Bất ngờ nổi tiếng, rừng sim dại mang lại thu nhập cao

Google News

Thảo nguyên Bùi Hui, ở xã Ba Trang, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) được nhiều người tìm đến “check in” không chỉ với những đồng cỏ mênh mông, mà ở đó còn có những rừng sim vô cùng thơ mộng.

Xác định việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo gắn liền với bảo tồn và phát triển cây sim rừng, kết hợp với du lịch là một hướng đi mới, lâu dài, chính quyền địa phương và người dân đang nỗ lực để gìn giữ, nhân rộng và phát triển giống sim rừng.
Nơi giao hòa của đất và trời
Từ trung tâm thị trấn Ba Tơ về đến Bùi Hui tuy có vất vả khi phải băng qua những đoạn đường chông chênh, dốc ngược. Thế nhưng, vừa đặt chân đến nơi, mở ra trước mắt chúng tôi là con đường mòn kéo dài thẳng tít, chạy song song là cánh đồng cỏ tự nhiên bằng phẳng, bao la.
Từng đàn gia súc thong dong gặm cỏ trên nền trời xanh thẳm, khiến du khách ngỡ ngàng, thích thú. Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp hòa cùng khí hậu mát mẻ, trong lành, không ít người ví đây là nơi đất và trời gặp gỡ.
Điều khiến chúng tôi hết sức bất ngờ, ấn tượng thêm nữa đó là một đồi sim thơ mộng trải dài rộng khắp. Người dân địa phương cho biết, vào tháng 4, hoa sim nở nhiều nhất. Lên đúng mùa, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những thảm hoa bung nở khắp cả khung trời. Cánh mỏng mơ màng, tím rịm cả triền đồi. Hoa sim trang nhã pha lẫn chút kiêu sa, kiều diễm, hương sim tỏa mùi thơm ngào ngạt sóng mũi, quyến rũ cả núi rừng.
 Trong vài năm trở lại đây, sim rừng cho giá trị kinh tế khá cao.
Còn thời điểm này, phần lớn hoa đều đã kết trái, chín lác đác cho đến giữa tháng 7 là có thể thu hoạch. Vậy nhưng, vẻ đẹp thơ mộng ấy không bị mất đi. Không ít người trẻ dưới đồng bằng kéo nhau lên đây để thưởng ngoạn cảnh đẹp, cắm trại. Mọi người tha hồ chụp ảnh, điệu đà với sim rừng.
Bạn Nguyễn Văn Thuận, 22 tuổi, ngụ ở xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, cho biết: “Vừa nghe nói ở thảo nguyên Bùi Hui có rừng sim tuyệt đẹp, tụi em đã lập “team” và lên đây cho bằng được. Bọn em quyết định ở lại qua đêm để săn những bức ảnh thật ảo diệu lúc hoàng hôn, bình minh cùng đồi sim”.
Chuyện về những đồi hoa sim tưởng chừng đã đi vào quên lãng, không ngờ gần đây lại được nhiều người biết đến ở thảo nguyên Bùi Hui, xã Ba Trang. Không ít người, nhất là đối với những thế hệ 8X trở về trước, khi đặt chân đến đều dâng lên những cảm xúc hoài niệm khó tả. Họ nhớ về một thời khó khăn, gian khổ với những kỉ niệm cùng một loài cây mọc tự nhiên, mộc mạc nhưng hương sắc khó phai trong những tác phẩm thơ ca.
Cây tự nhiên thành... cây giảm nghèo
Trước đây, ở xã vùng cao Ba Trang, cây sim mọc tự nhiên rất nhiều. Từng có thời điểm, người dân chặt phá, san ủi mặt bằng để trồng keo nên diện tích có giảm đi. Số còn lại là phần diện tích nằm rải rác bên các vành đai rừng, nằm trên lớp trầm tích của núi lửa.
Người dân trong vùng thường thu hoạch về để ăn, ngâm rựơu, dầm thuốc. Một số ít đem bán trong huyện và dưới xuôi. Còn lá sử dụng làm phân bón tự nhiên. Tuy nhiên, cây sim thời điểm đó không có giá trị kinh tế là mấy.
Trong vài năm trở lại đây, cây sim trở nên “sốt giá” cho giá trị kinh tế cao, trung bình 15.000 đồng/kg. Có thời điểm, giá sim lên đến hơn 20.000 đồng/1kg. Già Phạm Văn Dút, 63 tuổi, ngụ ở thôn Bùi Hui chia sẻ: “Mỗi mùa sim chín kéo dài từ tháng 7 đến tháng 8 âm lịch. Vào mùa, một cụ già như tôi nếu siêng năng đi hái cũng kiếm được ít nhất 6-7 triệu đồng. Vào mùa, thương lái đến thu mua không dưới 2 tấn”.
Từng có nhiều năm sinh sống và làm việc, gắn bó với Bùi Hui. Yêu vẻ đẹp thơ mộng nơi đây, anh Lê Ngọc Thanh, 44 tuổi và gia đình đã mua đất, chọn nơi này để định cư, làm kinh tế. Trong hai năm trở lại đây, gia đình anh giảm bớt diện tích trồng keo và dành hẳn 1ha để nhân rộng cây sim.
Minh chứng cho lời anh nói, anh dẫn chúng tôi đi tham quan phần diện tích sim mà gia đình đang chăm sóc. Hàng nghìn gốc sim tươi tốt, sai trĩu quả và chỉ trong khoảng thời gian ngắn nữa là có thể thu hoạch. Đó là kết quả một thời gian dài anh thuê thợ kéo nước ra rẫy tưới, phát dọn xung quanh gốc, bón phân chăm sóc.
Điều làm anh trăn trở nhất hiện nay là làm thế nào để nhân tạo thành công giống sim. Bởi hiện tại, anh chỉ mới có thể chăm sóc cây sim mọc tự nhiên, chứ chưa tìm được kỹ thuật để tạo giống. Năm vừa rồi, anh từng thuê nhân công bứng gốc, trồng thử nghiệm tập trung nhưng tất cả đều chết khô sau nửa tháng.
“Hậu quả sau đợt thử nghiệm, tôi tốn không ít chi phí. Nguyên nhân là do không có kinh nghiệm, tự mày mò theo kiến thức của bản thân. Trong khi đó, khi lên mạng tìm hiểu, tài liệu về kỹ thuật chăm sóc cây sim còn hiếm, mơ hồ”, anh Thanh bày tỏ.
Nhận thấy giá trị kinh tế mà cây sim mang lại, xác định việc phát triển kinh tế gắn với việc bảo tồn và phát triển cây sim rừng, kết hợp với du lịch là một hướng đi mới, lâu dài, địa phương đã quy hoạch vùng trồng sim 15ha, với 30 hộ tham gia.
Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại huyện Ba Tơ cũng đã vào cuộc và hỗ trợ người dân vật tư đầu vào như phân bón, thép gai hàng rào, cuốc, xẻng... Đồng thời, tổ chức tập huấn, nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trong quá trình sản xuất.
Theo Thiên Hậu/Báo Quảng Ngãi

>> xem thêm

Bình luận(0)