tư Quốc Cường Land của doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô La) hiện cũng đang cho Quốc Cường Gia Lai mượn 73 tỷ đồng và 193 tỷ đồng.

Như vậy, Quốc Cường Gia Lai đang mượn gia đình Chủ tịch hơn 370 tỷ đồng.

Ngoài ra còn một số cá nhân cũng tích cực cho Công ty mượn tiền như Phó Tổng giám đốc QCG – ông Lại Thế Hà, con gái ông Hà là bà Lại Thị Hoàng Yến.

Phần còn lại cũng là các pháp nhân có liên quan đến những cá nhân trên. Chẳng hạn, QCG vay của Quốc Cường Land (đơn vị với vai trò phát triển và phân phối các dự án bất động sản cho QCG) 193 tỷ đồng; CTCP TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Phạm Gia 153 tỷ đồng (có cổ đông lớn là bà Hoàng Yến, bà Huyền My).

Tương tự, Công ty TNHH Xây dựng đầu tư phát triển Nhà Hưng Thịnh cho QCG mượn 25,65 tỷ đồng (các thành viên góp vốn là bà Lại Thị Hoàng Yến, bà Lại Thị Hương Giang, con ông Lại Thế Hà) và ông Đinh Văn Hùng (10% vốn)).

Bau Duc, gia dinh Cuong Do La chi bao nhieu tien cho cong ty cua minh vay?
 Cường Đô La và mẹ - bà Nguyễn Thị Như Loan.

Năm 2019, doanh thu thuần của QCG đạt hơn 858 tỷ đồng, giảm 17% so năm 2018. Tuy vậy, lãi ròng của Công ty báo giảm 18% về mức hơn 80 tỷ đồng. So kế hoạch đề ra, Công ty đã thực hiện được 58% kế hoạch doanh thu và 44% kế hoạch lãi trước thuế.

Tại ngày 31/12/2019, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Công ty âm tới 69 tỷ đồng (là năm đầu tiên dòng tiền kinh doanh âm kể từ năm 2016) trong khi tại thời điểm cuối năm 2018 ghi nhận dòng tiền dương hơn 830 tỷ đồng.

Nguyên nhân có sự chênh lệch do Công ty ghi nhận gia tăng hàng tồn kho, giảm khoản phải thu và tăng khoản phải trả.

Hàng tồn kho ghi nhận 8.500 tỷ đồng, tăng 13% so đầu năm 2019. Trong đó, bất động sản dở dang chiếm 8.033 tỷ đồng chủ yếu là các khoản chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến các dự án.

Đối với chi phí xây dựng cơ bản dở dang, trong tổng giá trị hơn 289 tỷ đồng thì dự án nông trường cao su chiếm hơn 244 tỷ đồng và dự án thủy điện Ayun Trung chiếm gần 45 tỷ đồng.

Quốc Cường Gia Lai vẫn còn khoản phải trả là tiền đã nhận của Sunny cho dự án Phước Kiển gần 2.883 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức nợ các bên liên quan hơn 350 tỷ đồng

Trong nhiều năm qua, bầu Đức cũng được biết đến là người cho Công ty mượn tiền trong những lúc khó khăn.

Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản của HAGL giảm 10.000 tỷ xuống còn 38.598 tỷ đồng. Vay nợ tài chính giảm hơn 7.000 tỷ xuống mức 14.698 tỷ đồng.

Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn cũng giảm bớt hơn 3.000 tỷ xuống mức 3.752 tỷ đồng; vay nợ dài hạn cũng giảm 3.858 tỷ xuống 10.946 tỷ đồng.

Báo cáo có thể hiện, HAGL đang vay nợ các bên liên quan tính cả ngắn và dài hạn hơn 350 tỷ đồng. Trong đó, cá nhân Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đang cho Công ty vay 180 tỷ đồng.

Cụ thể, HAGL hạch toán khoản vay dài hạn trị giá 180 tỷ đồng với cá nhân bầu Đức để hợp tác kinh doanh. Ngoài ra, một thành viên khác trong gia đình bầu Đức là bà Đoàn Thị Nguyên Nguyên, em gái ông, cũng cho HAGL mượn 15 tỷ đồng.

Số tiền mà bầu Đức cho HAGL mượn tại thời điểm cuối năm 2019 giảm đáng kể so với thời điểm đầu năm. Theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, HAGL mượn bầu Đức vào thời điểm đó lên đến 1.059 tỷ đồng, chưa tính chi phí lãi vay gần 6,4 tỷ đồng.

Ngoài bầu Đức, có Phó Tổng giám đốc Hồ Thị Kim Chi cũng đã cho HAGL mượn 105 tỷ đồng để hợp tác kinh doanh, CTCP Lê Me cho mượn tạm 11,7 tỷ đồng, CTCP Gỗ Hoàng Anh Gia Lai cho mượn hơn 7,4 tỷ đồng,…

Trước đó, trong nhiều năm khi hoạt động kinh doanh của HAGL gặp khó khăn, bầu Đức đều là người đứng ra cho doanh nghiệp của mình vay tiền để duy trì hoạt động. Số tiền cho vay này còn không tính lãi.

Tình hình kinh doanh trong năm 2019 vừa qua của HAGL gặp khá nhiều khó khăn, nhờ cổ đông không kiểm soát ôm phần lỗ 1.862 tỷ đồng nên Công ty mới có lãi 253 tỷ đồng, trong khi doanh thu cả năm lao dốc 61% về 2.082 tỷ đồng.

Bau Duc, gia dinh Cuong Do La chi bao nhieu tien cho cong ty cua minh vay?-Hinh-2
 Ông Đoàn Nguyên Đức - bầu Đức. 

Trong năm 2019, HAGL đã bán bớt các đơn vị liên quan nên khoản mục đầu tư vào liên doanh liên kết giảm mạnh từ 2.772 tỷ xuống còn 273 tỷ.

Cụ thể, Công ty đã bán 100% vốn góp tại Cao su Đông Dương cho Thadi (đơn vị thuộc Thaco) và ghi nhận 792 tỷ đồng vào doanh thu hoạt động tài chính.

Với giao dịch bán 99,87% vốn tại đông Pênh cho Thadi, HAGL cũng ghi nhận 1.323 tỷ vào doanh thu tài chính. Đồng thời, việc bán Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai cũng ghi nhận 68 tỷ doanh thu tài chính.

Những ngày giữa tháng 12/2019, công ty của bầu Đức cũng tuyên bố giải thể CTCP Thuỷ điện Hoàng Anh Sài Gòn, công ty này do HAGL nắm giữ 99% vốn. HAGL góp vốn thành lập Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn với giá trị góp vốn là 49,5 tỷ đồng vào đầu năm 2018, thời điểm sau 4 năm thoái vốn khỏi thuỷ điện.

Động thái thoái vốn tại công ty đóng vai trò điều phối cho thấy quyết tâm rời khỏi mảng thủy điện của bầu Đức sau hơn một thập kỷ theo đuổi. Hai công ty thuộc sở hữu trực tiếp của HAGL là Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu (Nậm Kông 2) và Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3 cũng được thanh lý.

Thủy điện cùng khoáng sản, trồng trọt là những lĩnh vực nằm trong chiến lược huy động vốn để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của HAGL giai đoạn 2008-2010.

Nhưng từ năm 2013, doanh nghiệp của bầu Đức bắt đầu thoái vốn khỏi thủy điện, bất động sản, mía đường, khoáng sản để tập trung vào nông nghiệp.

Anh Nhi

>> xem thêm

Bình luận(0)