Trong khi các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, gian hàng di động chuyên bày bán bánh trung thu khá đìu hiu khách thì thị trường “chợ mạng” lại khá nhộn nhịp.
“Giá rẻ” bất ngờ
Gõ từ khóa “bánh trung thu” trên Facebook, ngay lập tức hiện ra hàng trăm tài khoản cá nhân và trang mạng bán bánh trung thu, với những lời quảng cáo hấp dẫn cùng mức giá “sốc”.
Tại tài khoản P.T.H trên Facebook đang chào mời khách hàng: “Set mini 6 bánh, 6 vị, mềm dẻo, không ngọt gắt. Chay mặn đều dùng được”. Khi khách liên hệ, chị P.T.H cho biết, mỗi bánh nặng khoảng 200 gram, đủ loại nhân, giá 20.000 đồng/chiếc.
|
Bánh trung thu với muôn vàn chủng loại, mẫu mã, giá thành bày bán trên chợ mạng. Ảnh chụp màn hình |
Tài khoản M.N trên Facebook cũng đang chào mời khách hàng: “Bánh trung thu nướng, giá sỉ từ 10 bánh, hỗ trợ 50% phí gửi xa. Combo lẻ 100.000 đồng/4 bánh, 200 gram”.
Người này cũng không quên tuyển cộng tác viên với chiết khấu cao. Tuy nhiên cùng loại bánh này nhưng mẫu mã, bao bì, giá cả mỗi nơi một khác, có nơi rao bán từ 50.000 - 60.000 đồng/chiếc bánh mini 100 gram và quảng cáo là hàng cao cấp. Có nơi rao bán chỉ 20.000 đồng/chiếc, thậm chí còn chưa đến 10.000 đồng/chiếc bánh và cho rằng “đây là giá hữu nghị, dành cho các tổ chức, đơn vị làm thiện nguyện”.
Hầu hết, các tài khoản rao bán công khai bánh trung thu đều khẳng định bánh được tạo nên bởi các nghệ nhân, được sản xuất tại cơ sở đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và quan trọng hơn là bánh không chứa chất bảo quản. Nhưng khi hỏi xem thực tế giấy tờ chứng minh nguồn gốc và chất lượng, các tài khoản này chỉ “hứa và thất hứa thật nhiều”.
Hãy là người tiêu dùng thông thái
Không thể phủ nhận sức hút của các loại bánh trung thu giá rẻ này, dưới mỗi một bài đăng bán trên chợ mạng đều được rất nhiều người quan tâm, từ học sinh, sinh viên đến dân văn phòng...
Bà Ngọc Sương (chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu gia truyền Tuyết Hân, Bà Rịa – Vũng Tàu) tâm sự, khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, thị trường bánh trung thu gia truyền trở nên thất thế bởi những mặt hàng bánh trung thu giá rẻ như cho. Nếu như những năm trước đó, chỉ đầu tháng 7 âm lịch, cơ sở đã phải dồn hết công suất để phục vụ thị trường thì 2 năm nay sản lượng bánh làm ra tại cơ sở giảm đến 40%.
|
Người tiêu dùng nên chọn lựa các loại bánh trung thu khi được “mắt thấy, tay sờ” để tránh mua phải hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe. |
Tương tự, ông Nguyễn Tấn Đạt, chủ một tiệm bánh tại quận Bình Tân, TP HCM than thở, thị trường bánh trung thu giá rẻ ảnh hưởng đến rất nhiều tiệm bánh trung thu truyền thống và công ty sản xuất trong nước.
Ngoài ra, ông Đạt cũng thắc mắc về những chiếc bánh trung thu giá chỉ từ 10.000 – 25.000 đồng/chiếc? Bởi theo ông Đạt, để làm ra được chiếc bánh phải cần rất nhiều nguyên liệu, bên cạnh đó nguyên liệu cần phải chọn lựa hàng tốt thì nhân bánh mới ngon. Nếu như loại bánh đó được nhập số lượng lớn từ nước khác về cũng không thể rẻ như vậy được, vì còn phải cộng thêm cả công vận chuyển.
Chị Nguyễn Thị Dạ Thảo (ở quận 7, TP HCM) cũng chia sẻ, mỗi mùa Trung thu, gia đình chị đều chuẩn bị những món quà ý nghĩa cho gia đình, đặc biệt là các con với mong muốn các con cảm nhận được “vị ngọt” của tình thân, gia đình và Tết Trung thu.
Bởi vậy, chị Thảo đều mua bánh trung thu có thương hiệu tại siêu thị hoặc hệ thống bán lẻ gần nhà.
“Bản thân tôi đã từng nhiều lần đặt mua hàng trên mạng vì tin vào hình ảnh và cam kết của người bán nhưng sau khi nhận, hàng lại khác xa so với thực tế”, chị Thảo khẳng định.
Theo chị Thảo, với những sản phẩm bánh trung thu được rao bán với mức giá rẻ hoặc rất rẻ, người tiêu dùng thông thái hoàn toàn có thể đặt nghi ngờ về hạn sử dụng, chất lượng nguyên liệu đầu vào…
Do đó, chị Thảo cho rằng, với thực phẩm cho gia đình, các bà nội trợ nên lựa mua khi được “mắt thấy, tay sờ” để tránh mua phải hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đối với bánh trung thu bao gồm bánh dẻo (TCVN 12941:2020) và bánh nướng (TCVN 12940:2020).
Theo đó, đối với bánh nướng và bánh dẻo, việc sử dụng đường phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong TCVN 6958 hoặc TCVN 7968 (CODEX STAN 212); bột mì phải đáp ứng quy định trong TCVN 4359 (CODEX STAN 152); dầu ăn phải đáp ứng quy định trong TCVN 7597:2018.
Ngoài ra, các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật và thực vật được sử dụng để làm nhân bánh (đậu, hạt sen, nấm, mỡ lợn, thịt, thủy sản, trứng, mật ong...) phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm.
Bộ tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu bánh nướng, bánh dẻo. Theo đó, không chỉ bánh trung thu, mà các loại bánh như: bánh nếp, bánh pía, bánh bột ngũ cốc… cũng áp dụng các TCVN này.
Trước đây, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể áp dụng cho sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, nên việc quản lý chất lượng được vận dụng từ các văn bản của các bộ chuyên ngành. Với hai TCVN này, các doanh nghiệp sẽ đồng loạt áp dụng tiêu chuẩn hóa cho sản phẩm bánh nướng và bánh dẻo, giúp sản phẩm của doanh nghiệp tuân thủ các chỉ tiêu an toàn một cách đồng nhất, hoàn toàn tuân theo tiêu chuẩn chất lượng quốc gia. Giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong hoạt động quản lý.
Với tiêu chuẩn quốc gia đối với bánh nướng, bánh dẻo sẽ giúp người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm có chất lượng, đồng thời tiêu dùng an toàn hơn khi sử dụng các sản phẩm tuân thủ theo các tiêu chuẩn này.